05/10/2014 12:41 GMT+7

Giải mật tài liệu Trung ương Đảng: “Vừng ơi mở ra”

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Bên cạnh quy định về giải mật tài liệu theo sự cho phép của cấp có thẩm quyền, điểm đáng chú ý là quy định này đã đưa ra thời hạn tự động giải mật trong kho lưu trữ Trung ương Đảng.

Kho lưu trữ tài liệu của Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng - Ảnh tư liệu Cục Lưu trữ

 

​Từ chỗ rất ít khi tài liệu mật được bạch hóa và không có văn bản nào quy định về “vùng nhạy cảm” này, đến nay công tác giải mật tài liệu lưu trữ đã có hành lang pháp lý rõ ràng và trở thành việc thường niên ở Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

Nhu cầu khai thác tài liệu mật ngày càng tăng

Lâu năm trong nghề, ông Nguyễn Văn Lanh - nguyên cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng - nhiều khi nhận được những điện thoại của người quen hỏi về thông tin nào đó, nhất là những thông tin liên quan đến các sự kiện lịch sử mà đang có nhiều ý kiến khác nhau trên mạng Internet. “Chuyện đó có thật không?”.

Theo nguyên tắc, vị cán bộ lưu trữ này không thể trả lời những câu hỏi như vậy, hơn nữa trong phạm vi công việc của mình không phải thông tin nào ông cũng tường tận. Tuy nhiên, những câu hỏi đó giúp ông hiểu thêm rằng thông tin trong các tài liệu lưu trữ đóng dấu mật thường liên quan đến các sự kiện, vụ việc, nhân vật rất được nhiều người quan tâm.

Ông Lanh còn nhớ rõ có lần ông đã được tham gia phục vụ lãnh đạo trung ương khai thác tài liệu lưu trữ để giải tỏa nhiều nghi vấn trong một vụ án.

Cũng kể lại vụ việc này, ông Phan Diễn - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - cho rằng việc sử dụng tài liệu lưu trữ gốc thường có hiệu quả cao khi giải quyết các trường hợp nhiễu thông tin. Chỉ có điều, theo ông Lanh, có thể do tài liệu mật thường chỉ phổ biến trong diện hẹp nên ở trung ương đã rõ sự việc, còn bên ngoài thì thông tin không đến đầy đủ.

“Nếu chúng ta làm tốt công tác lưu trữ tài liệu và biết cách khai thác những giá trị của chúng thì luôn có thể phục dựng lại lịch sử một cách chân thực nhất” - ông Lanh tâm sự.

Cũng như ông Lanh, cả cuộc đời gắn bó với nghề lưu trữ nên ông Dương Văn Khảm - nguyên cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ thuộc Bộ Nội vụ, hiện là chủ tịch trung ương Hội Văn thư lưu trữ Việt Nam - luôn mong muốn tài liệu lưu trữ được xã hội biết đến và khai thác, sử dụng nhiều hơn.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc, theo ông Khảm, tỉ lệ tài liệu lưu trữ lịch sử được xã hội khai thác rất thấp. Nhìn ra nước ngoài, ví dụ ở Nga tỉ lệ này vào khoảng 0,8%, ở nước ta tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng đánh giá chung là tương tự hoặc thấp hơn.

Lý giải vì sao ở trung ương tài liệu lưu trữ thường xuyên được khai thác, phục vụ cho công việc, nhưng ngoài xã hội tiếp cận còn hạn chế, các chuyên gia lưu trữ đưa ra nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tài liệu chưa được giải mật.

Hằng năm Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tiếp nhận và phục vụ hàng trăm, có năm lên đến hàng nghìn yêu cầu nghiên cứu, sử dụng tài liệu, trong đó có một phần nhỏ tài liệu mật được đưa ra theo những yêu cầu này.

Ông Lanh cho biết yêu cầu khai thác tài liệu mật ngày càng tăng lên, và mỗi khi có yêu cầu khai thác tài liệu có dấu chỉ mức độ mật, theo quy định thì cán bộ lưu trữ phải trình cấp có thẩm quyền duyệt thủ tục giải mật qua nhiều khâu hành chính và thời gian thường kéo dài.

Từ thực tiễn đó, việc giải mật tài liệu lưu trữ đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với toàn xã hội. Cũng theo ông Lanh, nếu không tiến hành giải mật không những không khai thác, sử dụng đầy đủ, kịp thời thông tin có giá trị trong tài liệu, mà còn gây nên tình trạng tồn đọng quá nhiều tài liệu được đóng dấu mật nhưng nội dung không còn mật hoặc đã giảm mật trong kho lưu trữ, gây khó khăn cho việc quản lý tài liệu mật đích thực.

Hơn nữa, trong bối cảnh bùng nổ thông tin và mở rộng dân chủ, nếu làm tốt công tác giải mật sẽ giúp cho nhân dân hiểu đầy đủ hơn về lịch sử đất nước qua những kênh thông tin chính thức.

Sẽ giải mật tài liệu cá nhân

Năm 2009, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và sự tham mưu, đề xuất của Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chính thức ban hành quy định về giải mật tài liệu.

Bên cạnh quy định về giải mật tài liệu theo sự cho phép của cấp có thẩm quyền, điểm đáng chú ý là quy định này đã đưa ra thời hạn tự động giải mật trong kho lưu trữ Trung ương Đảng. Nghĩa là tự động xóa bỏ độ mật của tài liệu mà không cần phải đưa tài liệu ra xem xét, làm các thủ tục giải mật.

Theo ông Lanh, ta quy định thời hạn tự động giải mật từ 40-60 năm là đã thể hiện sự thận trọng, vì nhiều nước chỉ quy định khoảng 30 năm. Đơn cử như ở Mỹ, tài liệu lưu trữ về chiến tranh Việt Nam cứ sau 30 năm được giải mật đến từng chiến dịch. Ví dụ chiến dịch Lam Sơn 719 vốn là tài liệu mật, nhưng Mỹ đã cho bạch hóa để công chúng có thể khai thác về thời gian, địa điểm diễn ra, các đơn vị và quân nhân tham gia chiến dịch...

Nhớ lại một chặng đường trong công tác giải mật tài liệu, bà Phạm Thị Nhàn - phó cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng - cho rằng việc công bố, giới thiệu, trưng bày và xuất bản bộ văn kiện Đảng toàn tập trong thập niên 1990 dù đã góp phần giải phóng một bộ phận đáng kể tài liệu mật, nhưng phải đến khi có quy định nêu trên của Ban Bí thư thì công tác giải mật tài liệu lưu trữ mới có hành lang pháp lý để đi vào chuyên nghiệp. Còn ông Lanh ví von: “Giống như câu thần chú vừng ơi mở ra vậy”.

Bà Phạm Thị Nhàn cho biết từ sau khi Ban Bí thư có quy định về giải mật tài liệu, công việc này được đưa vào kế hoạch hằng năm của Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

“Theo quy trình thì đồng chí chánh Văn phòng Trung ương Đảng lập hội đồng giải mật, hội đồng này sẽ giúp đồng chí chánh văn phòng thẩm định, kết luận giải mật, giảm độ mật, gia hạn độ mật hoặc tăng độ mật đối với danh mục tài liệu do cục trưởng Cục Lưu trữ đề xuất” - bà Nhàn nói.

Trong quy trình trên, đối với những tài liệu đến thời hạn quy định tự động giải mật nhưng vẫn còn tính chất mật, cần tiếp tục giữ bí mật, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng lập danh mục tài liệu cần gia hạn độ mật để chánh văn phòng Trung ương Đảng xem xét, quyết định trước khi đến thời hạn tài liệu tự động giải mật một năm. Toàn bộ tài liệu được giải mật, giảm độ mật, gia hạn độ mật phải được đóng dấu xác nhận.

Việc giải mật được Cục Lưu trữ tiến hành theo trình tự thời gian các khóa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đến nay đang giải mật tài liệu khóa III. Trong năm 2013, Cục Lưu trữ đã tham mưu cho lãnh đạo Văn phòng Trung ương tổ chức việc giải mật gần 1.600 tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật của Đảng.

Về tài liệu cá nhân, bà Nhàn nói Cục Lưu trữ chưa tiến hành giải mật, một phần vì hoạt động của cá nhân nằm trong những công việc chung của Đảng và Nhà nước, nghĩa là khi giải mật văn kiện của Đảng đồng thời cũng đã giải mật tất cả nội dung có liên quan.

“Còn về đời tư cá nhân thì Cục Lưu trữ sẽ tiến hành giải mật theo đúng pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng về bảo vệ bí mật và giải mật tài liệu lưu trữ của Đảng. Tuy nhiên vì khối lượng công việc rất lớn nên chúng tôi phải sắp xếp các công việc theo thứ tự ưu tiên” - bà Nhàn cho biết.

Một số văn bản quy định về giải mật tài liệu của Đảng - Ảnh V.V.T.
Một số văn bản quy định về giải mật tài liệu của Đảng - Ảnh V.V.T.

Theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, thời hạn tự động giải mật đối với tài liệu của các cơ quan, tổ chức là 40 năm kể từ khi hình thành tài liệu, và 60 năm kể từ khi hình thành tài liệu đối với những tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng, đối ngoại có độ tuyệt mật. Đối với tài liệu cá nhân thì thời hạn là 40 năm kể từ ngày cá nhân đó qua đời.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên