17/02/2021 09:43 GMT+7

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 1: Chơi làng Hành Lạc

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Đã làng Hành Lạc lại có thôn Trinh Tiết, rồi xóm Gà Luộc, Chắc Cà Đao, khu Tên Lửa, Cự Lại… là những địa danh 'độc' khiến không ít người phải phá lên cười hoặc tò mò. Tại sao lại có những cái tên kỳ lạ này?

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 1: Chơi làng Hành Lạc - Ảnh 1.

Cổng làng Hành Lạc to đẹp và gây… tò mò với khách thập phương - Ảnh: TÂM LÊ

Có người e thẹn nói về tên Hành Lạc vì hiểu theo nghĩa tục. Có người lại tự hào vì cái tên ý nghĩa mà người xưa đã chọn. Hai quan điểm trái ngược đã đem đến nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Hành Lạc: tục hay thanh?

Cách Hà Nội 25km, thôn Hành Lạc thuộc thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên) nằm ven quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng. Và một thôn trong phố khá sầm uất, có tên gọi "kỳ dị" khiến không ít người tò mò.

Chúng tôi đi dọc quốc lộ để tìm cổng làng có cái tên Hành Lạc như được nghe kể. Có tới 3-4 đường vào thôn, người dân vui vẻ chỉ cho tôi đi tiếp vài trăm mét sẽ đến. Tuy nhiên, người này từ chối bình luận tên làng khi tôi hỏi, anh chỉ cười lém lỉnh quay đi.

Rồi cổng mang tên Làng văn hóa Hành Lạc cũng hiện trước mắt, màu vàng nhạt giản dị. Hai bên là công xưởng sản xuất ồn ã, nhà dân ở sâu phía trong cổng đến nửa cây số. Chỉ có một quán ăn uống nhỏ ven đường cho công nhân và cánh tài xế ghé qua.

"Hành Lạc có nghĩa là ăn chơi hưởng lạc" - một tài xế nhanh miệng góp lời khi nghe nhắc đến tên làng "kỳ lạ" ghi trên cổng. "Có tiền vào đây mà hành lạc" - một tài xế khác chen vào với tràng cười ẩn ý. Chị chủ quán cười qua lớp khẩu trang và thanh minh đó là tên làng các cụ ngày xưa đặt, không biết mang nghĩa gì.

Thôn Hành Lạc rộng và có nhiều ngôi nhà xây kiểu biệt thự, có con đường buôn bán sầm uất, shop quần áo hàng hiệu, salon cắt tóc, gội đầu và có cả tiệm thẩm mỹ.

Nhưng thôn cũng có những nơi yên bình ven cánh đồng và ở hai ngôi đình làng cổ. Tại đình Ất, chúng tôi trò chuyện với cụ Dương Văn Thoái, 75 tuổi, trưởng ban mặt trận văn hóa thôn và cụ Nguyễn Văn Tham, 84 tuổi, người trông giữ ngôi đình cổ, về lịch sử tên gọi Hành Lạc của làng.

Cụ Tham bê ra cái hòm tôn nhỏ, bám bụi cũ kỹ, đựng tài liệu lịch sử làng, sắc phong, bản chữ Hán kèm dịch thuật, những trang giấy cũ không còn rõ chữ. Đáng chú ý có bản in chữ xanh, giấy mỏng kể về thần tích lập làng.

Kể rằng vào thời Tiền Lý, năm 549, có vị quan ở vùng Đồng Lục, Cổ Tháp, ngày nay là Bắc Ninh. Sau khi đi thăm thú vùng đất mới, nhận thấy bãi bồi sông Hồng tức thị trấn Như Quỳnh nay là vùng "Thuận lòng trời phú, đất thịnh vinh", ông chọn làm nơi lập ấp, ban đầu với bốn dòng họ Nguyễn, Vũ, Ngô, Trần.

Ban đầu, tên ấp được đặt là Trang Bình Lạc, theo thời gian đổi thành Hòa Lạc, rồi Hành Lạc như ngày nay. Tuy nhiên thời gian thay đổi và ý nghĩa của từng tên gọi thì cả cụ Thoái và cụ Tham đều không biết: "Chắc phải vài trăm năm trước" - cụ Tham phỏng đoán. Trong tập tư liệu về lịch sử làng cũng không ghi rõ, chữ lại in mờ, kể cả bản ghi chép sao chụp lại.

Thêm nhiều cụ già trong làng ghé vào đình uống nước, hàn huyên. Đình làng như một chốn "hẹn hò" thường ngày của các cụ, cái tên làng càng được bàn luận sôi nổi.

Cụ Nguyễn Văn Thuần, 74 tuổi, giải thích làng ông có truyền thống nấu rượu ngon, Hành Lạc có nghĩa là "đi trong cơn say". Tên Hòa Lạc đọc hơi khó, có thể các cụ chuyển sang Hành Lạc cho dễ đọc.

Nhưng ông Trần Văn Thắng, 69 tuổi, lại phản đối kịch liệt tên Hành Lạc. Ông còn nhiều lần ý kiến với bí thư, thôn trưởng thay đổi tên, lấy lại tên thôn Hòa Lạc cũ. Lý giải của ông là cứ tra từ điển từ "hành lạc", "Nghĩa là quan hệ trai gái, cái tên chẳng hay ho gì" - ông Thắng tiếc nuối nói tên đình Hòa Lạc thì còn mà tên làng thì mất, vì sao mất ông cũng không rõ.

Các con ông đi học, rồi làm công chức ở Hà Nội, cũng là tâm điểm để đồng nghiệp trêu chọc vì sinh ra ở làng... Hành Lạc.

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 1: Chơi làng Hành Lạc - Ảnh 2.

Cụ Thoái và cụ Tham lần dò tài liệu lịch sử tên làng Hành Lạc - Ảnh: TÂM LÊ

Không phải ai cũng hiểu đúng nghĩa Hành Lạc trong sáng, nhất là lớp trẻ hay nghĩ thực dụng rồi trêu chọc.

Cụ Dương Văn Thoái

Một cái tên hoàn mỹ

Ở cuộc đàm đạo khác tại gia đình ông giáo già Nguyễn Văn An, cũng có một nhóm các cụ bô lão trong làng đến hàn huyên. Tên thôn Hành Lạc lại được các cụ giảng giải với nghĩa trác tuyệt.

"Hành là đi, lạc là vui, nghĩa là đi trên đường vui. Tôi nghĩ các cụ ngày xưa chọn tên đặt cho làng phải cẩn thận và kỹ càng lắm. Cái tên Đi trên đường vui mới thật trọn vẹn, hoàn mỹ và sâu sắc. Đường làng là đường vui, người dân sống với nhau lúc nào cũng vui vẻ nhỉ?" - ông giáo An vỗ vai người bạn già cười nói.

Thôn Hành Lạc từ xa xưa đã có đất rộng người đông, nông nghiệp phát triển. Ngoài ra còn có nghề nấu rượu truyền thống từng nổi tiếng với thương hiệu rượu Hành Lạc. Nơi đây được lưu truyền là vùng sông nước hữu tình, "trên bến dưới thuyền", giao thương nhộn nhịp.

Nhiều gia đình xưa sinh con đẻ cái đông đúc cửa nhà, ít thì 4-5 con, nhiều lên tới 10 người. Nhà nào cũng chọn đặt tên con thật xấu, với quan niệm càng xấu càng dễ nuôi. Cụ Thuần và cụ Mỳ liệt kê một loạt tên gọi xưa, đặt có vần như hát của một số gia đình cho chúng tôi nghe: 

Nào Bồ, Bịch, Cót, Quây, Tòng, Quân, Lên... nào Bát, Đĩa, Đũa, Môi, Thìa... rồi Trụ, Cột, Giá, Vo, Kịch, Cạc. Đã thế, tên con trai gọi thêm tên đệm là "cò" trước tên chính, như cò Cua, cò Ốc. Con gái đệm thêm từ "đĩ", như đĩ Cá, đĩ Tôm...

Đến giờ ông bà vẫn quen gọi các con như vậy, có người con thấy cách gọi đó thân thương, gần gũi. Có người lại giận vì xấu hổ với người tỉnh khác, sợ họ nghe thấy sẽ trêu chọc. Phụ nữ thường phản ứng mạnh mẽ hơn vì bị gọi là "đĩ", như Mẹ đĩ, đĩ Cám, đĩ Gạo... 

Dù là cách gọi dân gian từ xưa ở nhiều địa phương miền Bắc, nhưng từ "đĩ" gọi ở thôn Hành Lạc càng là tâm điểm của sự đùa cợt, khiến chị em nhiều phen phải đỏ mặt quay đi.

Anh Đỗ Tuấn Phong, trưởng thôn Hành Lạc, đã xấp xỉ tứ tuần nhưng bố mẹ vẫn quen gọi "cò Phong". "Cách gọi của các cụ từ xưa nên tôi không ngại gì, tên thôn Hành Lạc cũng là từ xa xưa các cụ chọn đặt, tôi thấy đều có ý nghĩa riêng nên không có gì phải ngại" - anh Phong chia sẻ.

Phụ huynh thời nay đã đặt tên con cái đẹp, không gọi con gái là đĩ nọ, đĩ kia nữa. Thôn Hành Lạc có số dân lên tới 4.000 người, thêm 1.500 người đến tạm trú. Nguồn thu từ nông nghiệp, ngoài cây lúa còn có cây ăn trái do chuyển đổi đất trồng. Nhưng thu nhập chính của người dân hiện nay lại từ việc làm công nhân trong các nhà máy. Nguồn thu từ cho thuê phòng trọ cũng không nhỏ, nhờ đó mức sống người dân ngày một tăng.

Anh Phong cũng vui mừng kể hiện làng có 6 tiến sĩ và mỗi năm khoảng trên 20 cháu đỗ đại học. Đời sống tinh thần của người dân cũng được chú trọng nhờ lễ hội ở đình chùa được tổ chức hằng năm. "Chúng tôi có nhà văn hóa thôn rộng, đẹp nhất thị trấn" - anh Phong tự hào.

Nhưng cái tên làng Hành Lạc sẽ luôn được khách thập phương nhắc nhớ và kèm theo những tràng cười đầy ẩn ý...

Hành Lạc nào phải là trai trên gái dưới

Ông giáo Nguyễn Văn An cho rằng "Hành Lạc" hiểu theo nghĩa lạc thú là từ ghép, không có ý nghĩa của câu. Nghĩa trần tục đó không thể dùng để gọi tên một ngôi làng mang tính thiêng liêng như hàm ý của các vị tiền bối được. Một cụ cao hứng đọc câu thơ: "Hành Lạc chính thực đất tiên... mà".

.................................................

Khi lấy đất làng dựng kinh thành, vua thế lại dải đất phía đông và đặt tên Thế Lại. Làng không chịu, vua giao thêm khu đất nam sông Hương và đặt tên Lại Thế. Làng cũng cự lại, vua bực, "đẩy" luôn về dải cát ven biển cách xa kinh thành gắn cho cái tên: Cự Lại.

Kỳ tới: Cự Lại mà hiền khô

Rối nước 300 năm ở làng Đào Thục Rối nước 300 năm ở làng Đào Thục

TTO - Múa rối nước Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) có từ 300 năm nay. Ông tổ của nghề là cụ Nguyễn Đăng Vinh (tự Phúc Khiêm - Đào tướng công) đỗ tiến sĩ và làm quan Tổng nội giám.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên