Trong 6 tháng đầu năm 2024, giải ngân đầu tư công mới đạt 29,39%, mức thấp so với cùng kỳ năm 2023. Thủ tướng đã biểu dương 11 bộ, cơ quan và 35 địa phương; phê bình nghiêm khắc 33 bộ, cơ quan, 28 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Làm trước các bước thủ tục, phân rõ trách nhiệm
Với quan điểm vốn đầu tư công là tiền của Nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí, Thủ tướng yêu cầu nêu cao vai trò của người đứng đầu các cấp, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Là địa phương có tỉ lệ giải ngân tốt (trên 52,3%), ông Nguyễn Văn Vĩnh, phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho hay đã thực hiện phân bổ ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó phải làm tốt, kỹ lưỡng công tác chuẩn bị đầu tư, thủ tục giải phóng mặt bằng.
Tỉnh cũng quy định cứ đến tháng 10 hằng năm, chủ đầu tư phải chuẩn bị về đầu tư nếu không đưa vào nghị quyết chính thức năm sau; vốn thì tính toán giao vào tháng 12 năm trước, có vốn thì khởi công ngay và theo dõi sát từng dự án, thường xuyên tháo gỡ về giải phóng mặt bằng do có ban chỉ đạo cho công tác này...
Ông Lại Xuân Thanh, chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), cho hay việc triển khai dự án sân bay Long Thành và một số dự án sân bay trọng điểm ở một số giai đoạn khá bi quan. Nguyên nhân chủ quan là hạ tầng quản lý dự án yếu kém, ban quản lý dự án cũng chưa kịp bắt nhịp với dự án lớn, nhân lực chưa được cân đối tốt nhất cho một dự án đặc biệt...
Tuy vậy, "các bộ, ngành như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... đã không còn đứng ở vai trò giám sát, chỉ đạo nữa, mà khi đó đã xắn tay vào làm cùng ACV. Chúng tôi vẫn tâm niệm "phải nắm thắt lưng các bộ" nên đến thời điểm hiện tại, những rào cản từ chính sách, cơ chế đều đã được xử lý", ông Thanh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, chia sẻ kinh nghiệm thi công trong suốt một năm qua để đạt tiến độ theo kế hoạch là hoàn thành trong tháng 7 này. Ông Tuấn cho hay với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự vào cuộc có hiệu quả của cả hệ thống chính trị và các bộ ngành và các cấp chính quyền địa phương, ủng hộ của người dân và nỗ lực quyết tâm của chủ đầu tư, dự án đã triển khai có hiệu quả.
Chuyện cũ vẫn cần nhắc lại: cần sự phối hợp
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay đến ngày 10-7, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639,4 nghìn tỉ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng giao, tỉ lệ giải ngân đạt 30,4%.
Nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023. Một số địa phương được giao kế hoạch năm 2024 cao hơn năm 2023 nhưng có giá trị giải ngân thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 (làm tròn số) như: TP.HCM (thấp hơn 4.604 tỉ đồng), Quảng Ngãi (thấp hơn 1.510 tỉ đồng), Hải Phòng (thấp hơn 1.477 tỉ đồng), Bắc Giang (thấp hơn 1.097 tỉ đồng), Đồng Nai (thấp hơn 839 tỉ đồng).
Đặc biệt tỉ lệ giải ngân của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng còn thấp, đến ngày 13-6 chỉ đạt 27,4%, dự án liên vùng do địa phương quản lý chỉ đạt 17,2%. Một số dự án được giao kế hoạch vốn năm 2024 lớn nhưng có tỉ lệ giải ngân thấp như đường vành đai 3 - TP.HCM, đường vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh...
Với những dự án liên vùng chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy nói lãnh đạo bộ cho rằng để đạt được khối lượng công việc hiệu quả hơn, cần tháo gỡ thêm các khó khăn vướng mắc. Ngoài giải phóng mặt bằng thì việc khai thác các mỏ cát, vật liệu xây dựng, các địa phương cần tạo điều kiện đáp ứng theo yêu cầu "ba ca, bốn kíp". Các bộ ngành tháo gỡ phân định rõ về thẩm quyền, phân cấp đầu tư trong thực hiện đầu tư các dự án...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng để thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án. Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý. Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án và tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên.
Thực hiện các thủ tục thanh toán trong thời hạn năm ngày làm việc; tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm...
■ Đại biểu Quốc hội TRẦN QUỐC TUẤN (Trà Vinh):
Yếu tố con người mang tính quyết định
Trong những tháng cuối năm, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Trong đó đối với cán bộ được phân công, giao nhiệm vụ, cần phải quyết tâm làm theo quy định pháp luật. Nếu thấy bất cập, chồng chéo thì xin ý kiến cơ quan chuyên môn hoặc cấp trên trực tiếp. Đối với cơ quan chuyên môn/cấp trên trực tiếp cần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cấp được giao nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất, sớm nhất.
Chính phủ cần tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho cấp thực hiện ở dưới. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm đến nơi đến chốn đối với những nơi không dám làm, sợ sai, sợ trách nhiệm. Nếu thấy cán bộ quá yếu kém, có thể điều động cán bộ khác có năng lực để thay thế, đảm đương nhiệm vụ này.
2024 là năm quyết định cho việc hoàn thành nghị quyết đại hội đảng các cấp, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ mới, nếu để tồn tại số cán bộ đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm... để tìm "lối an toàn cho cá nhân" sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện nghị quyết đại hội. Đồng thời làm chậm sự phát triển của đất nước. Vì vậy giải quyết vấn đề con người chính là yếu tố quan trọng nhất để thúc giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay để đạt mục tiêu đề ra.
"5 quyết tâm", "5 bảo đảm" để kịp tiến độ
Để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% số vốn đã phân bổ của năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "5 quyết tâm" và "5 bảo đảm".
Đó là quyết tâm giữ kỷ luật kỷ cương; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; đổi mới phương pháp, cách làm; khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai.
Năm đảm bảo gồm: chủ động nguyên vật liệu (nhất là cát sỏi, đất đắp nền...); nhân lực có tâm, có tầm, có trách nhiệm; hài hòa lợi ích; quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường...
Thủ tướng yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Rà soát kỹ từ khâu chuẩn bị dự án, giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh toán, quyết toán... đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định; lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
TP.HCM có cần tiếp tục phát động thi đua?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay năm 2024, TP được giao kế hoạch vốn đầu tư công là 79.263 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân được 11.511 tỉ đồng, đạt 14,5%. Đây là mức giải ngân đầu tư công thấp so với mức bình quân của cả nước.
Về nguyên nhân, ông Mãi cho rằng có yếu tố chủ quan. Thực tế tuy có điều hành quyết liệt, nhưng việc tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, thủ tục đầu tư, quyết toán... còn chậm, chưa đạt tiến độ.
Trong số vốn kể trên, có 28.000 tỉ đồng thuộc các dự án mới nên thủ tục kéo dài, chỉ có thể giải ngân ở sáu tháng cuối năm; có 22.000 tỉ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, chờ áp dụng Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1-8 nên cũng sẽ tập trung cho giải ngân ở sáu tháng cuối. Một số dự án có vốn lớn, vướng mắc pháp lý nên giải ngân chậm. Tổng số vốn này khoảng 60.000 tỉ đồng.
Sắp tới TP.HCM sẽ tăng cường giám sát đôn đốc hằng tuần; phân công các thành viên trong thường trực ủy ban chỉ đạo một số dự án lớn, còn vướng mắc. Chủ tịch UBND TP sẽ họp hằng tuần, tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị.
Trước đó, nhiều người còn nhớ câu chuyện TP.HCM từng phát động thi đua giải ngân đầu tư công vào năm 2023. Đến tháng 10-2023, sau khi giải ngân chỉ đạt 35,3% kế hoạch năm, UBND TP đã phát động thi đua 60 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, quyết tâm mục tiêu mức giải ngân đạt 95%. Kết quả giải ngân sau đó cải thiện rõ rệt. Trong 45/60 ngày đêm chiến dịch, TP.HCM đã giải ngân thêm 11.300 tỉ đồng, trung bình mỗi ngày hơn 250 tỉ đồng và mỗi tuần là hơn 1.750 tỉ đồng. Có tám quận, huyện được thư khen của chủ tịch UBND TP vì thực hiện hiệu quả, trong đó có địa phương đạt tỉ lệ giải ngân gần như tuyệt đối 99%.
Tuy nhiên hết đợt thi đua, tỉ lệ giải ngân của TP.HCM nói chung và nhiều cơ quan, đơn vị nói riêng trở lại làm việc cầm chừng. Thống kê của Kho bạc Nhà nước TP.HCM, những ngày cuối quý 1-2024, do có sự thúc đẩy tinh thần làm việc nên có ngày giải ngân được 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên đến tháng 4 và tháng 5-2024, bình quân mỗi tuần TP chỉ giải ngân từ 150 - 180 tỉ đồng.
Tại phiên họp kinh tế - xã hội định kỳ (tháng 5-2024), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân 10 - 12% trong quý 1 và 30% trong quý 2 nhưng đến gần hết quý 2, tỉ lệ giải ngân mới gần đạt chỉ tiêu của quý 1. Tháng 4, tháng 5, TP xác định mỗi tuần giải ngân 3.500 - 4.000 tỉ đồng, nhưng thực tế khối lượng chỉ khoảng 200 tỉ đồng/tuần. Đây là khối lượng rất thấp so với yêu cầu, thấp hơn nhiều lần so với đợt thi đua 60 ngày đêm giải ngân đầu tư công, khi có ngày giải ngân 2.000 tỉ đồng.
Có ý kiến sau đó đề nghị TP.HCM cần có đợt phát động thi đua và kiểm tra, giám sát chủ đầu tư, nhà thầu để có được mức độ giải ngân cao.
Khó bán đất để lấy vốn
Theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, đến ngày 30-6 tỉnh đã giải ngân 2.044 tỉ đồng, đạt 36,24% kế hoạch. Dự kiến giá trị giải ngân đến 31-1-2025 là 5.516 tỉ đồng, đạt 97,8% kế hoạch.
Theo lãnh đạo tỉnh, trong những tháng đầu năm 2024, việc giải ngân chậm trễ là do chậm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho các dự án. Việc này phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn đối với Luật Đấu thầu mới có hiệu lực. Tiến độ nhiều dự án giao thông được bố trí vốn chuyển tiếp năm 2024 triển khai chậm, đa số vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguồn cát san lấp hiện nay rất khan hiếm và khó tiếp cận làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Trần Hoài Nam, trưởng phòng quy hoạch tổng hợp thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, cho hay cái khó hiện nay là trong số vốn trung ương giao có vốn bán đất để lấy tiền thực hiện dự án. Tuy nhiên hiện nay nguồn thu từ việc bán đất rất khó và nguồn thu từ hoạt động bán đất của người dân cũng khó do thị trường ảm đạm.
"Đây là tình hình chung khi giao dịch bất động sản khó khăn, dẫn đến không có nguồn thu rồi ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công", ông Nam nói.
Tại Cần Thơ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 24-6 là hơn 2.843 tỉ đồng, đạt hơn 34% kế hoạch vốn HĐND TP giao và đạt hơn 27% kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy vậy, tỉ lệ tạm ứng vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng số giải ngân, hơn 1.318 tỉ đồng (chiếm 46,35%). Có 34 công trình thuộc nguồn vốn từ TP quản lý có tỉ lệ giải ngân 0%.
Theo ông Trần Việt Trường - chủ tịch UBND TP Cần Thơ, giải pháp sắp tới là tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, thực hiện cụ thể hóa nhiệm vụ được giao trong việc phân công, phân nhiệm công việc rõ ràng. Đồng thời đánh giá khách quan, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vào cuối năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận