11/05/2016 11:46 GMT+7

Giải mã việc những người Việt có tên trong tài liệu Panama

D.KIM THOA
D.KIM THOA

 TTO - Sau khi một loạt tên tuổi người Việt được công bố có trong tài liệu Panama, dư luận đặt ra câu hỏi liệu có phải tất cả những người có tên trong đó đều phạm pháp?

Công ty luật Mossack Fonseca ở tâm điểm trong vụ rò rỉ tài liệu Panama - Ảnh: Getty Images
Công ty luật Mossack Fonseca ở tâm điểm trong vụ rò rỉ tài liệu Panama - Ảnh: Getty Images

Và thắc mắc này không của riêng người Việt. Tạp chí Vox của Mỹ đã cùng nêu lên và giải đáp những thắc mắc về bản chất thực sự của vụ việc và cả ranh giới pháp lý rất đỗi mong manh, mơ hồ giữa việc tránh thuế hợp pháp và trốn thuế bất hợp pháp.

Các công ty vỏ bọc hoạt động ra sao?

Các nơi tránh thuế (các quốc gia, bang hoặc vùng lãnh thổ) là những nơi có quy định đóng thuế rất thấp hoặc không hề áp thuế. Đây cũng là nơi có hệ thống pháp luật về tài chính khá “thoải mái”, cho phép tình trạng kém minh bạch tồn tại trong hệ thống ngân hàng.

Panama là một nơi tránh thuế điển hình. Vì quốc gia này không áp thuế với lợi tức thu được từ các giao dịch quốc tế và cũng không áp thuế kinh doanh.

Chính phủ chỉ yêu cầu các công ty nước ngoài trả cho họ mỗi năm 300 USD thuế duy trì doanh nghiệp thường niên.

Cũng giống như Panama, các nơi như Bahamas, Quần đảo Cayman hay Quần đảo British Virgin đặc biệt hấp dẫn giới giàu có.

Vì tại những nơi này, khung pháp lý của họ khiến người giàu dễ dàng che giấu các tài sản khỏi con mắt săm soi của cơ quan thuế tại quốc gia chính thức mà họ sống và làm việc.

Các tập đoàn đa quốc gia lợi dụng những nơi tránh thuế để giảm thiểu tối đa mức thuế thu nhập mà doanh nghiệp phải đóng.

Họ làm việc đó bằng cách luân chuyển trong nội bộ các tài sản sinh lời tới những chi nhánh đặt tại các nước có mức thuế thấp. Chẳng hạn Apple chuyển toàn bộ doanh thu toàn cầu của họ cho một công ty con ở Ireland, quốc gia có mức thuế thu nhập thấp hơn nhiều so với Mỹ.

Ranh giới mong manh!

Thường thì các cá nhân không trực tiếp đứng tên lập công ty vỏ bọc. Họ sẽ tìm đến các công ty luật kiểu như Mossack Fonseca, nhờ họ thành lập công ty bình phong với mục đích duy nhất là che giấu tài sản.

Theo đó, chủ nhân thực sự của các công ty đó sẽ tồn tại ở trạng thái nặc danh. Trên giấy tờ, các công ty vỏ bọc thường do các luật sư nắm quyền điều hành mà về thực tế, họ chẳng có bất cứ quyền kiểm soát thực sự nào với hoạt động của công ty.

Các công ty bình phong vẫn có quyền nắm giữ các khoản đầu tư, có thể mua biệt thự và những du thuyền trị giá nhiều triệu USD để rốt cuộc là chúng sẽ giúp những người chủ thực sự che giấu tài sản khỏi công ty thuế và các cuộc điều tra nếu có.

Thành lập một công ty bình phong không phải là hành động phạm pháp. Việc trả thuế thấp hơn ở Panama hay ở một nơi tránh thuế cũng không phạm pháp nốt. Đây được xem là những cách thức hợp pháp để người ta có thể trả ít nhất có thể mức thuế phải đóng.

Tuy nhiên việc trốn thuế, nghĩa là không khai báo chính xác tình trạng tài sản thực tế của bạn, lại là phạm pháp.

Lằn ranh pháp lý giữa việc tránh thuế một cách hợp pháp và trốn thuế rất khó phân định, nhất là khi cơ quan chức năng chưa thể tiếp cận đầy đủ với những hồ sơ tài chính toàn diện.

Đó là lý do khiến các công ty bình phong ở nước ngoài lạm lụng sự mập mờ trong lằn ranh pháp lý này.

Vì sao nói lập công ty vỏ bọc là xấu?

Nhà kinh tế học Gabriel Zucman của Đại học California-Berkeley ước tính gần 8 ngàn tỉ USD (8% tổng tài sản của người giàu trên thế giới) hiện đang được cất giấu tại những nơi tránh thuế.

Cũng theo chuyên gia này, nạn trốn thuế đã khiến các chính phủ trên toàn thế giới thất thu khoảng 200 tỉ USD tiền thuế mỗi năm.

Tình trạng này tồi tệ nhất ở châu Phi khi có tới 30% tài sản trong nước đang nằm tại các nơi tránh thuế. Còn tại Nga, tổng tài sản của giới giàu có nước này đang nằm tại các nơi tránh thuế chiếm tới hơn 50%.

Mặc dù phần lớn mọi người đều cho rằng việc tồn tại các nơi tránh thuế là điều xấu xa, tồi tệ. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao chúng vẫn tồn tại khắp nơi? Sao không có ai làm gì để ngăn cản tình trạng đó vậy?

Câu trả lời đơn giản nhất cho vấn đề này là, vì những người hưởng lợi chính từ các nơi tránh thuế là những người rất giàu và siêu giàu.

Mà những người rất giàu và siêu giàu lại cũng là những người có rất nhiều ảnh hưởng chính trị, họ nắm trong tay thế lực chi phối về chính trị và đương nhiên là cả những chính sách ban hành ở mỗi quốc gia.

Giới quan chức cao cấp phần lớn đều cho phép các nơi tránh thuế hoạt động được tồn tại vì đơn giản là chính họ cũng đang được hưởng lợi từ sự tồn tại ấy.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên