Giang hồ hỏa xa, anh hùng tình báo, chỉ huy biệt động, doanh nhân tài ba, nghi phạm phức tạp... Số phận đặt lên vai ông tất cả vinh quang lẫn tủi khổ, để rồi sau khi mất 10 năm ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết truy tặng Huân chương độc lập hạng 3.
Không chỉ vang danh miền Bắc, nhiều người từng bên Nam vĩ tuyến 17 cũng nghe tiếng tăm Tạ Đình Đề. Đặc biệt là thời kỳ ông chỉ huy biệt động thành Hà Nội đánh phá "chia lửa" với chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng sự thật phía sau huyền thoại về ông không phải ai cũng biết chính xác.
Đoàn xe lửa lừng lững rúc còi xuôi về Nam. Mấy cụ già ở phố hỏa xa Lê Duẩn, Hà Nội, xúc động nghe tôi hỏi chuyện Tạ Đình Đề.
Thời gian đã trôi qua như gió bụi cuốn sau những chuyến xe lửa, nhưng họ vẫn không nén được nỗi lòng: "Tội ông Đề! Anh hùng, danh tiếng như thế, được yêu mến như thế, nhưng đến gần nhắm mắt xuôi tay lại phải chịu nhiều ngậm ngùi! Anh ở miền Nam ra, nhìn khách quan, gắng viết tận tường, chính xác về ông ấy".
Chí trai thời chiến
Trong ngôi nhà nhỏ xập xệ, bạc thếch màu thời gian ở khu tập thể Hỏa xa Hà Nội, anh Tạ Mạnh Tiến, con trai thứ của ông Tạ Đình Đề, chuyền tôi nén hương thắp lên bàn thờ cha. Sau làn mờ khói hương, tôi lặng nhìn đôi mắt ông trên di ảnh ánh lên nét kiêu bạt của một người mạnh mẽ, từng trải, xem thường muôn sự đời.
Nhưng đó là câu chuyện của hôm nay. Ngược thời gian trở lại nửa đầu thế kỷ 20 chiến tranh bi hùng.
"Thời ấy, ông Đề kiêu hùng lắm. Dao, súng giắt ngang hông tung hoành chiến khu lẫn vùng bị tạm chiếm như lòng bàn tay...", rưng rưng lần lại tấm ảnh đã ố vàng, người chiến binh già Hoàng Giáp những ngày còn khỏe, đã xúc động hồi tưởng đồng đội mình.
Ông rất mừng khi có người muốn viết chính xác lại cuộc đời bạn tri kỷ. Nhiều chuyện truyền miệng lẫn không ít giấy bút đã viết về Tạ Đình Đề, nhưng giai thoại nhiều quá, thực thực hư hư như sương khói thời gian.
Những người cùng chiến đấu, cùng gánh chịu thăng trầm lịch sử với Tạ Đình Đề như ông luôn đau đáu trả lại sự thật cho bạn mình.
Mấy lần nhắc tôi nhớ ghi chép tỉ mỉ vì mình không nhiều thời gian kể lại nữa, người lính già Hoàng Giáp tâm sự: "Tôi chính là đồng đội Tạ Đình Đề trong thời kỳ đánh Tây kiêu hùng nhất của anh ấy.
Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi kéo pháo lên chiến trường. Anh Đề chỉ huy biệt động đánh phá khắp nơi để "chia lửa" cho Điện Biên Phủ.
Dù ở vị trí nào anh ấy cũng xứng đáng là một chiến sĩ không tiếc máu xương vì Tổ quốc mình. Quân Pháp lúc ấy nghe tiếng đội biệt động của ông Râu, tức Tạ Đình Đề, là ngán ngại lắm".
Sinh năm 1924, ông Hoàng Tấn Anh, tức Hoàng Giáp, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo binh 523, sư đoàn 304 (thời kháng Pháp gọi là Đại đoàn 304), từng tham chiến và bị thương ở Điện Biên Phủ.
Bước ngoặt lịch sử sau năm 1954, Hoàng Giáp cởi áo lính về làm thầy giáo vật lý, rồi chuyển sang làm văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Hà Nội.
Thời kỳ này, Tạ Đình Đề cũng giã từ vũ khí, làm ngành đường sắt thủ đô với rất nhiều cống hiến lẫn nỗi oan khiên cuối đời.
Là bạn thân có thể "mày tao chi tớ", nhưng ông Đề sinh năm 1917, hơn ông Hoàng Giáp 7 tuổi. Đã bao lần thắp hương viếng bạn kể từ khi bạn mình qua đời năm 1997, ông Hoàng Giáp vẫn nhớ quê Tạ Đình Đề ở làng Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).
Gia đình ông rất nghèo, có người tham gia phong trào khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám kháng Pháp. Thuở nhỏ, ông học Trường Kiêm Bị ở Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Hoàn cảnh gia đình trong thời cuộc ly loạn đưa đẩy cậu học trò thông minh này rời bút mực khá sớm.
16 tuổi, ông đã phiêu bạt sang Trung Quốc, xin vào làm Sở hỏa xa Vân Nam ở Côn Minh. Đây là tuyến đường sắt do người Pháp xây dựng nối từ Hải Phòng, Hà Nội lên vùng nhiều khoáng sản Nam Trung Quốc.
Sơn lam chướng khí và nạn giặc phỉ hoành hành đã làm nhiều phu hỏa xa thiệt mạng.
Tính cách ngang tàng, hào hiệp, coi thường danh lợi, tử sinh của Tạ Đình Đề một phần được tạo nên bởi chính tháng ngày làm việc trên cung đường sắt không có chỗ cho kẻ yếu đuối này.
Về sau ông còn học lái xe lửa, để rồi nó đã đưa đẩy cuộc đời ông vào ngã rẽ mới đầy niềm vui cũng lắm bi kịch.
Huấn luyện tình báo
Có nhiều lời kể về Tạ Đình Đề rằng trong thời ông phiêu bạt vùng sơn cước Vân Nam, được tình báo Trung Quốc và phái bộ cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ ở Côn Minh tuyển mộ, đào tạo thuần thục các kỹ năng truyền tin, bắn súng, võ thuật, sử dụng chất nổ, lái xe, phi ngựa, nhảy dù, ám sát, phá hủy mục tiêu để kháng chiến chống phát xít Nhật...
Sau Thế chiến thứ 2, quân đội Pháp tái chiếm Việt Nam, Tạ Đình Đề lại tiếp tục dấn thân theo Việt Minh kháng Pháp.
Về sau, trong các bản khai lý lịch, ông Đề có nhắc đến giai đoạn đi Trung Quốc và được các nhà cách mạng lão thành Việt Nam hoạt động ở bên đây giác ngộ.
Nhiều năm nhắc lại chuyện này, ông Hoàng Giáp mỉm cười khẳng định mình là bạn Tạ Đình Đề từ thuở học sinh và giữ liên lạc mật thiết với nhau đến tận cuối đời.
Chính miệng Tạ Đình Đề nhiều lần kể cho ông nghe ngay từ thời còn làm đường sắt Vân Nam đã được các nhà cách mạng lão thành Việt Nam bôn ba hoạt động ở vùng này giác ngộ.
Trong những người ảnh hưởng nhiều đến Tạ Đình Đề, có ông Vũ Anh, nhà cách mạng Việt Nam thời kỳ đầu.
Chính họ và Hồ Chí Minh đã cử một số thanh niên sang học các trường quân sự ở Trung Quốc.
Tạ Đình Đề được học lớp tình báo, Trường quân sự Hoàng Phố tại phân hiệu Liễu Châu.
Từng tham dự trường quân sự này còn nhiều tên tuổi khác như tướng Nguyễn Sơn, Phùng Thế Tài, Lê Thiết Hùng... Về sau, nhiều người đã trở thành đồng đội, bạn bè tâm giao với Tạ Đình Đề.
Gặp tôi những ngày còn khỏe ở Hà Nội, nhà tình báo Ba Đăng (tức Nguyễn Văn Đăng, bí danh Lê Kim) cũng xúc động kể mình hiểu rõ Tạ Đình Đề vì từng sát cánh với ông thời đánh biệt động ở Hà Nội.
Theo nhà cách mạng cao tuổi này, ông Đề bắn súng rất giỏi và điêu luyện võ nghệ. Ông từng một thời gian tham gia bảo vệ Hồ Chí Minh hồi hoạt động ở Trung Quốc và về chiến khu Việt Bắc.
Theo ông Hoàng Giáp và Ba Đăng, Tạ Đình Đề còn từng có thời kỳ tham gia bảo vệ và dẫn đường các lãnh đạo trung ương khác như Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng...
Ông có giấy chứng minh học trường quân sự ở Trung Quốc, nên đi lại dễ dàng tại vùng biên giới Trung - Việt thời kỳ còn do lực lượng này kiểm soát.
Hồi tưởng người cha mình, anh Tạ Mạnh Tiến cũng kể ông từng tâm sự việc gần gũi Bác Hồ: "Tính ông Cụ (Bác Hồ) giản dị lắm. Có điếu thuốc, thức ăn gì cũng chia anh em, trong khi ông cụ thường chỉ ăn rau rừng luộc và một tí đồ mặn trong ống tre".
Chính thời gian kháng chiến hào hùng này đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời Tạ Đình Đề, một cuộc đời trượng nghĩa, kiêu hùng và không màng danh lợi, không sợ thiệt thân.
******************
Học tình báo Mỹ, nhảy dù xuống thượng nguồn sông Hương... Sự thật thế nào phía sau huyền thoại Tạ Đình Đề này?
>> Kỳ 2: Nhảy dù sông Hương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận