Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Lê Văn Thanh - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4-7, trả lời về vấn đề giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Lê Văn Thanh cho hay tỉ lệ giải ngân gói hỗ trợ rất thấp sau hơn ba tháng triển khai.
Cụ thể, tính đến ngày 4-7, theo báo cáo của sở lao động - thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố, đã tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp để hỗ trợ cho 558.024 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỉ đồng tại 45 địa phương.
Các địa phương đã phê duyệt cho 280.954 lao động với tổng kinh phí 209 tỉ đồng tại 38 địa phương. Đã có 15 địa phương giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí hơn 70 tỉ đồng.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh thừa nhận so với việc hỗ trợ thì tỉ lệ này còn rất thấp (hơn 1%), nguyên nhân do các địa phương đang chờ kinh phí từ trung ương, chưa chủ động bố trí nguồn thực hiện.
Để tháo gỡ, hôm qua 3-7, Thủ tướng đã có quyết định 791 về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà.
"Ngoài ra, một số địa phương cũng sợ làm sai nên yêu cầu phải có xác nhận. Trong yêu cầu chỉ cần có xác nhận của chủ nhà trọ nhưng nhiều nơi còn yêu cầu phải chính quyền địa phương cấp xã, phường xác nhận. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng sợ sai cho nên nộp danh sách cho bảo hiểm xã hội làm còn chậm", ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết đã có hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp, đặc biệt các tổ chức công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp liên đoàn các địa phương đẩy mạnh đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng lập danh sách để phía bảo hiểm xã hội phê duyệt.
Bên cạnh đó, nhiều người lao động chưa nắm kỹ tình hình nên chưa nộp đơn để các doanh nghiệp phê duyệt.
Ông Thanh nói thêm sau khi có quyết định 791 của Thủ tướng, bộ tiếp tục đôn đốc các địa phương giải ngân nhanh hơn để đạt theo yêu cầu đề ra - hỗ trợ 6.600 tỉ đồng cho 3,4 triệu lao động.
"Sau khi có quyết định của Thủ tướng, chúng tôi sẽ đôn đốc các địa phương giải ngân nhanh hơn trong tháng 7, phấn đấu hoàn thành đúng thời hạn đề ra giữa tháng 8", ông Thanh nói.
Tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Chờ Chính phủ quyết định
Trả lời về việc đề xuất tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết thực hiện chủ trương chung của Đảng về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức rà soát và thu gọn các đầu mối.
Với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Đông cho biết trong quá trình rà soát các tiêu chí trong nghị định 101/2020 của Chính phủ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa đáp ứng đủ. Do đó, bộ đề xuất không duy trì mô hình tổng cục và quy hoạch Tổng cục Đường bộ thành cục quản lý chuyên ngành.
Tuy nhiên, ông Đông nêu rõ Bộ Giao thông vận tải chỉ là cơ quan xây dựng đề án trình và xin ý kiến các thành viên Chính phủ chứ không phải có thẩm quyền quyết định việc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận