Những năm 2013-2014, Nya-suke - chú mèo nhà có "quốc tịch" Nhật Bản - làm mưa làm gió trên mạng xã hội nước này qua những video bật nhảy cao "không tưởng".
Những cú nhảy từ mặt đất của chú mèo này chạm đến độ cao từ 180cm - 196cm, gấp khoảng 7-8 lần chiều cao cơ thể nó. Video được chủ mèo ghi lại và đăng tải, thu hút hàng triệu lượt thích và chia sẻ.
Năm 2020, một đoạn video khác gây sốt khi ghi lại chú mèo ở thành phố Parma (Ý) dễ dàng bật nhảy từ nền nhà lên đến trần nhà lấy quả bóng bay chỉ trong "một nốt nhạc". Con mèo này sau đó vặn mình điêu luyện ngay trên không và tiếp đất trở lại một cách hoàn hảo cùng "chiến lợi phẩm" thu được.
Theo Rowyn C. Rose - một chuyên gia về mèo - hầu hết loài mèo hiện nay đều sở hữu khả năng bật nhảy vượt trội, thường có thể nhảy cao gấp 5 lần cơ thể chúng. Những trường hợp nhảy cao gấp 6-8 lần cơ thể được xem là hiếm.
Rose giải thích: phần lớn mèo hiện đại đã được thuần hóa đều có nguồn gốc từ những loài mèo rừng khu vực Bắc Phi hoặc Cận Đông. Chúng đều là loài sống trên cây, có khả năng nhảy thật nhanh lên những chỗ cao để an toàn. Chúng cũng có thể vặn, xoay người trong chớp mắt để săn mồi và trốn tránh kẻ thù.
Rose cho rằng ngày nay, những con mèo nhà đã giữ lại nhiều đặc điểm giải phẫu giống tổ tiên của chúng. Cơ thể mèo có hơn 500 cơ xương có thể co duỗi nhanh, được mèo phối hợp gần như tất cả khi bật nhảy.
Các chân sau khỏe hơn và dài hơn hỗ trợ tối đa các động tác chuyển động. Khi bật nhảy, mèo thường mở rộng hai chân trước để vươn tới đích trong khi 2 chân sau đẩy thân nhoài về phía trước.
Đệm bàn chân của mèo có hàng chục thụ thể thần kinh, giúp mèo đánh giá bề mặt nơi chúng đang đứng trước để tính toán được lực cần thiết để bật nhảy và tiếp đất.
Khả năng tiếp đất của mèo cũng rất "thần kỳ". Khi hạ xuống đất sau những cú "khinh công", chân sau của mèo tạo góc giúp giảm xóc tốt hơn. Móng vuốt cũng có thể giúp chúng dễ bám víu, mang lại sự ổn định hơn khi tiếp đất.
Rose giải thích thêm một con mèo thường có đến khoảng 30 chiếc xương sống. Tính linh hoạt và khả năng uốn cong cột sống cho phép mèo điều chỉnh hướng ở trên không. Mèo dễ dàng vặn mình theo hướng mong muốn để đạt được tư thế "hạ cánh" lý tưởng.
Ngay cả đuôi, râu mèo cũng hữu ích. Đuôi mèo giúp giữ thăng bằng khi di chuyển và khi nhảy cao. Trong khi đó, râu mèo có các tế bào nang cảm thụ bản thể cho phép chúng cảm nhận được vị trí, địa điểm và hướng của cơ thể chúng so với mặt đất.
Nhờ đó, mèo cảm nhận được các rung động nhỏ và luồng không khí, bảo vệ mắt và mặt khỏi các vật thể như cành cây, đồng thời phán đoán khoảng cách và kích thước của không gian.
Giáo sư Patrick Bateson thuộc Đại học Cambridge (Anh) - nguyên chủ tịch Hiệp hội Động vật học London - nói kỹ năng tiếp đất của mèo được giới chuyên môn đánh giá vô cùng đặc biệt chẳng khác gì một "nghệ thuật".
Ông cho rằng một phần nhờ cấu tạo cơ thể có một không hai của mình, mèo không chỉ dễ bật cao mà còn tăng khả năng sống sót trong những tai nạn. Theo khảo sát, 90% trường hợp mèo bị rơi khỏi các tòa nhà chung cư từ tầng 2 đến tầng 32 vẫn có thể sống sót nếu được cấp cứu kịp thời.
Giáo sư Bateson cho biết các loài mèo nhà hiện nay có thể hình thành những kỹ năng "khinh công" khi mới 3 tuần tuổi. Đến khi 7 tuần tuổi, mèo sẽ thuần thục "tuyệt chiêu" này.
"Loài mèo có khả năng nhạy cảm thăng bằng rất cao, đồng thời cấu trúc xương sống linh hoạt giúp chúng tạo được những cú tiếp đất ngoạn mục. Ngay cả khi mèo bất cẩn bị ngã, rơi tự do, hay bị ném lên không, chúng vẫn có thể xoay mình trên không để điều chỉnh tư thế hoàn hảo", Bateson nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận