Thí sinh trao đổi bài trước giờ thi môn toán tại cụm thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Bài tham dự chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ [email protected]. Bên cạnh đó, Tuổi Trẻ cũng sẽ tăng cường Hộp thư tuyển sinh, các bài viết của chuyên gia nhằm giúp các bạn thí sinh có được một mùa thi thành công nhất.
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 đang đến gần, khâu ôn tập cho học sinh coi như đã kết thúc. Ai cũng biết môn toán là môn bắt buộc để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học. Mặc dù nắm được cấu trúc đề thi, nhưng để làm bài tốt môn toán thì học sinh phải có kiến thức, cách trình bày lời giải và tâm lý vững vàng.
1 Về kiến thức: Học sinh cần xem lại những kiến thức đã học, ghi nhớ những công thức toán học và khắc sâu phương pháp làm bài của mỗi dạng toán. Học sinh nên nhớ trong đề thi luôn có hai phần.
Phần cơ bản chiếm 7 điểm gồm có các chuyên đề: hàm số; số phức; phương trình, bất phương trình mũ và lôgarit; tích phân; phương pháp tọa độ trong không gian; lượng giác; tổ hợp, nhị thức và xác suất; hình học không gian.
Phần nâng cao chiếm 3 điểm gồm có các chuyên đề: phương pháp tọa độ trong mặt phẳng; phương trình, bất phương trình và hệ phương trình chứa căn thức; bất đẳng thức. Như vậy những học sinh có học lực yếu, trung bình và khá thì làm phần cơ bản. Những học sinh giỏi và xuất sắc thì làm thêm phần nâng cao.
2 Về cách trình bày lời giải: Khi làm bài học sinh cần giải ngoài nháp kể cả bài khảo sát, để khi ghi vào bài cho sạch sẽ nhằm tránh sai sót. Chọn câu dễ làm trước, những câu khó thì đọc đề thật kỹ rồi vạch những hướng làm ra nháp, sau đó chọn cách làm thích hợp. Thường những câu khó phải tư duy để chọn cách giải tối ưu.
Để khỏi mất điểm, học sinh không được trình bày lời giải theo kiểu trích đoạn, mà cần trình bày lời giải phải rõ ràng, lập luận chặt chẽ và chính xác qua từng bước. Không được lo lắng khi thấy những bạn xung quanh xin nhiều giấy làm bài, mà phải tin tưởng vào bản thân mình. Không rời phòng thi sớm và nếu làm xong thì đọc lại bài để kiểm tra sai sót lần cuối.
3 Về mặt tâm lý: Yếu tố tâm lý rất quan trọng đối với mỗi học sinh. Kinh nghiệm cho thấy nếu học sinh học tốt nhưng hay hồi hộp, lo lắng và căng thẳng thì kết quả không đạt như mong muốn. Để có tâm lý vững vàng, học sinh cần lưu ý: khi đi thi cần chuẩn bị dụng cụ học tập đầy đủ và đến phòng thi sớm trước 15 phút để tinh thần thoải mái.
Khi nhận đề thi thì đọc đề thật kỹ nhiều lần để tìm ra hướng giải cho từng câu. Nếu hồi hộp và hoang mang thì hít từng hơi thật sâu rồi thở ra từ từ, hay nắm hai tay thật chặt vào nhau để tự trấn tĩnh trở lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận