Sáng 8-12, Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 9 địa phương nơi có dự án đi qua.
Báo cáo về tình hình triển khai dự án, ông Đặng Hoàng An - chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho hay đây là dự án có chủ trương đầu tư được làm trong thời gian ngắn kỷ lục so với các dự án có quy mô tương tự. Thời gian được rút ngắn từ 1,5 - 2 năm và chỉ thực hiện trong 5 tháng.
Làm ngày, làm đêm đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối
Dự án có 226 gói thầu, gần như làm việc cả ngày, đêm và không có ngày nghỉ, lựa chọn nhà thầu chỉ trong 60 ngày khi Chính phủ cho phép thực hiện song song các công việc.
Đây là dự án có quy mô trải dài trên 9 tỉnh. Chỉ sau ba tháng khởi công đã hoàn thành bàn giao xong mặt bằng toàn bộ 1.177 vị trí móng. Sau 6 tháng bàn giao xong hành lang tuyến cho toàn bộ 513 khoảng néo.
Sau 6 tháng thi công, dự án cuối cùng trong 4 dự án thành phần đã được đóng điện ngày 27-8-2024, EVN đưa vào vận hành 4 mạch đường dây 500kV từ Bắc vào Nam dọc chiều dài đất nước.
Nêu về những khó khăn, tổng giám đốc EVN cho hay dự án được triển khai với địa hình đi qua nhiều vị trí hiểm trở, phải làm hàng chục km đường tạm mới tới vị trí móng cột. Khó khăn về huy động máy móc để thi công đồng loạt các vị trí móng trong 70 ngày, nên bị thiếu hụt cục bộ thiết bị. Tổng khối lượng cột thép lên tới 139.000 tấn, phải hoàn thành trong thời gia ngắn nên vượt quá năng lực sản xuất bình thường của các đơn vị.
Cùng đó là khó khăn về huy động lực lượng thi công có thời điểm lên tới 10.000 - 12.000 nhân công. Song nguồn lực của nhà thầu chỉ đáp ứng 50% lực lượng, còn lại phải huy động trong nội bộ EVN và tập đoàn bạn.
Việc triển khai dự án trong điều kiện thời tiết bất lợi cũng đặt ra yêu cầu các bên phải có giải pháp kịp thời trong điều hành, đoàn kết sáng tạo.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho hay trong quá trình triển khai dự án, đã đẩy nhanh công tác thẩm tra thiết kế kỹ thuật, tháo gỡ khó khăn về chuyển đổi sử dụng đất rừng để thi công dự án, đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Thông qua các cuộc họp kiểm điểm tiến độ, lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư thực hiện dự án đã tuyên truyền, giải thích cho người dân để sớm bàn giao mặt bằng.
Hằng tháng Thủ tướng chủ trì họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự án, giao tiến độ cụ thể về giải phóng mặt bằng, nhiều đoàn kiểm tra được tổ chức để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công.
Nhiều quy định chưa có tiền lệ được xử lý nhanh
Thực tế tại địa phương, ông Trần Báu Hà - phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - cho hay đường dây đi qua tỉnh lên tới 141,52km với 285 vị trí móng cột. Trong số này có 178 vị trí móng đi qua đất rừng và đất lâm nghiệp, cần chuyển đổi mục đích sử dụng tới gần 40.000ha đất rừng.
Cùng với việc làm thủ tục chuyển đổi sử dụng đất rừng, những vấn đề chưa được pháp luật quy định như sử dụng công trình tạm thi công trên đất rừng, trồng rừng thay thế… cần xử lý.
Vì vậy tỉnh đã xin ý kiến các bộ ngành liên quan để tham mưu Chính phủ ban hành quy định về tạm sử dụng rừng cùng các quy định khác. Ông Hà cho rằng việc triển khai dự án cần có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, các cơ quan chuyên môn ngay từ khi triển khai dự án; kiểm tra hiện trường và lấy ý kiến các bên để tháo gỡ khó khăn…
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương, các đội hình thanh niên tình nguyện đã tích cực hỗ trợ di dời tài sản và tháo dỡ các công trình nhà ở, chuồng trại, vật kiến trúc nằm trên hành lang tuyến đường dây 500kV.
Đặc biệt trong đợt thi đua cao điểm, nhiều hoạt động ý nghĩa được triển khai, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên và người dân hưởng ứng. Bao gồm 465 đội hình thanh niên tình nguyện với 6.272 đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ tại 297 địa điểm thi công công trình.
Các đội hình thanh niên tình nguyện đã hoàn thành hỗ trợ tháo dỡ 262 công trình nhà ở, 150 chuồng trại và vật kiến trúc; giải tỏa, phát quang 176ha rừng sản xuất và chặt hạ 22.826 cây tại khu vực đồng bằng, khu vực dân cư nơi có hành lang tuyến đường dây 500kV đi qua để bàn giao mặt bằng thi công công trình.
Dự án điển hình chống lãng phí, góp phần tạo nền tảng tăng trưởng hai con số
Nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, trong đó lấy dự án đường dây 500kV là điển hình trong việc đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm quốc gia, Thủ tướng cho rằng dự án không chỉ thể hiện sức mạnh riêng ngành điện mà cả hệ thống chính trị.
Nhờ vậy, dự án không chỉ đạt yêu cầu tiến độ mà còn là chất lượng, được kiểm chứng sau cơn bão số 3. “Khi bão gió tôi rất lo đường dây này có sự cố thì toàn bộ công sức xuống sông xuống biển hết. Thế nhưng đường dây của ta vẫn đứng vững” - Thủ tướng bày tỏ.
Đây cũng là dự án triển khai nhanh nhưng không đội giá, đã góp phần chống tiêu cực lãng phí. Việc thanh quyết toán mạch lạc, hồ sơ thanh toán được xử lý ngay khi có trục trặc trên tinh thần công khai minh bạch, sòng phẳng.
Từ kết quả đạt được của dự án đường dây 500kV, Thủ tướng cho rằng nếu không có đột phá tăng trưởng thì không thể đạt được các mục tiêu. Vì vậy cần phải thúc đẩy tăng trưởng hai con số, tức là ngành điện phải tăng trưởng gấp đôi với những công trình thế kỷ, dự án xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái về năng lượng.
Với mục tiêu là dứt khoát không để thiếu điện, Thủ tướng yêu cầu cần phát huy tính tự lực tự cường, bản lĩnh kiên cường và linh hoạt sáng tạo. Phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị, đảm bảo nguồn điện, truyền tải điện, phân phối và sử dụng hiệu quả, với giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập của người dân.
Theo đó, EVN cần huy động nguồn lực xã hội để ngành điện có đột phá, gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thúc đẩy ứng dụng khoa học và đổi mới sáng tạo, điện toán đám mây và internet vạn vật, xây dựng hệ thống dữ liệu để có ngành điện thông minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận