Từ những con người tơi tả, mệt mỏi do chiến cuộc, từ những thứ nhặt nhạnh lại, ông đã tự ghi dấu ấn mình trở thành một trong những nhà xuất khẩu đầu tiên ở miền Bắc.
Dù rằng sau này chính nó là một trong những nguyên nhân nặng nề đưa ông sa bước vào tù tội, oan sai...
Làm vợt xuất khẩu
Bần thần kể về Tạ Đình Đề, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt Lê Minh Đức những ngày còn khỏe đã xúc động kể: "Cuộc đời anh Đề tội lắm. Chiến công thì chỉ được nhân dân truyền miệng với nhau, còn sơ suất gì thì bị truy cứu, điều tra! Người chịu nhiều bầm giập cay đắng như anh ấy mà đến cuối đời vẫn sống vui tươi, hừng hực lý tưởng, chẳng quay lưng oán trách ai, mới là lạ!".
Ông Đức kể thêm mình chính là một trong những người đã đi minh oan, kêu cứu cho Tạ Đình Đề trong vụ án lần thứ nhất năm 1974. Có người đã nói thẳng sao cỡ ông mà đi dây dưa với "thằng" này!
Ngược thời gian trở lại đầu thập niên 1970 khi Tạ Đình Đề bắt đầu gầy dựng Xưởng vật liệu cao su đường sắt (về sau nâng thành xí nghiệp) để sửa chữa, sản xuất các thiết bị cao su phục vụ ngành đường sắt.
Lúc này ông đã 53 tuổi nhưng vẫn sống nguyên bầu máu nóng của người lính biệt động một thời: không làm thì thôi, đã làm thì phải làm đến cùng, làm cho thành công như chiến sĩ ra trận.
Xưởng vật liệu cao su đường sắt của Tạ Đình Đề nhanh chóng trở thành hiện tượng mới ở Hà Nội. Từ bãi hoang bên đường Láng Hạ, ông đào đắp và xây dựng cơ ngơi làm việc. Nhưng điều làm mọi người chú ý nhất chính là đội ngũ.
Tạ Đình Đề "nhặt nhạnh" về đủ thành phần, từ kẻ đầu trộm đuôi cướp mới ra tù, đào binh, hàng binh cho đến những người từng làm việc cho Pháp. Và đặc biệt là ông đã nâng đỡ cả các tài hoa chưa gặp thời như Lưu Quang Vũ, Phan Lạc Hoa...
Nhiều năm gắn bó với thể dục thể thao, Tạ Đình Đề hiểu nhiều thiếu thốn. Chỉ riêng cây vợt bóng bàn cũng làm khó vận động viên. Vợt Trung Quốc chất lượng ngày ấy không đạt, còn vợt các nước khác thì khan hiếm như vàng.
Anh em tập luyện vợt mòn vẹt gần đến thân gỗ vẫn cố dùng. Nhiều khi chất lượng thi đấu kém cũng chỉ vì dụng cụ. Có Xưởng vật liệu cao su cho ngành đường sắt, Tạ Đình Đề nghĩ ngay đến chuyện phát triển sản xuất vợt bóng bàn nội địa - một dự án mà ông đã manh nha thực hiện từ nửa cuối thập niên 1960.
Ông mời Nguyễn Văn Thi, chủ quán cà phê Lâm nổi tiếng Hà Nội, từng là bạn bè và cơ sở của ông hồi kháng chiến, cùng thực hiện. Tất cả đều tay ngang hết. Chỉ có ông Thi là đã đánh bóng bàn từ thời Pháp, từng được sử dụng và hiểu rõ những cây vợt chất lượng tốt.
Chính ông Lê Minh Đức, nguyên phó Tổng cục Đường sắt, cũng xắn tay vào làm. Có kinh nghiệm làm quân giới từ hồi kháng Pháp, ông Đức lo phần tiện cán máy ép khuôn. Ông Thi nghiên cứu phần mút.
Ông Đề lo cơ chế, tổ chức sản xuất và chạy vật liệu bên ngoài vốn cực kỳ khan hiếm thời ấy. Phần nhựa, mút thì ông nhặt nhạnh đồ thừa thãi, phế thải của các xí nghiệp khác.
Còn thân gỗ thì xoay từ xí nghiệp ván ép Cầu Đuống. Tận dụng máy đắp lốp cao su bị hư hỏng vì trúng bom, ông sửa chữa và chuyển công năng sang làm vợt bóng bàn.
Việc này thì Tạ Đình Đề rất giỏi. Ông đã từng làm nhiều người ngạc nhiên hồi chạy vật tư ở Ban 24 để khắc phục đường sắt bị bom Mỹ đánh phá. Vật tư khan hiếm. Tiền mặt lại càng thiếu để mua.
Nhiều người xoay xở không nổi. Tạ Đình Đề nhảy vào làm là có ngay, thậm chí người ta còn vui vẻ cho xe chở hàng đến tận nơi. Có người hỏi Tạ Đình Đề dùng mánh gì vậy?
Ông cười, đùa: "Tao rút súng bắt bán, nếu không thì bắn. Họ biết tao bắn hiếm trật, nên sợ chết phải bán thôi".
Thật ra, đó là nói đùa vui, ông đi mua chịu và mua nhanh tay trước người khác. Nơi bán chỉ cần nghe tiếng Tạ Đình Đề bảo lãnh là vui vẻ xuất hàng ngay.
Những cây vợt đầu tiên làm chưa đạt. Ông Thi, ông Đức đánh thử thấy độ nẩy bóng còn kém, nhưng anh em vui lắm.
Tạ Đình Đề chạy ngay đi mua chịu bia về liên hoan cả xưởng. Tính ông ham vui và muốn mọi người được vui, cứ thành công được gì lại bày liên hoan, mặc dù hiếm khi thấy ông uống quá dăm ly.
Cây vợt được làm đi làm lại, thay thân ván tốt hơn, điều chỉnh mút bọc, thế là chất lượng dần cải thiện. Từ sản xuất thăm dò vài cây, lên vài trăm, rồi lên quy mô vài ngàn cây mỗi ngày. Tiêu thụ trong nước không hết, những container vợt bóng bàn made in Viet Nam được xuất đi hơn 10 nước trong đó có Liên Xô, Thụy Điển...
Là cán bộ tài vụ Tổng cục Đường sắt, ông Đỗ Anh Tuấn kể lại vẫn nhớ rõ mọi người đã mừng thế nào khi thu được ngoại tệ vốn quá khan hiếm vào thời kỳ đó. Ông Đỗ Mười xuống thăm cũng không giấu được niềm vui, vỗ vai Tạ Đình Đề: "Làm tốt lắm, tốt lắm, tốt lắm".
Gặp nạn
Ghi dấu ấn vào chương sử đầu tiên của kinh tế xuất khẩu miền Bắc sau năm 1954, nhưng tính Tạ Đình Đề vẫn nguyên như thời cầm súng, cưỡi ngựa đi kháng chiến.
Trong mắt bạn bè, đồng đội, và cả cấp trên, ông vẫn thẳng như ruột ngựa, thương ghét không nhập nhèm một ly, thấy cái gì không đúng là "quạt" lại liền bất kể người đó là ai.
Ông Lê Minh Đức kể khi mình đã là tổng cục phó Tổng cục Đường sắt, ông có những cuộc họp buộc phải tạm nghỉ giữa chừng để "tiếp chuyện anh Đề".
Việc gì cần là ông cứ xồng xộc đi vào, oang oang mày tao loạn cả lên. Tổng cục trưởng Hà Đăng Ấn ngày ấy còn nửa đùa nửa thật dặn dò:
"Gặp Đề thì bận chuyện gì cũng phải bỏ ra để tiếp. Nếu không, Đề quậy cho nát bét". Anh em hiểu tính cách ông, coi đó là vui. Nhưng người không hiểu thì làm tội làm tình ông cái tội "bạ mồm bạ miệng, chẳng chịu nhìn trên dưới".
Khi Tạ Đình Đề làm kinh tế thành công nhất cũng là lúc ông bị điều tra và trở thành nghi phạm của hàng loạt tội danh cố ý làm trái, phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa, tham ô, hối lộ, tàng trữ vũ khí...
Hàng loạt cơ quan thanh tra, điều tra liên tiếp ghé Xưởng cao su. Có lẽ một con người trải đời nhiều như Tạ Đình Đề thừa hiểu gặp sóng gió lớn rồi, nhưng ông vẫn vui vẻ trấn an đội ngũ bình tĩnh làm việc.
Ông Đỗ Anh Tuấn nhớ mãi câu Tạ Đình Đề hay nói với anh em trong tình hình căng thẳng: "Mình không tư lợi gì cho cá nhân, mà làm đúng thì chẳng sợ gì cả. Việc gì có lợi cho dân, cho nước thì cứ làm".
Và điều bất ngờ xấu nhất đã đến! Sáng ngày 27-11-1974, Tạ Đình Đề bị bắt, còng tay ngay tại xưởng. Người phó của ông là Nguyễn Văn Luật cũng bị còng. Công nhân cả xưởng ngơ ngác. Có chị em bật khóc. Có người phẫn nộ la lên: "Yêu cầu thả ngay anh Đề ra. Anh ấy có tội gì mà bắt?".
Tạ Đình Đề cùng với Nguyễn Văn Luật bị giam ở Hỏa Lò. Bà Đặng Thị Thọ, vợ ông, khi hay tin dữ đã quỵ xuống!
Con trai cả Tạ Đình Hùng (thật ra là con thứ vì con trai đầu bị bệnh, mất lúc mới hơn một tuổi trong lúc cha mẹ đi kháng chiến) đang học năm thứ hai Đại học Bách khoa Hà Nội bị cho nghỉ giữa chừng vì vụ án cha.
Thế rồi 33 năm sau ngày đầu tiên Tạ Đình Đề bị bắt, người con trai Tạ Mạnh Tiến khi thay cha lên nhận Huân chương Độc lập hạng 3 do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết truy tặng vào năm 2007 đã rơm rớm nước mắt:
"Bố không sống được đến ngày nay để nhận sự minh oan và vinh danh cao nhất!". Ngày ấy, Tạ Đình Đề đã mất lâu rồi...
Vụ án Tạ Đình Đề lan truyền như các cơn địa chấn giữa miền Bắc. Không chỉ toàn thể cán bộ, công nhân đường sắt lo lắng cho ông mà cả trong dân thường ở đâu cũng nghe râm ran bức xúc:
"Bác Đề làm gì mà bắt? Oan cho người anh hùng ấy quá!". Ngay cả trong miền Nam còn bị chia cách bởi vĩ tuyến 17, tin Tạ Đình Đề bị bắt cũng lan theo bước chân bộ đội Nam tiến...
-----------------------
Bỏ gia đình tư sản Hà Nội để theo Tạ Đình Đề đi kháng chiến, bà Đặng Thị Thọ hết lòng thương yêu và tin chồng. Bà đã viết lá đơn kêu oan đẫm nước mắt trong cơn bạo bệnh...
Kỳ tới: Lá đơn đẫm nước mắt của người vợ Tạ Đình Đề
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận