09/12/2019 08:03 GMT+7

Giải mã khả năng ‘lướt ván’ siêu đẳng ở loài ong

HOÀNG THI
HOÀNG THI

TTO - Không chỉ có thể bay hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số trong ngày tìm hoa hút mật, ong còn sở hữu một năng lực đặc biệt có thể hữu dụng khi gặp nguy hiểm: kỹ thuật ‘lướt ván’.

Giải mã khả năng ‘lướt ván’ siêu đẳng ở loài ong - Ảnh 1.

Khả năng "lướt ván" ở loài ong giúp chúng thoát nạn những khi gặp sự cố - Ảnh: GETTY IMAGES

Trang Independent (Anh) thậm chí còn ví von ong là loài có khả năng lướt ván "số 1" trong giới động vật.

Theo đó, một khi chẳng may rơi xuống nước, đôi cánh của ong sẽ ướt và không thể cất cánh bay lên. Trong trường hợp khẩn cấp này, dù không biết bơi, ong vẫn có thể vận dụng kỹ năng có "một không hai" là lợi dụng mặt nước để di chuyển đến nơi khô ráo gần nhất, có thể là một tảng đá hoặc một mỏm đất ven bờ.

Theo nhóm nghiên cứu mới đây của Viện Công nghệ California (Mỹ), chính đôi cánh ướt của ong lại là thứ "vũ khí" lợi hại giúp ong điều khiển được những con sóng trên mặt nước và giúp tiến về phía bờ.

TS Chris Roh - chuyên gia ở Viện Công nghệ California, trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết nhóm đã quan sát hàng trăm con ong lần lượt "lướt ván" trong phòng thí nghiệm và rút ra cơ chế chung đặc biệt.

Cụ thể, khi chẳng may rơi xuống nước và cánh bị ướt, ong sẽ tận dụng cánh như những tấm ván, chủ động mở chúng hướng lên trên một góc 30 độ để "kéo" sóng lên, sau đó dựa vào quán tính đổ người về phía trước theo dòng nước.

Cơ chế này giống hệt kỹ thuật mà các tay lướt ván chuyên nghiệp sử dụng. Theo thống kê, quá trình này có thể được ong làm tối đa trong vòng 10 phút, cho thấy sức khỏe của loài này rất tốt.

Giải mã khả năng ‘lướt ván’ siêu đẳng ở loài ong - Ảnh 2.

Cơ chế "lướt ván" này lần đầu tiên được ghi nhận ở một loài côn trùng - Ảnh: GETTY IMAGES

Nhóm nghiên cứu cho biết thêm đây là lần đầu tiên một cơ chế "lướt ván" như thế được ghi nhận ở các loài côn trùng chuyên sống trên cạn. Thậm chí ngay cả những côn trùng có khả năng sống dưới nước, việc di chuyển trên mặt nước cũng do các đôi chân đảm nhiệm, không phải cánh.

"Có thể đó là món quà đặc biệt do quá trình tiến hóa dành tặng loài ong, giúp chúng có thể sống sót khi chẳng may gặp sự cố", TS Chris Roh nói.

Cũng theo TS Chris Roh, trong tương lai nghiên cứu này sẽ là ý tưởng cho thiết kế những mẫu robot mới có thể di chuyển trên mặt nước.

"Tiếp đến, chúng tôi có thể sẽ cải tiến robot theo hướng gọn, nhẹ và tìm cách giúp chúng cất cánh từ mặt nước và hoạt động như một chú ong thật sự", Chris Roh nói.

Đức chi 100 triệu euro cứu côn trùng Đức chi 100 triệu euro cứu côn trùng

TTO - Những khoản tiền khổng lồ mà các quốc gia dùng giải cứu hổ, tê giác, cá voi, cá mập… không còn lạ với nhiều người, nhưng dùng cả ‘núi tiền’ để cứu trợ những loài côn trùng bé nhỏ thì quả thật rất đặc biệt.

HOÀNG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên