07/10/2016 16:01 GMT+7

Giải Nobel Hòa bình 2016 về tay tổng thống Colombia

NGUYỄN QUÂN - TUẤN SƠN
NGUYỄN QUÂN - TUẤN SƠN

TTO - Sau bao đồn đoán, giải Nobel Hòa bình 2016 vừa được quyết định trao cho tổng thống Colombia Juan Manuel Santos. Tuổi Trẻ đang tiếp tục cập nhật.

Tổng thống Juan Manuel Santos trong cuộc họp báo ngày 5-10 tại Bogota - Ảnh: Reuters

Ủy ban Nobel Na Uy gồm 5 thành viên đã xác nhận chọn lựa tổng thống Colombia Juan Manuel Santos nhận giải Nobel Hòa bình 2016 vì "những nỗ lực kiên định của ông để kết thúc cuộc nội chiến kéo dài hơn 50 năm ở đất nước mình".

Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 220.000 người Colombia và khiến gần 6 triệu người nước này phải bỏ nhà cửa.

Thêm một lần nữa, các phỏng đoán đều bị bất ngờ bởi vào phút chót, thỏa thuận hòa bình ở Colombia bị người dân nói không sau cuộc trưng cần dân ý khiến tỉ lệ thành công của ông Santos cùng lãnh đạo Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia bị gạt ra ngoài những đoán định về người thắng giải.

Bà Kaci Kullmann Five, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy giải thích về quyết định trao giải: "Giải thưởng này là sự ghi nhận những nỗ lực miệt mài của Tổng thống Santos và sáng kiến vô cùng quan trọng mà ông đã đề ra. Đó còn là sự động viên dành cho tất cả các bên tham gia quá trình đàm phán để nỗ lực hết mình cho một  kết quả tốt nhất dành cho người dân nước mình".

Ông Santos là người Colombia thứ hai được trao giải Nobel. Người đầu tiên là nhà văn Gabriel García Márquez nhận giải Nobel Văn chương năm 1982.

Tổng thống Santos cũng là nguyên thủ quốc gia/chính phủ thứ 15 nhận giải Nobel Hòa bình khi còn tại vị. Nếu tính cả những người là nguyên thủ quốc gia/chính phủ không còn tại vị, con số này là 26 người.

Giải thưởng này cũng dành cho người dân Colombia, những người đã vượt lên khó khăn áp bức tột cùng để không từ bỏ hi vọng về một nền hòa bình công bằng, cũng như dành cho tất cả các bên đã có đóng góp cho tiến trình hòa bình đó"
Thông cáo báo chí của Ủy ban Nobel Na Uy 

Tổng thống Santos đã khởi động các cuộc đàm phán với Lực lượng vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) để tiến đến một hiệp ước hòa bình giữa hai bên, và ông đã không ngừng nỗ lực để thúc đẩy tiến trình hòa bình đó, thông cáo báo chí của Ủy ban Nobel viết.

Dù biết rõ thỏa thuận sẽ còn gây nhiều tranh cãi do lịch sử chiến tranh đẫm máu gây nhiều đau thương và thù hận, ông Santos vẫn đóng vai trò chủ chốt trong việc đảm bảo cho cử tri Colombia có tiếng nói của mình trong thỏa thuận hòa bình thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu hôm 2-10 đã không như những gì Tổng thống Santos mong đợi: hơn 13 triệu người dân Colombian, tức quá nửa cử tri nước này, đã bỏ phiếu chống lại thỏa thuận.

Những cử tri trẻ của Colombia đã khóc nức nở khi biết tin thỏa thuận hòa bình bị "thua sít sao" sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 2-10 vừa qua - Ảnh: Reuters

 

Có thể nói, trong số các giải Nobel trao thưởng hằng năm, giải Nobel Hòa bình được cho là danh giá nhất bởi hàm lượng mang tính lan truyền toàn cầu, có thể tạo cảm hứng cho những hoạt động điều chỉnh cuộc sống tốt hơn.

Vì lẽ đó, càng lúc người ta càng chú ý đến giải này, càng đoán già đoán non về người/tổ chức đoạt giải. Thậm chí nhiều đơn vị cá cược cho mở trang để người ta đặt tiền xem ai sẽ là người thắng giải.

Như vậy thì ai cá cược, phỏng đoán thì cứ làm, Ủy ban Nobel Na Uy cứ làm việc của họ. Đôi khi sự lựa chọn của họ khiến cả thế giới bất ngờ và cũng không ít lần gây tranh cãi. Năm 2015, gần như cả thế giới chắc mẩm giải thưởng khó lọt khỏi tay nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel nhưng cuối cùng "bộ tứ Tunisia" chiến thắng nhờ vai trò trong việc tạo dựng lại hòa bình cho đất nước mình.

Giới cá cược chọn ai?

Năm cái tên đang được đặt cược cao nhất hiện nay trong số 376 ứng viên (gồm 228 cá nhân và 148 tổ chức) là những người dân Hi Lạp đã tự nguyện đứng ra giúp đỡ di dân đến từ Trung Đông và châu Phi; nhà hoạt động nhân quyền của Nga, bà Svetlana Gannouchkina; Nhóm cứu hộ Mũ trắng ở Syria; cô gái Iraq 23 tuổi Nadia Mourad, người được bổ nhiệm làm Đại sứ của LHQ để kể về tội ác chiến tranh; bác sĩ sản khoa Denis Mukwege ở CHDC Congo, người đứng ra hỗ trợ hàng ngàn phụ nữ bị cưỡng hiếp.

Quyết định lựa chọn người thắng giải trao về tay ủy ban năm người do Quốc hội Na Uy lựa chọn và thường thì các vị giáo sư uyên bác của Na Uy được mời. Nhóm thành viên ủy ban này thường được Viện Nobel Na Uy hỗ trợ trong việc tiếp nhận danh sách ứng viên và chọn lựa sau đó.

Họ thường nhóm họp trong tòa nhà của Viện Nobel Na Uy tại Oslo và sau đó công bố tên người/tổ chức đoạt giải cũng tại tòa nhà này. Buổi tiệc tổ chức trao giải Nobel Hòa bình cũng vào ngày 10-12 và diễn ra tại tòa thị chính thành phố Oslo (Na Uy).

 

Theo nguyện vọng ghi trong di chúc của Alfred Nobel, Giải Nobel Hòa bình nên được trao"cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình".

Có nhiều người cho rằng bác học Nobel đã lập ra giải thưởng này trong di chúc như một cách đền bù cho các chất nổ phát minh của ông vốn được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh. Nhưng thực tế thì ngoại trừ loại chất nổ ballistite, không một loại chất nổ nào khác của Nobel được sử dụng trong chiến tranh khi ông còn sống nên khó nói rằng ông "ân hận"!

Giải Nobel Hòa bình sẽ được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra. Chủ tịch hiện tại của ủy ban này là bà Kaci Kullmann Five. Bà Kaci từng là doanh nhân sau bước chân vào chính trường. Bà từng là Bộ trưởng Thương mại và Đường thủy của Na Uy. Bà hiện cũng là thành viên ban lãnh đạo Quĩ Nobel.

Các giải Nobel khác do phía Thụy Điển quyết định, trừ Nobel Hòa bình là vì vào thời điểm Alfred Nobel viết di chúc, Thụy Điển và Na Uy gần như là một liên bang trong đó Chính phủ Thụy Điển chịu trách nhiệm lĩnh vực đối ngoại còn Quốc hội Na Uy chịu trách nhiệm lĩnh vực đối nội.

Alfred Nobel chưa bao giờ giải thích lý do tại sao ông lại chọn Na Uy là nước chịu trách nhiệm xét giải Nobel Hòa bình chứ không phải Thụy Điển. Nhiều người cho rằng có lẽ Nobel muốn loại trừ việc các chính phủ nước ngoài có thể thao túng Giải Nobel Hòa bình, vì vậy ông đã chọn Quốc hội Na Uy, vốn không chịu trách nhiệm về quan hệ đối ngoại.

Cũng như các giải Nobel khác, người ta không được tự đề cử làm ứng viên của giải. Thông thường phải có một nhân vật hoặc nhóm nhân vật, tổ chức uy tính đưa ra đề cử và gửi đến ủy ban tiếp nhận bắt đầu từ tháng 9 năm trước. Ví dụ ở đợt trao giải Nobel năm nay thì quá trình tiếp nhận tên họ ứng viên đã bắt đầu từ tháng 9-2015.

Sau cuộc họp đầu tiên, Ủy ban sẽ lên danh sách còn lại khoảng 20-30 ứng viên đáng kể nhất. Sau đó họ đào sâu nghiên cứu các hồ sơ này và có thể nhờ đến các chuyên gia khác hỗ trợ thông tin, đánh giá. Vài ngày trước ngày chính thức công bố giải, họ nhóm họp lại lần cuối để bỏ phiếu chọn lựa người chiến thắng.

Với phần tiền thưởng đi kèm huy chương Nobel, thường thì các nhà khoa học sẽ dùng số tiền đó cho việc nghiên cứu tiếp tục nhưng với Nobel Hòa bình thì thường được dành cho mục đích nhân đạo. Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định gửi số tiền gần 1 triệu USD cho 10 tổ chức xã hội.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) đến Oslo nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009 - Ảnh: Reuters

Trong lịch sử trao giải, đã có 49 lần ban tổ chức không trao được giải do không có người xứng đáng hoặc do bị từ chối hoặc do không thể đi nhận giải, phần lớn rơi vào giải Nobel Hòa bình (19 lần). Lần gần nhất xảy ra năm 1972.

Qui định xét trao giải cũng nói rõ, nếu không có công trình nào xứng đáng để trao giải thì không xét trao và số tiền thưởng để cộng dồn cho năm sau. Nếu năm sau tiếp tục không có người xứng đáng thì tiền được gửi vào Quĩ Nobel.

Từng có 6 trường hợp không nhận giải: trong đó hai là tự quyết định không nhận gồm nhà văn Jean-Paul Sartre của Pháp (Nobel Văn chương năm 1964) và ông Lê Đức Thọ - Đại diện phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nobel Hòa bình năm 1973); bốn trường hợp còn lại không đi nhận giải là do chính quyền (Đức và Liên Xô) không cho phép.

Trong lịch sử giải Nobel Hòa bình cũng có 5 trường hợp không đến được Oslo. Nhà chính trị Aung San Suu Kyi của Myanmar từng phải chờ đến 20 năm để được phép rời đất nước sang Oslo nhận giải trao cho bà hồi năm 1991; chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình Carl von Ossietzky của Đức (giải năm 1935) cũng không được phép rời khỏi đất nước và đã qua đời năm 1938; nhà hoạt động bất đồng chính kiến của Trung Quốc Liu Xiaobo (Lưu Hiểu Ba) được chọn trao giải năm 2010), nhưng đến nay ông vẫn ở trong tù. Chiếc ghế vốn dành cho ông ngày đến nhận giải đến nay vẫn để trống như một lời nhắc nhở với cộng đồng quốc tế.

Cũng có trường hợp nhờ đi nhận giải thay như vào năm 1975, nhà vật lý và đồng thời là nhà hoạt động bất đồng chính kiến của Liên Xô, ông Andreï Sakharov đã cử vợ là bà  Elena Bonner đi nhận thay. Năm 1983, nhà hoạt động công đoàn Lech Walesa của Ba Lan từ chối sang Oslo nhận giải vì sợ không được phép quay trở về đất nước.

NGUYỄN QUÂN - TUẤN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên