Hoàng Giáp cầm khẩu súng ngắn parabellum ngắm đàn gà đang luẩn quẩn về chuồng. Phát đạn duy nhất được bắn trúng giữa cổ một con gà trống.
Tạ Đình Đề nhếch mép cười, rút khẩu walther 9 li lúc nào cũng giắt ở hông. Ông không ngắm mà bắn ngay một phát về phía đàn gà. Một vệt bụi nhỏ mù lên…
Từ viên phi công Mỹ bị nạn
Tạ Đình Đề không bắn trúng con gà nào cả, mà lại trúng vào một viên sỏi làm nó văng vào đầu một con gà. Anh em biệt động nhao nhao: "Anh Đề bắn trật rồi". Đề cười nhếch mép: "Đạn Đề này đâu thèm giết gà, viên đá nó giết đấy chứ".
Đó là một chuyện như huyền thoại về tay súng kiêu hùng Tạ Đình Đề, nhưng sự thật hoàn toàn do chính nhân chứng trong cuộc là ông Hoàng Giáp (tức Hoàng Tấn Anh, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523, Sư đoàn 304 mà thời kháng Pháp gọi là Đại đoàn 304 tham chiến Điện Biên Phủ) trực tiếp kể lại khi ông còn mạnh khỏe.
Một kỷ niệm khó quên khi những người lính Việt Minh vừa tạm rút sau cuộc chiến vệ thành Hà Nội mùa đông năm 1946, và họ chuẩn bị tiếp tục đánh quân Pháp đã tái chiếm Việt Nam.
Trong nhiều giai thoại về Tạ Đình Đề bắt đầu râm ran từ những năm Pháp tạm chiếm Hà Nội, có chuyện "ông Râu", vì Tạ Đình Đề luôn để ria mép, học trường tình báo Mỹ, biết phi ngựa, lái ô tô, nhảy dù và bắn súng cả hai tay...
Sự thật bạn bè tâm giao và các đồng đội biệt động thành Hà Nội đều biết Tạ Đình Đề thành thạo các kỹ năng đó. Nhưng chuyện ông học trường tình báo Mỹ như thế nào không phải ai cũng biết.
Một vài lần tâm sự với các con trai Tạ Đình Hùng và Tạ Mạnh Tiến, ông chỉ nói ngắn ngủi mình có học trường quân sự Hoàng Phố ở Trung Quốc và tình báo Mỹ.
Trong các bản lý lịch Tạ Đình Đề tại ngành đường sắt và bản khai trước cơ quan điều tra khi ông là nghi phạm trong hai vụ án năm 1974 và 1986 cũng chỉ ghi vắn tắt: Tạ Đình Đề, bí danh Lâm Giang, tham gia cách mạng năm 1935, vào Đảng năm 1946.
Năm 1941, ông được cử đi học trường quân sự Hoàng Phố, phân hiệu ở Liễu Châu. Sau đó, ông tham gia các hoạt động vũ trang và được tổ chức phân công hoạt động tình báo trong phái bộ Mỹ của phe đồng minh…
Các bạn bè, đồng đội ông như tướng Hoàng Minh Thảo, Phùng Thế Tài, Hoàng Tấn Anh, Nguyễn Văn Đăng cũng biết Tạ Đình Đề có tham dự khóa huấn luyện tình báo Mỹ ở Côn Minh trong thời kỳ cùng đồng minh chống phát xít Nhật.
Ngoài học ở Côn Minh, ông còn được tập huấn nhảy dù ở Ấn Độ, nhưng chi tiết thế nào họ cũng không rõ vì đó là bí mật tình báo. Tính ông Đề cũng ít kể chuyện thời chiến. Về sau, khi đã chuyển qua ngành đường sắt và nhất là giai đoạn phải chịu hai vụ án oan, ông lại càng ít nhắc chuyện xưa.
Tuy nhiên, ngay sau khi ông được minh oan trong vụ án lần thứ hai ở tuổi đã 70, một nhóm nhà cách mạng lão thành từng hoạt động ở vùng Vân Nam, Quảng Tây trong những năm thập niên 1930, nửa đầu 1940 đã xuất bản hồi ký có nhắc đến Tạ Đình Đề. Đây cũng là thời kỳ ông từ một công nhân hỏa xa Vân Nam bước vào đội ngũ cách mạng.
Bản hồi ký mà tôi may mắn được tiếp cận có chính bút tích Tạ Đình Đề ký tặng ông Lưu Tuấn Giao. Tập sách mang tên Nhớ Nguồn, do hai nhà cách mạng lão thành Bích Tùng và Lý Đào chấp bút, Nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc 1993 chỉ in 500 cuốn.
Từ trang 131 đến 136 đã nhắc rõ bối cảnh Tạ Đình Đề được cử theo học tình báo Mỹ như thế nào. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1944 khi một máy bay Mỹ trong phe đồng minh chống phát xít bị hỏng, buộc viên phi công William Shaw phải nhảy dù xuống sơn cước Cao Bằng.
Hai nhà cách mạng Bích Tùng và Lý Đào là chứng nhân giai đoạn này kể chi tiết viên phi công được dẫn đến gặp ông Phạm Văn Đồng, và ông đã cho gặp Hồ Chí Minh.
Trước đó, lực lượng cách mạng trong nước được cơ sở ở Côn Minh báo về: Mỹ đề nghị nếu có phi công chiến đấu với phát xít Nhật bị nạn ở Việt Nam thì xin được cứu giúp, họ sẽ cám ơn và xin chịu mọi phí tổn...
Gặp Hồ Chí Minh, viên phi công rất mừng vì được nói chuyện bằng tiếng Anh với tinh thần cùng chống phát xít. Trong khi cán bộ chiến sĩ ở chiến khu nhiều bữa phải ăn ngô, sắn thì viên phi công được ăn no bằng xôi nếp và cơm trắng.
Chị em còn thêu chữ "Greeting" lên tấm lụa để tặng anh ta làm kỷ niệm. Sau đó, William Shaw được Hồ Chí Minh cử người đưa về phái bộ tình báo Mỹ ở Côn Minh, Trung Quốc.
Để tạ ơn và tỏ tình đoàn kết chống phát xít, người Mỹ đã gặp Hồ Chí Minh và gửi tặng một số vũ khí. Đặc biệt, hai nhà cách mạng lão thành Bích Tùng và Lý Đào kể một chi tiết phía Mỹ còn đề nghị cử một số thanh niên cho họ huấn luyện kỹ thuật hoạt động tình báo và nhảy dù để thả vào Việt Nam thu thập tin tức quân đội Nhật.
Thực hiện được điều này rất thuận lợi vì người Việt hoạt động trên đất nước mình dễ qua mặt quân phát xít hơn tình báo người Mỹ. Ngoài ra, chiến sự lúc này cũng đang có xu hướng Nhật điều chuyển quân phía Bắc Việt lên tiến đánh vùng phía Nam Trung Quốc, nơi có nhiều cơ sở quân sự Mỹ trong phe đồng minh.
Hồ Chí Minh chấp thuận đề nghị của Mỹ, và Tạ Đình Đề được lựa chọn. Lúc này, ông đã tốt nghiệp trường quân sự Hoàng Phố.
Được các chuyên gia quân sự Mỹ huấn luyện thêm kỹ thuật nhảy dù từ máy bay, ông còn học cách sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt, sử dụng thiết bị liên lạc tình báo hiện đại, bắn súng, võ thuật và cả một số lối sống thượng lưu vào thời đó như nhảy đầm để có thể hoạt động ở nội thành…
Nhảy dù thâm nhập Huế
Trong những người rất gần gũi với Tạ Đình Đề giai đoạn sau này là ông Lưu Tuấn Giao - hiện đã 80 tuổi, từng làm xưởng cao su đường sắt do chính tay ông Đề tạo nên, được xem như đứa em thân thiết của ông Đề.
Một vài lần hiếm hoi nhắc chuyện thời lửa đạn chiến chinh, Tạ Đình Đề tâm sự với Giao chuyện ông sau khi được người Mỹ huấn luyện đã nhảy dù xuống thượng nguồn sông Hương để tìm cách thâm nhập, thu thập tình hình quân phát xít Nhật ở Huế.
Mặc dù không xa xứ kinh kỳ, nhưng thượng nguồn sông Hương lúc ấy vẫn là miền sơn cước hoang vu, chỉ có bản làng người dân tộc. Cú nhảy dù êm thấm, Nhật không hề phát hiện phe đồng minh đã thả tình báo vào mạn này.
Cùng nhảy dù với Tạ Đình Đề chuyến này còn có một người Mỹ gốc Hoa. Họ thường xuyên đột nhập vào nội thành Huế để dò la tin tức quân phát xít, sau đó báo điện đài về cho phái bộ đồng minh đóng ở Côn Minh, Trung Quốc.
Nhiệm vụ chính của Tạ Đình Đề là điều nghiên hướng chuyển quân Nhật và xác định tọa độ quân sự để không quân đồng minh oanh tạc.
Trong thời gian hoạt động ở đây, ông được hai cha con người lái đò trên sông Hương tận tình giúp đỡ. Nhiều lúc chính chiếc thuyền bé nhỏ của họ đã trở thành trạm điện đài của Tạ Đình Đề. Nó di động, kín đáo và có thể hủy điện đài nhanh chóng (bằng cách thả xuống sông) nếu bị quân Nhật dò được sóng.
Tạ Đình Đề thổ lộ với Lưu Tuấn Giao rằng lúc ấy ông rất mến cô con gái người lái đò. Nhưng rồi cục diện chiến tranh nhanh chóng thay đổi.
Tạ Đình Đề tiếp tục được thả vào Sài Gòn hoạt động tình báo, sau đó trở ngược ra Bắc tham dự cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.
Về sau, ông có tìm cô gái này nhưng không còn gặp lại nữa. Chẳng biết số phận lênh đênh của hai con người bé nhỏ mà tràn đầy lòng yêu nước ấy đã trôi dạt về đâu theo dòng lịch sử…
**************
Bị Pháp treo giá "săn đầu" 5 vạn tiền Đông Dương, nhưng Tạ Đình Đề chưa bao giờ bị bắt. Thậm chí ông còn vào dò xét trong nhà viên quan năm Burnizgou ở Hà Nội.
>> Kỳ tới: Tay súng kiêu hùng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận