Đặc biệt là TS Dương Thanh Biểu, nguyên phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tiếp tôi với nhiều đồng cảm về nhân vật lịch sử đặc biệt này.
"Chính tôi đã nghiên cứu kỹ nội dung điều tra của cơ quan an ninh trong vụ án Tạ Đình Đề lần thứ hai năm 1985. Tôi thấy chưa có cơ sở kết tội ông ấy. Nếu chỉ vì mấy câu thơ, bài vè truyền miệng châm biếm mà kết tội ông ấy thì cũng phải kết tội cả nhiều người dân hay sao", ông nói.
Bị giam lần thứ hai
Ngày 15-9-1985, ông Tạ Đình Đề bị bắt lần hai. Dư luận lại rúng động vì lần này ông bị giam vì tội an ninh nghiêm trọng hơn cả lần trước. Anh Tạ Mạnh Tiến, người con trai thứ của ông, bần thần nhớ mình đang đi làm thì nghe tin cha bị bắt. Anh tất tả chạy về thì thấy ông đã bị còng tay rồi. Bà Thọ, mẹ anh, bị huyết áp cao phải đi cấp cứu.
Gia đình khủng hoảng trầm trọng. Họ phải bán căn phòng 12 mét vuông tại số 8 Hàng Ngang để vào ngõ 222 Lê Duẩn ở tạm. Không có tiền thăm ông, mẹ con phải vay mượn khắp ngõ. Tai họa chưa dứt khi anh Tiến lại bị bắt, rồi bị đuổi việc chỉ vì "nhỡ xin miệng" một tí xăng ô tô xí nghiệp để đổ vào xe máy mà quên chưa kịp làm giấy tờ.
Tạ Đình Đề bị tạm giam hơn một năm, cơ quan điều tra đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao gia hạn giam đặc biệt. TS Dương Thanh Biểu đang làm ở Vụ 2C (kiểm sát điều tra án an ninh) được phân công nghiên cứu hồ sơ Tạ Đình Đề. Nhiều năm sau, nhắc chuyện này trong quyển
Theo dòng công lý, ông kể tỉ mỉ: "Ôm gọn tập hồ sơ vào lòng, tự nhiên hình ảnh Tạ Đình Đề cứ hiện lên sừng sững trong đầu. Đối với tôi, Tạ Đình Đề là một thần tượng, như một người anh hùng đã in sâu vào tâm trí thời trẻ của tôi... Một con người được nhân dân mọi miền đất nước ca tụng như một nhân vật huyền thoại sao bây giờ lại vướng vòng lao lý như thế...".
TS Biểu kể ông khách quan nghiên cứu kỹ hồ sơ điều tra thấy Tạ Đình Đề có dấu hiệu bất mãn với một số cán bộ cấp trên của mình chứ không phải "phản động", chống đối nhà nước gì. Vụ án năm 1976, ông được tòa tuyên không phạm tội, tha bổng thì đúng ra sau đó phải khôi phục quyền lợi cho ông.
Nhưng suốt nhiều năm, Tạ Đình Đề vẫn không được thực hiện điều đó, làm cho cuộc sống gia đình ông rất khó khăn. Tâm lý bất mãn từ chính nguyên nhân này.
Ngoài xã hội, ông nghe và thuộc nhiều bài vè mà người ta hay truyền miệng nhau trong thời bao cấp khó khăn như Tôn Đản là chợ vua quan/ Nhà thờ là chợ trung gian nịnh thần/ Bắc Qua là chợ thương nhân/ Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng, hoặc Bây giờ chân giò quý hơn chân lý, Thực phẩm quý hơn nhân phẩm, Bằng gì cũng chẳng bằng lòng, Bù giá vào lương là xương bù da...
Tuy nhiên, thời ấy, những câu cửa miệng này thì không chỉ Tạ Đình Đề thuộc, mà rất nhiều người, kể cả trẻ em, cũng ê a. Nếu kết tội ông chống đối chế độ, làm gián điệp bằng các bằng chứng này thì sẽ còn phải kết tội bao nhiêu người dân nữa?
Hồ sơ vụ án Tạ Đình Đề được đem ra thảo luận trong các cuộc họp Vụ 2C. TS Biểu nhớ ngoài những người ủng hộ quan điểm của ông là không có cơ sở kết tội Tạ Đình Đề thì cũng có ý kiến ngược lại rất gay gắt.
Trong cuốn Theo dòng công lý, ông ghi lại đồng nghiệp đã "quy chụp" mình kịch liệt: "Tôi thấy cũng lạ. Một con người hư hỏng như Tạ Đình Đề mà có ý kiến cản trở không xử lý như đề nghị của cơ quan điều tra. Có phải đây là hiện tượng pháp luật đơn thuần, là tư tưởng hữu khuynh, né tránh không?".
TS Biểu kể lại cảm thấy sống lưng lạnh toát, tim đập nhanh vì bản thân bị xúc phạm ghê gớm. Ông trả lời: "Tôi không sợ bị quy chụp hữu khuynh, tôi chỉ sợ người dân bị oan ức thôi".
Cuối cùng, quan điểm không có cơ sở kết tội Tạ Đình Đề của TS Biểu được lãnh đạo đồng thuận. Ngày 8-1-1987, Viện trưởng Trần Lê ký công văn trả lời Bộ Công an rằng không cần truy tố, xét xử vụ án.
Một đoạn công văn nêu rõ: "...Đề lượm lặt những câu ca dao tục ngữ... nói xấu một số cán bộ Đảng và Nhà nước, phổ biến lại cho nhiều người khác nghe là do động cơ bất mãn với cán bộ lãnh đạo kể cả cấp trên và cấp dưới trong quan hệ đối xử...
Nhưng Bộ luật Hình sự quy định tội "Tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa" trong điều 82 là có ý thức chống lại chính quyền nhân dân (vì mục đích phản cách mạng, còn nếu chỉ vì lạc hậu, bất mãn thì chưa quy vào động cơ chống chế độ xã hội chủ nghĩa)...
Nay tiếp tục giam Đề để khai thác về tội gián điệp hiện hành cũng không tiến triển được, nếu không có chứng cứ gì mà chỉ hỏi cung cũng không ổn. Vì vậy, chúng tôi thấy không cần đưa việc này ra truy tố, xét xử".
Sau đó, nhiều cuộc họp, tranh luận, thậm chí tranh cãi gay gắt giữa các cơ quan, ban ngành đã diễn ra. Mãi đến ngày 7-12-1987, vụ án mới chính thức kết thúc khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định trả tự do Tạ Đình Đề.
Gánh tang bồng đã hết
Người chiến binh Tạ Đình Đề năm nào tóc bạc trắng ở tuổi 70, lại vô tội, bước chân ra khỏi trại giam lần hai sau hơn 2 năm bị giam giữ mà không có án. Bão tố cuộc đời làm sức khỏe ông suy sụp hẳn nhưng không xóa nổi lối sống trực tính, hào sảng của ông.
Bạn bè, nhân dân đến thăm, ông tếu táo: "Giờ phải gọi là Đề tú tài nhé". Mọi người bật cười, hiểu Đề tú tài là Đề tái tù! Hai lần bị giam cả bốn năm tù mà không có tội tình, có án gì, hỏi mấy người còn tếu táo được như ông.
Gần cuối đời, Tạ Đình Đề vào Nam ở với người con trai là Tạ Đình Hùng và để gần bà Thọ. Hình như linh cảm gánh tang bồng trần gian của mình sắp hết, ông lần lượt đi thăm từng người bạn.
Ghé nhà nguyên phó Tổng cục Đường sắt Lê Minh Đức, người vừa là nhân viên vừa là sếp, là bạn mình, Tạ Đình Đề nói: "Chắc tôi thăm ông lần này là cuối cùng!". Ông Đức buồn, nhìn vào mắt bạn hiểu đó là lời ly biệt của kiếp người đã trải đủ liệt oanh lẫn đắng cay.
Trước khi mất ba tháng, Tạ Đình Đề hồi hương quê Bắc. Người dân quanh ga xe lửa Hà Nội hay thấy một ông già có bộ râu mép ngang tàng, lặng lẽ đứng nhìn theo những chuyến xe lửa ngược xuôi mà mắt mơ màng hồi tưởng chuyện xa xăm.
Những ngày cuối đời, ông đến thăm từng nhà chiến hữu còn sống. Bắt tay tướng Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài... - những người đã thân giao từ hồi còn ở Vân Nam (Trung Quốc) những năm 1930 - 1940, ông lại nói lời chia tay...
Ngày 29-2-1998, Tạ Đình Đề trút hơi thở cuối cùng. Khách viếng ông ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng có những vị tướng trận mạc, những cựu chiến binh Tây Tiến, biệt động Hà thành, người lái xe lửa, cựu cầu thủ và đặc biệt là bao người dân lạ quen. Người chỉ nghe danh, mà chưa một lần gặp Tạ Đình Đề, muốn đến thắp cho ông một nén nhang. Người chịu ơn ông cứu mạng trong kháng chiến. Và có người nhờ ông mà thoát nạn oan sai hồi cải cách ruộng đất.
Một thời liệt oanh và đắng cay dâu bể, thôi cũng kết thúc từ đây! Giọng trầm hùng của vị tướng Văn Phác (trung đoàn Tây Tiến) đã đưa ông về nơi nào đó có những đồng đội của ông đang an nghỉ: "Anh Tạ Đình Đề ơi! Xin anh hãy về yên nghỉ cùng với những chuyện như huyền thoại về anh...".
Gần 10 năm sau ngày ông mất, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký truy tặng ông Huân chương Độc lập hạng ba. Nhiều người lại đến tặng hoa cho Tạ Đình Đề, những bó hoa đặt trước di ảnh một anh hùng!
"Ra tù lần hai, ông Đề già xọm và yếu hẳn. Có lần ông ấy bị xe đụng gãy chân. Người gây tai nạn quýnh quáng. Đề chỉ nói: mày còn không đỡ tao dậy à? Rồi đi thì đi ngay đi. Ở đây, công an đến bây giờ" - ông Vũ Quang Minh, cựu tuyển thủ đội bóng Tổng cục Đường sắt đã gắn bó với Tạ Đình Đề suốt từ 1954, xúc động nhớ mãi.
Dù bị thăng trầm, bầm giập thế nào, Tạ Đình Đề vẫn sống nhân ái và hài hước hóa mọi chuyện. Ra tù chẳng còn việc gì làm, ông thường tới lui bạn bè, ôn kỷ niệm kháng chiến và tếu táo giải khuây cùng nhau. Người bạn Hoàng Giáp biết tiếng Tây Ban Nha được ông đặt biệt danh là Tay Bán Nhà, còn ông Minh thì bị gọi Minh Bóng vì là cầu thủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận