Ngã tư đường Tên Lửa - Trần Văn Giàu là trung tâm của khu Tên Lửa - Ảnh: QUỐC VIỆT
"Khu Tên Lửa đường nào cũng rợp bóng cây xanh, đặc biệt là có nhiều công viên cho dân chúng dạo chơi, tập thể dục. Các trường học ở đây cũng đều có công viên liền kề thoáng đãng, tốt cho sức khỏe học sinh.
Ông Trần Thái
- Dạ, nhà tôi ở Tên Lửa.
- Hả? Ở đâu?
- Dạ, khu Tên Lửa là... trái Tên Lửa đó.
Nhiều khách lạ rất ngạc nhiên khi nghe chủ nhà giới thiệu địa chỉ sặc mùi vũ khí này, thậm chí họ tưởng mình nghe lộn. Gia chủ phải chậm rãi nhắc lại rõ ràng mình ở khu Tên Lửa (chính xác của từ trái Tên Lửa) ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM để khỏi bị nhầm lẫn.
Lạ kỳ địa danh Tên Lửa
May mắn nghề viết cho tôi được lang thang nhiều nơi, nhưng có lẽ hiếm nơi nào tôi lại thấy bảng tên đường kỳ lạ như Tên Lửa này.
Người ta nói có đường Tên Lửa thì phải có đường Máy Bay, rồi đường Xe Tăng, B40, nhưng kỳ thiệt là đến tận giờ tôi vẫn không thấy (hay chưa gặp?) những tên đường có mùi... chiến tranh này, ngoại trừ đường Tên Lửa to đùng ở cửa ngõ Tây Nam, Sài Gòn.
Những người rời khỏi chốn này từ năm 1975 hay giờ mới đến lần đầu đều tròn xoe mắt khi nghe nói tên đường Tên Lửa. Nhưng dân ở "khúc lỡ lỡ", tức từ năm 1975 đến nay tại vùng này thì không lạ lẫm gì nữa.
Tất nhiên, còn dân rành sáu câu vọng cổ khu Tên Lửa là cánh cò địa ốc. Mới nghe có vụ "chốt kèo chốt cọc" nhà đất nào thành công trên trục đường mang danh có một không hai này là mép họ đã giật giật, mắt sáng rực vì giá đất bèo bèo cũng tầm... 200 triệu đồng/m2.
Cái giá mà dân cựu trào ở đây mỗi khi nghe nhắc đứt từng khúc ruột vì ngày nào được đền bù theo giá đất ruộng 50.000 - 200.000 đồng/m2.
Trước đây cũng có vài cách lý giải khác nhau về tên đường Tên Lửa, nhưng giờ hầu như đã thống nhất nguồn gốc tên đường.
Hoàn toàn không có nghĩa bóng, nghĩa gió sâu xa gì cả, đường Tên Lửa cứ hiểu đúng là... trái tên lửa, vì người dân quen gọi như thế khi có một đơn vị tên lửa của quân đội về bố phòng ở đây từ sau bước ngoặt lịch sử 1975.
Khu Tên Lửa có trước do dân địa phương tự gọi. Sau đó đường sá được mở rộng và được đặt cùng tên, một trục đường chính của địa bàn này. Người phương khác muốn tìm địa chỉ khu Tên Lửa thì cứ xác định đường Tên Lửa làm tọa độ chính mà tới để tiếp tục tìm các đường nhánh nhỏ.
Ông Nguyễn Đình Tư, nhà nghiên cứu tên đường phố Sài Gòn - TP.HCM, ghi rõ trong công trình của mình: "Đường Tên Lửa từ đường Kinh Dương Vương đến liên tỉnh lộ 10. Vị trí đường nằm trên địa bàn xã Bình Trị Đông và thị trấn An Lạc, huyện Bình Chánh (nay thuộc phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân), từ đường Kinh Dương Vương đến đường Bà Hom (liên tỉnh lộ 10), dài khoảng 2.706m, lộ giới 30-60m. Lịch sử trước là đường hẻm đi trong xóm, từ sau năm 1975 dân chúng quen gọi đường Tên Lửa, lâu thành chính thức".
Nhà nghiên cứu cao tuổi này cũng không quên diễn giải rõ thêm: "Đơn vị tên lửa quân đội giải phóng đóng doanh trại tại đây.
Do đó dân chúng mới gọi địa danh này". Thật sự mới cách đây khoảng hơn 30 năm, địa danh kỳ lạ này chỉ cách trung tâm giao thương Chợ Lớn sầm uất vài kilomet nhưng vẫn đậm đặc sinh cảnh nông thôn với lau sậy um tùm xen lẫn ruộng đồng, ao rạch và các xóm nhà dân thưa thớt.
Anh Lê Phú Chiến, trưởng khu phố 2, phường Bình Trị Đông B, người đã ba đời sống ở khu Tên Lửa, kể: "Mới tầm trước năm 1995, tụi tui vẫn còn y như nông dân, vẫn hái rau dại để ăn, mưa xuống vẫn ra ao rạch mò ốc, bắt cá đồng. Cá trê, cá lóc bự bằng cùm tay cùm chân".
Nhiều năm phụ trách địa bàn cơ sở, anh Chiến kể ngay từ khi khu Tên Lửa chưa được quy hoạch, phát triển đô thị hiện đại, vùng này đã "nổi tiếng lẫn khét tiếng". Một số dân đường phố hay gọi "Nhất Cây Da Sà, nhì khu Tên Lửa" là có lý do của nó.
Từ khoảng năm 1995 trở về trước, địa bàn này còn rất phức tạp. Người lạ, thậm chí cả dân xe ôm dày dạn cũng ngán ngại đến khu Tên Lửa vào buổi tối. Đám cướp bóc, giật dọc lẩn khuất trong lùm cây rậm rạp bên các con đường đất sẵn sàng ra tay tàn độc.
Đã có những vụ cướp giết, đạp xác xuống ao rạch hoặc giấu trong bụi rậm. Đường sá khu Tên Lửa hồi đó hầu hết còn là đường đất ngoằn nghèo, nhỏ xíu đâm ra các địa bàn giáp ranh cũng khét tiếng phức tạp như Cây Da Sà, bến xe miền Tây...
Khu Tên Lửa giờ rợp bóng cây xanh, yên bình, phát triển - Ảnh: QUỐC VIỆT
Hết thời "khét tiếng" đến thời phát triển
"Vậy mà chỉ ít năm sau, khu Tên Lửa đã có thêm một biệt danh khác, "ngon lành" hơn: tiểu Ma Cao. Hổng tin cứ hỏi dân chơi hàng đưng đứng trên 50 tuổi ở đây, ai cũng rành rẽ sáu câu vọng cổ" - ông Trần Thái, 63 tuổi, người bên khu Cây Da Sà nhưng chơi mòn chân bên khu Tên Lửa, cười khẳng định.
Có thể ông Thái nói hơi quá nhưng sự thật cũng có phần đúng. Qua thời phức tạp với nạn trộm cướp, địa danh "Nhất Cây Da Sà, nhì Tên Lửa" được nhắc đến một tên mới: tiểu Ma Cao với đủ thứ quán xá, ngón nghề chơi bời.
Đó là khoảng cuối những năm 1990 sang đầu thập niên 2000, khi các dự án quy hoạch đô thị, phân lô bán nền của những đại gia lừng lẫy một thời như Trầm Bê tập trung ở đây. Khu Tên Lửa đổi thay nhanh chóng, giá đất ruộng một thời được mua bán theo công cả 1.000m2, giờ được tính theo từng mét.
Vùng quê ngoại thành sau những năm dài khó khăn, trầm lắng, chợt thức giấc theo những con đường mới mở, những căn biệt thự, nhà phố cao tầng lộng lẫy.
"Nếu tôi nhớ không lầm thì quán Hằng là bia ôm đầu tiên xuất hiện ở khu Tên Lửa. Các kiều nữ miền Tây xanh xanh đỏ đỏ, ỏn ẻn trong quán, thế là cũng dập dìu các đại gia giàu nhờ đất bu lại, vung bạc ăn chơi xả láng sáng về sớm" - ông Thái cười kể chính mình là chứng nhân của những cuộc nhậu "bay hơi" một vài lượng vàng.
Đại gia ở Chợ Lớn hay trong trung tâm Sài Gòn mang bó tiền Việt, đôla ra khu Tên Lửa tìm vui thú với những quán bia ôm mới xuất hiện đã "bốc lửa". Còn đại gia chân tay còn lấm bùn tại chỗ thì khoái thể hiện với kiều nữ bằng kiểu... lột vàng liệng thanh toán và "bo cho mấy em vui".
Ông N.H., chủ một tiệm vàng ở khu Phú Lâm hồi những năm 2000, nhớ lại: "Có nhiều sáng cả mấy chục em tiếp viên quán xá mang khâu, dây chuyền vàng khách bo ra bán lại để lấy tiền gửi về quê. Không dám nói quá chứ tụi tui từng ghẹo mấy cổ là "vàng dầm bia" khỏi cần thử".
Suốt nhiều năm, khu Tên Lửa "nổi tiếng lẫn khét tiếng" quán xá quậy bạo. Dân nơi khác đến tìm cảm giác "nóng bỏng" khỏi cần hỏi địa chỉ bởi dày đặc quán mời chào như ma trận.
Thậm chí, một số cán bộ về hưu từng phàn nàn nhiều khi nói mình ở khu Tên Lửa mà thấy ngại, người biết "danh" khu này cứ tủm tỉm cười đầy ẩn ý.
Tuy nhiên, sau đó, chính quyền địa phương đã kiên quyết dẹp quán xá tệ nạn. Anh Lê Phú Chiến kể có đợt lãnh đạo phường Bình Trị Đông B cho cả dân phòng, bảo vệ khu phố mặc "sắc phục" suốt ngày ngồi ngay trước cửa các quán "nóng". Kiểu mạnh tay cũng một không hai làm dân chơi nhìn thấy không dám hẻo lánh...
Dần dần các quán bia ôm xẹp xuống ở khu Tên Lửa để thay bằng những quán cà phê lành mạnh, yên ả với đủ phong cách tây, ta, Hàn Quốc, kể cả cà phê cá Koi của Nhật.
Đặc biệt là khi đại siêu thị AEON Nhật xuất hiện như giúp cho khu Tên Lửa lên một "đẳng cấp" mới, giá nhà đất cũng theo đó lên vù vù. Qua thời tệ nạn, nơi chốn mang tên có một không hai này đang phát triển thành nơi giao thương sầm uất, vui vẻ, đáng sống...
**********
Đến Huế mà hỏi Nong, Truồi ở đâu, bạn sẽ được chỉ tay về phía nam, kèm theo câu giới thiệu: "Nong lên thì Truồi cũng lên".
>> Kỳ tới: "Nong lên thì Truồi cũng lên"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận