Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giảm gần 50 điểm, tương đương mức giảm 3,92%. Kết phiên ngày 5-8, VN-Index dừng lại ở mốc 1.188,77 điểm.
Tác nhân nào khiến chứng khoán khắp nơi giảm mạnh
Phiên giảm điểm mạnh này của chứng khoán Việt đồng pha điều chỉnh với chứng khoán toàn cầu. Sự lo ngại khiến giới đầu tư chứng khoán châu Á bán tháo đồng loạt tại nhiều thị trường.
Trong đó, giảm mạnh nhất là chứng khoán Nhật Bản khi Nikkei giảm hơn 13%, Hàn Quốc với các chỉ số chính như Kosdaq hay Kospi mất gần 11%, TWSE của Đài Loan giảm 8,35%...
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia phân tích Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nói có hai nguyên nhân chính khiến chứng khoán trên toàn thế giới "nhuốm đỏ".
Thứ nhất, rủi ro suy thoái tại Mỹ bao trùm sau khi số liệu về tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt vào tối thứ sáu tuần qua (2-8-2024) và nguy cơ bùng phát chiến tranh tại khu vực Trung Đông sau khi Iran thông báo sẽ quyết trả đũa Israel.
Đà bán tháo không chỉ dừng lại ở thị trường cổ phiếu mà còn lan rộng sang cả thị trường tiền ảo.
"Có thể thấy, rủi ro địa chính trị đang là tác nhân chính khiến tâm lý nhà đầu tư trên toàn cầu lo ngại trước bất cứ quyết định đầu tư nào trong thời điểm này", bà Thúy nhận định.
Một minh chứng rõ ràng nhất là ngay cả một nhà đầu tư "lão làng" như Warren Buffett cũng đã bán rất nhiều cổ phiếu để nâng tỉ lệ tiền mặt lên ở mức rất cao.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng thị trường châu Á có phần phản ứng mạnh hơn, một phần chịu chi phối từ câu chuyện đang xảy ra tại thị trường Nhật Bản. Đó là việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bất ngờ tiến hành tăng lãi suất sau khi đồng yen bị mất giá kỷ lục trong thời gian vừa qua.
"Hành động này của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ngay lập tức đã khiến cho hoạt động carry trade bị ảnh hưởng mạnh và kích thích đà bán tháo của các nhà đầu tư cũng như các tổ chức tài chính", bà Thúy nói.
Có thể hiểu nôm na, "carry trade" là hoạt động kinh doanh chênh lệch giá, tức là chiến lược giao dịch dựa trên sự chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền trong một cặp tỉ giá (ở đây đang là USD và yen Nhật).
Diễn biến quá nhanh, giảm quá sâu, nhà đầu tư toàn cầu thận trọng
Quan sát diễn biến thị trường tài chính toàn cầu có sự thay đổi nhanh chóng. Vài tuần trước, thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua đợt tăng giá mạnh. Từ Nhật Bản cho tới châu Âu và Mỹ, chứng khoán thế giới đua nhau lập kỷ lục mới.
Tuy nhiên sau phiên 1-8, chứng khoán Mỹ giảm mạnh cùng sự lao dốc của chứng khoán châu Âu, Nhật Bản… đã dấy lên nhiều lo ngại với giới đầu tư toàn cầu.
Bình luận với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Thăng Long - giám đốc phân tích Chứng khoán BIDV (BSC) - cho biết diễn biến thị trường chứng khoán thế giới giảm "rất sâu và nhanh". Hầu như không có thị trường nào không điều chỉnh hôm nay.
Với thị trường Nhật Bản, ông Long cho rằng với mức giảm lên tới 13 - 14% là rất mạnh và "khủng khiếp".
"Mức giảm sốc, nhanh như vậy, ảnh hưởng tâm lý cho giới đầu tư toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam", ông Long nói.
Theo vị chuyên gia, các thị trường tài chính toàn cầu liên thông. Khi tăng có thể không đồng loạt, nhưng khi giảm tạo tâm lý tiêu cực lan tỏa rất nhanh.
Theo đó, giới đầu tư sẽ đặt câu hỏi: Chuyện gì khiến một thị trường lớn như Nhật Bản lại giảm sâu như vậy, tiềm ẩn rủi ro ra sao? Dù không có mối liên hệ trực tiếp, nhưng mức độ thận trọng của nhà đầu tư Việt Nam hay bất kỳ thị trường nào khác cũng sẽ lên cao và lan nhanh.
Nhìn nhận về xu hướng thị trường sắp tới, ông Long cho rằng rất khó đoán định. Vì thông thường với các diễn biến, tác nhân từ trong nước sẽ có thể phân tích dựa trên nhiều yếu tố để đưa ra nhận định, tuy nhiên lần này là các vấn đề từ quốc tế.
Không chỉ Nhật, chứng khoán Mỹ - thị trường chứng khoán lớn nhất toàn cầu cũng chao đảo từ thứ sáu tuần trước. Sức ảnh hưởng của thị trường rất lớn. Các nhà đầu tư cũng đầu tư liên thông các thị trường. Vì vậy khi một thị trường ảnh hưởng, giới đầu tư sẽ có những động thái ở thị trường.
Có nên bắt đáy?
Bà Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia KBSV, cho rằng không nên bắt "dao rơi" khi thị trường chưa tìm được điểm cân bằng.
VN-Index bước vào nhịp điều chỉnh và phân hóa mạnh sau khi kết thúc mùa báo cáo tài chính quý 2-2024. Nhưng những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt vẫn bị bán mạnh, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng rất nhiều sau các thông tin tiêu cực.
"Nhà đầu tư nên quan sát vận động của thị trường và chờ đợi những tín hiệu tích cực trở lại (ví dụ rõ nhất là có các phiên mà bên mua áp đảo), kết hợp với tình hình vĩ mô, chính trị quốc tế ổn định trở lại", chuyên gia KBSV nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận