24/04/2024 09:53 GMT+7

Giải mã huyền thoại Tạ Đình Đề - Kỳ 11: Phiên tòa đặc biệt xử Tạ Đình Đề

Đó là buổi sáng ngày 7-6-1976. Nếu tính từ ngày bị bắt 27-11-1974 thì Tạ Đình Đề đã bị giam gần hai năm.

Thẩm phán Phùng Lê Trân, người đã tuyên trắng án và thả Tạ Đình Đề ngay tại tòa - Ảnh tư liệu

Thẩm phán Phùng Lê Trân, người đã tuyên trắng án và thả Tạ Đình Đề ngay tại tòa - Ảnh tư liệu

"Sáng ấy, không khí Hà Nội thật khác thường. Người từ các tỉnh, đặc biệt là vùng Liên khu 3 cũ ùn ùn kéo lên. Dân Hà Nội túa ra đường. Gần như toàn thể cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt nghỉ việc, dồn hết về Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để chờ gặp mặt Tạ Đình Đề và trông đợi phán quyết công bằng của tòa. Nhiều người đã hô to: "Bác Đề có tội gì? Phải thả bác ấy ra!".

Nhiều năm đã trôi qua, ông Vũ Quang Minh, người từng là cầu thủ và huấn luyện viên đội bóng Tổng cục Đường sắt dưới quyền Tạ Đình Đề, những ngày còn khỏe vẫn nhớ mãi buổi sáng đặc biệt này...

Bị cáo Tạ Đình Đề

Trước mắt ông Vũ Quang Minh, ông Đề ra tòa ở tuổi gần 60 vẫn toát nét nhanh nhẹn, tinh anh, nhưng thân thể thì tiều tụy với tóc tai bù xù, nước da xanh mét, mắt trũng sâu...

Ông Minh được ngồi ở ghế gần bị cáo, nhờ thân với một công an tại trại giam từng là thủ quân đội bóng chung với ông. Hôm ấy, một số công an dẫn giải cũng có thái độ kính nể Tạ Đình Đề. Họ hành xử chừng mực, nhẹ nhàng với ông.

Một công an còn ghé tai ông nói nhỏ mà chỉ người ngồi gần như ông Minh mới nghe được: "Bác Đề thông cảm! Trách nhiệm bọn cháu phải thi hành, nhưng thật tâm bọn cháu quý bác lắm!".

Chủ tọa phiên tòa, bà Phùng Lê Trân. Luật sư Hoàng Văn Kế biện hộ. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giữ quyền công tố đọc cáo trạng dài 17 trang truy tố Tạ Đình Đề cùng 13 bị can tội cố ý làm trái và hối lộ.

Trong đó, riêng Tạ Đình Đề can tội cầm đầu, chỉ huy đồng bọn cố ý làm trái nguyên tắc, chế độ, thể lệ về kinh tế tài chính và tổ chức kinh doanh trái phép để lập quỹ trái phép; hối lộ cán bộ, chiếm dụng thiết bị, máy móc của Nhà nước, có hành vi tham ô; sử dụng người xấu...

Ngay sau đó, luật sư Hoàng Văn Kế đứng lên phản bác tất cả. Ông phân tích nhiều số liệu trong cáo trạng dựa trên báo cáo thanh tra, mà bản báo cáo này có nhiều điểm chưa rõ ràng, không giá trị pháp lý.

Còn hành vi tham ô được luật sư phân tích rõ rằng Tạ Đình Đề đã sử dụng số tiền ấy để ở ngân hàng và chi khen thưởng, quản lý, không có cơ sở chứng minh Tạ Đình Đề tư túi đồng nào...

Đặc biệt, phiên tòa cũng trích lục công văn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Dương Bạch Liên gửi tòa để khẳng định nhiều nội dung liên quan đến bộ, đến Tổng cục Đường sắt chịu trách nhiệm, còn giám đốc Xưởng cao su đường sắt là Tạ Đình Đề không chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, một số công văn của các đơn vị khác cũng gửi đến tòa để minh oan cho Tạ Đình Đề, như Nhà máy sửa chữa ô tô Hòa Bình khẳng định được ông Đề chuyển cho bộ máy đắp lốp để phục vụ chiến trường miền Nam và Lào, không có mục đích gì sai trái ở đây.

Trả lại công lý cho người anh hùng

Phiên tòa kéo dài từ ngày 7-6 đến chiều 12-6-1976. Mỗi khi luật sư Hoàng Văn Kế phản bác một nội dung luận tội gì là nhân dân lại ồ lên hoan hô, tiếng vỗ tay rền vang từ phòng xét xử lan ra đường phố, nơi đông đảo nhân dân đang tụ tập theo dõi phiên tòa.

Ban đầu, vài chiếc loa được kéo ra ngoài cho nhân dân không có chỗ trong phòng xử án được nghe. Về sau, do nhân dân tụ tập về ngày càng đông với số lượng lên đến hàng chục ngàn người, tòa phải cho mắc thêm nhiều loa phóng thanh nữa. Một điều đặc biệt chưa từng có tiền lệ.

Ông Minh không thể quên khi tòa hỏi tại sao Tạ Đình Đề lại sử dụng nhiều đối tượng có vấn đề, lý lịch xấu, từng vào tù ra tội làm công nhân Xưởng cao su đường sắt?

Tạ Đình Đề khẳng khái trả lời: "Người ta có tội thì phải đi cải tạo, phải ở tù. Nhưng họ đã đền tội rồi, được pháp luật trả quyền công dân, thì tôi cũng có quyền được sử dụng những công dân đó. Họ phải được quyền tạo việc làm, được quyền có điều kiện sống tốt hơn để không sa vào tội lỗi cũ".

Nghe đến đây, ông Minh và nhiều người tham dự phiên tòa ứa nước mắt xúc động.

Cuối cùng cũng đến phần tuyên án, không khí căng như dây đàn khi chủ tọa Phùng Lê Trân mở đầu lời phán quyết. Bà thẳng thắn bác bỏ cáo trạng, khẳng định không có cơ sở kết tội Tạ Đình Đề. Hội đồng xét xử quyết định Tạ Đình Đề không phạm tội và tuyên bố tha bổng ngay tại tòa.

Từ phòng xét xử lan ra phố, rồi như cả Hà Nội rền tiếng vỗ tay hoan hô!

Tạ Đình Đề (người thứ hai từ phải sang) bị ốm đau và cuộc sống nhiều khó khăn sau khi bị giam giữ - Ảnh gia đình cung cấp

Tạ Đình Đề (người thứ hai từ phải sang) bị ốm đau và cuộc sống nhiều khó khăn sau khi bị giam giữ - Ảnh gia đình cung cấp

Hôm ấy, Tạ Đình Đề không thể về ngay nhà, mà được Tổng cục Đường sắt cho xe chở thẳng về quê Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội). Họ lo ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội và sức khỏe ông không tiếp nổi hàng ngàn nhân dân kéo đến hỏi thăm, chúc mừng.

12 ngày sau, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị, đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đưa ra xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Vụ án Tạ Đình Đề lại nóng lên. Người bạn Hoàng Giáp lúc này đang công tác ở Văn phòng Liên Hiệp Quốc Hà Nội, có dịp gặp gỡ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vẫn nhớ rõ Thủ tướng cũng rất quan tâm vụ án này. Ông chỉ đạo ngắn gọn nhưng rõ ràng: xem xét cẩn thận việc làm Tạ Đình Đề có lợi hay hại cho nhà nước, cho nhân dân?

Nếu có lợi mà không tham ô gì thì không lý do nào kết tội Tạ Đình Đề.

Là người trong cuộc, ông Đỗ Anh Tuấn, nguyên cán bộ tài vụ Tổng cục Đường sắt, nhớ nhiều ban, ngành đã phải tham gia xét lại vụ án này. Ông cũng được yêu cầu trả lời Tạ Đình Đề có làm thất thoát tiền nhà nước?

Ông trả lời rõ ràng không thất thoát đồng nào vì tất cả đều được đưa vào ngân hàng. Tuy nhiên, ấn tượng nhất của ông là chính một cán bộ Nhà nước cấp cao đã tổ chức cuộc họp đặc biệt với sự tham gia nhiều ban, ngành để trả lời rõ ràng vụ án Tạ Đình Đề.

Có người đề nghị họp nhạy cảm, chỉ nên triệu tập cấp trưởng, còn người khác đuổi ra. Vị cán bộ chủ trì này trả lời: "Tôi chỉ tiếc không có hội trường đủ để mời tất cả mấy chục triệu đồng bào đến dự họp".

Thẩm phán Phùng Lê Trân cũng được mời phát biểu ý kiến. Bà nói những lời mà ông Tuấn sau nhiều năm kể lại vẫn xúc động đến ứa nước mắt: "Cuộc kháng chiến của nhân dân như ngàn cân treo sợi tóc. Nhân dân không tiếc máu xương mình. Thế mà có người coi Tạ Đình Đề bồi dưỡng cho anh em bốc vác hàng hóa ở Lạng Sơn để phục vụ chiến đấu là có tội, thì chỉ những người ở lầu son gác tía mới coi việc đó là tội...".

Những lời nói như từ trái tim hàng chục triệu đồng bào! Bên dưới, vài người chết lặng, nhiều người vỗ tay. Cuối cùng đã không có phiên tòa phúc thẩm.

Công lý đã sáng tỏ, nhưng dông bão vẫn chưa dừng lại với người anh hùng. Cuộc sống Tạ Đình Đề và gia đình vẫn vô cùng khó khăn, vì ông không hề được khôi phục bất cứ chế độ gì đã đình chỉ sau khi ông bị bắt giam.

Thời điểm năm 1976 ấy ở Hà Nội, nếu không có những chế độ đời sống như tem phiếu này thì cực kỳ nghiêm trọng, mà người dân đã ví von chỉ còn nước đi ăn mày hoặc ra đứng đường.

Đặc biệt, sau đó Tạ Đình Đề lại đối diện với vụ án khác nghiêm trọng hơn nhiều: tội "phản động"...

Rất nhiều bó hoa tặng người huyền thoại

Theo dõi phiên tòa hôm ấy, có một nhân vật đặc biệt là TS Dương Thanh Biểu, nguyên phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong cuốn sách Theo dòng công lý, chính ông đã tường thuật tỉ mỉ khoảnh khắc khó quên: "Sau khi tòa tuyên án, một cảnh tượng xúc động hiện ra mà tôi chưa gặp lần nào trong đời: Rất nhiều người ào vào công kênh Tạ Đình Đề trên vai. Rất nhiều bó hoa, bông hoa tươi thắm tặng cho con người huyền thoại ấy.

Những chiến sĩ công an vừa khóa tay Tạ Đình Đề nay lại là người mở còng dẫn đầu mở lối đưa ông ra với nhân dân, đồng đội, bạn bè và người thân... Tạ Đình Đề nở nụ cười thật tươi với mọi người, hai tay vẫy chào, ánh mắt vui tươi mà thật lạ kỳ, nước mắt rưng rưng chảy dài trên gò mà nhăn nheo, vàng bệch...".

---------------------------------

Chỉ vì những câu thơ, bài vè truyền miệng ngoài đường, mà Tạ Đình Đề phải đối mặt với tội "phản động". Chính người trong cuộc điều tra vụ án này nói gì? Biệt danh Đề tú tài, tức Đề tái tù xuất hiện.

Kỳ cuối: Xử Đề, thì xử cả nhiều người dân

Giải mã huyền thoại Tạ Đình Đề - Kỳ 10: Lá đơn đẫm nước mắt của người vợ Tạ Đình ĐềGiải mã huyền thoại Tạ Đình Đề - Kỳ 10: Lá đơn đẫm nước mắt của người vợ Tạ Đình Đề

Bị giam ở Hỏa Lò để điều tra suốt hai năm từ 1974 đến 1976, vụ Tạ Đình Đề trở thành vụ án lớn nhất và được nhiều người quan tâm nhất miền Bắc thời kỳ ấy.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên