08/11/2024 10:26 GMT+7

Giải ngân vốn công trình giao thông thấp, TP.HCM cần thiết phải lập ban dự án trọng điểm

Sở Giao thông vận tải vừa có ý kiến gửi Sở Nội vụ về việc thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm.

Giải ngân vốn dự án giao thông thấp, TP.HCM cần thiết phải lập siêu ban trọng điểm - Ảnh 1.

Công trình nút giao An Phú do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư - Ảnh: CHÂU TUẤN

Về sự cần thiết lập thêm ban, theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay các dự án trong lĩnh vực giao thông do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trực thuộc UBND TP.HCM làm chủ đầu tư (trừ các dự án đường sắt đô thị). Ban đang quản lý số lượng dự án rất lớn, bao gồm các dự án quan trọng quốc gia và chủ yếu là dự án nhóm A, nhóm B.

Trong đó có dự án vành đai 3 TP.HCM cần phải được triển khai đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiến độ hoàn thành theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ.

Ngoài ra còn có các dự án trọng điểm như đường nối Trần Quốc Hoàn kết nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, nâng cấp mở rộng quốc lộ 50, nút giao thông An Phú, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ...

Tuy nhiên thời gian qua, kết quả thực hiện các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư có tỉ lệ giải ngân thấp, một số dự án triển khai chậm.

Trong khi đó dự kiến nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 đã được HĐND TP có nghị quyết thông qua để thực hiện các dự án giao thông là rất lớn (chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư công trung hạn của TP.HCM).

TP.HCM hiện đã giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông vận tải là cơ quan chuẩn bị dự án rất nhiều dự án giao thông trọng điểm, quy mô lớn; các dự án triển khai theo nghị quyết 98.

Đặc biệt, khi quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được Thủ tướng phê duyệt, khối lượng, số lượng dự án hạ tầng giao thông sẽ rất lớn để cụ thể hóa quy hoạch được duyệt.

Do đó theo Sở Giao thông vận tải, việc thành lập thêm ban quản lý dự án chuyên ngành giao thông là thật sự cần thiết.

Về chức năng nhiệm vụ, ban mới sẽ làm chủ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, quy mô lớn, các dự án thực hiện theo hình thức PPP, các dự án thực hiện theo nghị quyết 98 (không bao gồm các dự án đường sắt đô thị).

Về thời gian thành lập, Sở Giao thông vận tải đề nghị Sở Nội vụ sớm tham mưu trình UBND TP chấp thuận chủ trương và thực hiện quy trình thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trong quý 4-2024. Việc này để ổn định bộ máy, tổ chức đi vào hoạt động từ quý 1-2025.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, trước đó Sở Nội vụ đã có văn bản lấy ý kiến về chủ trương thành lập thêm các ban quản lý dự án chuyên ngành trực thuộc UBND TP.HCM, để thực hiện các dự án.

Các ban này gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình có công năng phục vụ hỗn hợp về các dự án TOD và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình có công năng phục vụ hỗn hợp về các dự án PPP.

Việc thành lập thêm ban dự án mới theo đánh giá của các chuyên gia là một trong những giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Việc này không chỉ giảm tải cho các ban quản lý hiện tại mà còn tạo động lực thúc đẩy, thi đua đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, giúp tăng tỉ lệ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn công.

9 tháng đầu năm 2024, ban quản lý dự án giao thông giải ngân 19,7%

Năm 2024, số vốn đầu tư công triển khai tại TP.HCM rất lớn. Tuy nhiên tình hình giải ngân đang rất thấp, 9 tháng đầu năm 2024 mới đạt 20,2% kế hoạch. Theo thống kê, có một số ban quản lý dự án đang có tỉ lệ giải ngân thấp hơn tỉ lệ chung của TP (20,2%).

Các đơn vị này gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp có tỉ lệ giải ngân 8,6%, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông 19,7%.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị là 7,9%, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM 17,1% và Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao 0,5%.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - Ảnh 2.Từ việc trả lại 24 dự án đầu tư công: Giải pháp nào cho các siêu ban đang quá tải ở TP.HCM?

Các chuyên gia cho rằng cần tăng cường phân cấp các dự án về cho quận, huyện nhằm giảm tải cho các siêu ban hiện nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên