18/04/2024 10:26 GMT+7

Giải mã huyền thoại Tạ Đình Đề - Kỳ 5: Chuyện tình chưa kể của Tạ Đình Đề

Giải mã huyền thoại Tạ Đình Đề nhiều năm sau ngày ông mất, tôi lại nghe được những chuyện kể về ông không phải trong khói lửa chiến tranh mà chính là những phút giây tạm ngưng tiếng súng.

Thời trẻ, Tạ Đình Đề có nét đẹp mạnh mẽ của người chiến sĩ vào sinh ra tử - Ảnh gia đình cung cấp

Thời trẻ, Tạ Đình Đề có nét đẹp mạnh mẽ của người chiến sĩ vào sinh ra tử - Ảnh gia đình cung cấp

Lúc ấy, Tạ Đình Đề mới chính là ông nhiều hơn, bên trong vẻ mặt sắt đá, kênh đời là một trái tim tinh tế tràn đầy yêu thương...

Trai chiến sĩ gặp kiều nữ Hà thành

Lần lại những tấm ảnh đã ố màu thời gian, anh Tạ Đình Hùng, người con trai cả của ông Đề ngày còn sống ở TP.HCM, đã xúc động tâm sự: "Chúng tôi luôn tự hào về bố mình. Tài sản quý giá nhất mà bố ra đi để lại cho chúng tôi chính là nhân cách và tình yêu thương. Các chú, các bác là đồng đội cùng vào sinh ra tử kháng chiến với bố tôi chắc cũng nhớ về ông như thế".

Và ngược thời gian trở lại những năm cuối thập niên 1940, tay súng biệt động Tạ Đình Đề đã bất ngờ làm "một bài thơ tình diễm lệ" ngay trong thời lửa đạn chiến tranh.

Không chỉ cấp trên mà cả chiến hữu trong đội biệt động của ông cũng hết sức ngạc nhiên với mối tình kỳ lạ này. Những lần xâm nhập nội thành Hà Nội, Tạ Đình Đề sắm đủ vai từ "quan làng" lên phố, thương nhân, dân chơi sành điệu trong vũ trường đến trí thức Hà thành.

Với chính tính cách hào hùng và lãng tử này, Tạ Đình Đề đã lọt vào mắt xanh tiểu thư Đặng Thị Thọ. Cô là con gái rượu nhà tư sản Nghĩa Tường, tức nhà buôn Đặng Thị Huyền nổi tiếng danh gia vọng tộc ở phố Hàng Ngang, Hà Nội. Bà Huyền sinh hạ được bốn người con, vừa vặn đẹp đẽ một đôi trai và đôi gái.

Con cả là cô Đặng Thị Chắt, con thứ ba Đặng Ngọc Lộc và cậu út là Đặng Ngọc Long. Cô Đặng Thị Thọ, người yêu Tạ Đình Đề, là chị gái thứ hai trong nhà, sinh năm 1931, kém ông Đề bốn tuổi.

Gợi nhắc chuyện này, người bạn kháng chiến Hoàng Giáp của ông Đề cho rằng thuở ấy tiếng tăm tay súng Tạ Đình Đề lan truyền lớn quá. Thời lửa đạn chiến chinh, nhiều người sống rất lý tưởng, trọng điều nghĩa hiệp. Kiều nữ Hà thành yêu chàng chiến sĩ chính vì điều này.

Nhà buôn Nghĩa Tường ở phố Hàng Ngang bấy giờ rất rộng, đã trở thành cơ sở cách mạng mà Tạ Đình Đề cũng từng hoạt động ở đấy. Trai tài gái sắc làm sao trách khỏi chuyện tình vương...

Theo giới thiệu của anh Tạ Đình Hùng, tôi sang quận 8 (TP.HCM) để tìm người em vợ ông Đề đã vào Nam lập nghiệp từ năm 1975. Cả hai nhân vật chính trong chuyện tình đẹp như thơ thời chiến đều đã thành người thiên cổ. Chỉ còn ông Đặng Ngọc Lộc là người hiểu rõ nhất tấm tình chị mình.

Ngày ấy, vừa trải qua cuộc đại phẫu thuật tim, ông Lộc vẫn vui vẻ tiếp tôi khi nghe nhắc nhớ lại chuyện anh rể và chị gái mình. Cậu bé năm nào còn gần gũi bên chị, giờ tóc đã bạc trắng như mây cùng nhiều rãnh sâu thời cuộc khắc hằn trên gương mặt. "Chuyện tình ấy mà cũng đã nhiều năm trôi qua rồi. Hương hồn anh chị tôi nghe nhắc nhớ chắc cũng mỉm cười".

Ông Lộc kể thời chín năm kháng Pháp, Tạ Đình Đề từ chiến khu về Hà Nội hoạt động. Một cơ sở cách mạng ông thường đi lại chính là hiệu buôn Nghĩa Tường.

Buổi đầu chuyện tình của cô Thọ với tay súng Tạ Đình Đề cũng éo le. Bà Huyền, mẹ cô, không muốn con gái yêu kẻ lãng tử chẳng biết sống chết lúc nào. Trước đó, bà có cô con gái cả đã nên duyên với bác sĩ Đặng Quốc Khánh - con trai Tuần phủ Bắc Giang Đặng Quốc Giám.

Được cô con cả đã yên bề gia thất nên bà cũng muốn Đặng Thị Thọ theo chân chị mình. Con rể bà, bác sĩ Đặng Quốc Khánh, lại có người em trai là dược sĩ Đặng Quốc Cơ cũng vừa du học Pháp trở về. Cả hai gia đình thông gia đều muốn tiếp tục se duyên thêm cho đôi con trẻ.

Nếu đôi lứa này tiếp tục yên bề gia thất thì hai nhà lại có một cuộc hôn nhân đúng nghĩa danh gia vọng tộc. Ông Đặng Quốc Giám là quan tuần phủ và các con ông đều được Pháp lo học đến nơi đến chốn. Còn nhà buôn Nghĩa Tường của bà Đặng Thị Huyền cũng là một trong những tư sản tiếng tăm ở Hà Nội...

Tuy nhiên, trái tim cô Thọ đã âm thầm từ chối chàng dược sĩ để đem lòng yêu thương chiến sĩ. Khi nghe tôi hỏi tại sao, ông Lộc, em trai bà Thọ, trả lời rất rõ ràng mà không hề phải đắn đo: "Thuở đất nước dầu sôi lửa bỏng ấy, trai tráng sống có lý tưởng, còn các cô gái cũng trọng mến anh hùng. Chị tôi là mẫu người con gái sống trong thời loạn ấy".

Ông Tạ Đình Đề cùng vợ và gia đình - Ảnh gia đình cung cấp

Ông Tạ Đình Đề cùng vợ và gia đình - Ảnh gia đình cung cấp

Âm thầm đưa mỹ nhân về cho Tạ Đình Đề

"Tôi nhớ mãi một đêm trăng trung tuần tháng 8-1949, chị tôi ngân ngấn nước mắt lay tôi dậy, nói lời giã biệt để đi theo tiếng gọi trái tim mình: Thôi, chị đi em nhé. Ở lại nhà, em nhớ chăm sóc bố mẹ hộ chị.

Thời buổi này, chị cũng chưa biết ngày nào trở về được. Có gì em đỡ đần gia đình thay chị", ông Lộc xúc động kể. Đêm ấy ở ngoài cổng, một đồng đội Tạ Đình Đề đã bí mật đợi sẵn để đưa người bạn mình đi...

Nhiều năm đã trôi qua, người trong cuộc Nguyễn Trần Hỗ vẫn cười nói mình chính là người đã đưa bước giai nhân đến cho Tạ Đình Đề. Một chuyện tình đẹp như thơ trong thời lửa đạn mà ông là chứng nhân và sẽ mãi mãi không quên được. Ông Hỗ nguyên là chiến sĩ Điện Biên Phủ và là cựu phóng viên báo ảnh Việt Nam.

Ngày ấy, bà Huyền vẫn chưa chịu ưng anh chàng biệt động chỉ có "trên răng dưới súng". Tới lui mãi chẳng đến đâu, Đề quyết tâm "đánh trận cuối cùng", cưới cho được mỹ nhân.

Ông tìm gặp người bạn Nguyễn Trần Hỗ để bàn bạc: "Mày cố đi giúp tao một việc quan trọng này nhé. Mày làm thế nào thì làm, tùy nghi ứng biến, nhưng phải đưa cho được em Thọ an toàn về với tao. Công mày, tao và Thọ suốt đời không quên".

Tạ Đình Đề trao cho bạn mình lá thư dán kín và một khẩu súng ngắn. Ông dặn dò bạn tỉ mỉ rằng thư này phải trao tận tay cho cô Thọ, dứt khoát không được chuyền tay cho người nào khác.

Sau đó, ông Hỗ đã một mình đi bộ từ Phủ Lý (Hà Nam) về đến Hải Hậu (Nam Định) - làng quê mà gia đình bà Huyền và cô Thọ đã về tản cư trong cuộc chiến vệ thành Hà Nội mùa đông năm 1946.

Cô Thọ ban đầu ngớ người, chưa kịp hiểu chuyện gì, nhưng khi đọc qua nét chữ quen thuộc của người yêu, đã bật cười nhận ra mục đích thật sự của "anh bộ đội Tây Tiến lỡ bước hành quân ghé nhà xin cốc nước" Nguyễn Trần Hỗ này.

Cuối cùng, cô Thọ cũng rời được nhà. Họ đi trong đêm trăng trung tuần bị những quầng mây u ám giăng che mờ mịt. Ông Hỗ cố gắng kiếm thuyền cho người đẹp của bạn mình, nhưng cũng chỉ xin quá giang được vài đoạn, phần nhiều họ vẫn phải đi bộ trong ánh sáng lờ mờ của đêm trăng xấu trời.

Nhiều đoạn, họ phải vượt qua các cánh đồng còn đầy gốc rạ lởm chởm mới cắt và những bờ ruộng đầy cỏ gai mắc cỡ lẫn cành tre gai mà nông dân đặt để không cho trâu bò vào phá ruộng mình.

Xót cô kiều nữ Hà thành chưa bao giờ sa phải cảnh vất vả, ông Hỗ đề nghị cõng, nhưng cô không chịu.

"Bà ấy cũng đã trở thành người thiên cổ từ lâu rồi, nhưng tôi vẫn nhớ mãi cái đêm hôm ấy. Cô tiểu thư nhà giàu trông vẻ mảnh dẻ, thục nữ thế mà cứng rắn lắm. Chân bị gai cào tươm cả máu mà vẫn không hé môi rên một lời. Đúng là tiếng gọi trái tim", ông Hỗ vẫn chưa quên đêm đưa mỹ nhân về cho bạn mình...

Nhớ về bạn trong kỷ niệm khó quên này, ông Hỗ xúc động hồi tưởng ánh mắt si tình của Tạ Đình Đề khi được nắm tay người trong mộng ở vùng kháng chiến sơn cước Hòa Bình: "Ông Đề trông ngang tàng, hảo hán thế nhưng trong lòng đầy lãng mạn. Chả thế làm sao kiều nữ Hà Nội chịu lìa gia đình để đến với ông, người chiến sĩ mới cười đó, lát nữa chẳng biết có còn hay không".

Ông Đặng Ngọc Lộc bật cười kể thêm còn có một lý do để chị gái mình yêu Tạ Đình Đề là thật sự ông ấy cũng rất hào hoa, nét nam tính rất đậm với khuôn mặt gai góc, mắt sắc tinh anh và tính cách mạnh mẽ, mẫu hình trượng phu lý tưởng trong mắt thiếu nữ thời lửa đạn.

Ông vẫn nhớ Tạ Đình Đề mỗi khi lui tới nhà chị gái mình hay đội chiếc mũ rộng vành với cái áo khoác đen bạc màu sương gió và huýt sáo rất hay. Những bản nhạc trữ tình Pháp lẫn những bài tiền chiến nước Việt đắm lòng người nghe.

-----------------------

Sau kháng chiến, Tạ Đình Đề rẽ sang bước ngoặt mới, đi làm đường sắt, và ở đâu cũng in đậm dấu ấn con người ngang tàng, nghĩa hiệp, dám làm dám chịu.

Kỳ tới: Giã từ vũ khí

Giải mã huyền thoại Tạ Đình Đề - Kỳ 4: Lệnh tiêu diệtGiải mã huyền thoại Tạ Đình Đề - Kỳ 4: Lệnh tiêu diệt

Xúc động nhắc nhớ một thời ngang dọc của Tạ Đình Đề, nhà tình báo lão thành Ba Đăng những ngày còn minh mẫn đã kể cho tôi nghe bạn mình từng làm cho quân Pháp mất ngủ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên