Phiên bản chiếc bình quốc bảo tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tại Bảo tàng Hải Dương - Ảnh: Thái Lộc |
Kỳ 1: Từ bức thư của một người Nhật
Từ đây, giới khảo cổ học đã phát hiện được một dòng gốm của Việt Nam phát triển rực rỡ, gần như chiếm vị trí độc tôn trên thị trường thế giới trong hai thế kỷ 15 và 16. Những câu chuyện bất ngờ nối tiếp bất ngờ...
Câu chuyện thật mà cứ như đùa khi một dòng gốm có thành tựu rực rỡ của Việt Nam bỗng biến mất tăm không một dấu vết. Chẳng ai từng biết dù chỉ một con chữ hay hình ảnh tượng trưng mà các sử gia của các triều đại phong kiến Việt Nam ghi lại.
Bỗng bất ngờ, một bức thư đến từ một cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam kể về câu chuyện tình cờ được chiêm ngưỡng một tuyệt tác là chiếc bình gốm vẽ lam ở Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ, và được ghi chú thích là gốm Trung Quốc. Bức thư ấy khởi đầu cho một phát hiện khảo cổ lớn về dòng gốm tưởng chừng mất dạng này.
Từ 13 chữ Hán “trêu ngươi”
Có lẽ ngày 10-6-1980 sẽ bình thường như bao nhiêu ngày tháng khác nếu như hôm ấy không có một lá thư từ cán bộ ngoại giao người Nhật Bản gửi cho ông Ngô Duy Đông - bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên hiện tại) với một sự yêu mến và quan tâm sâu sắc mà ông dành cho Việt Nam.
Nội dung của bức thư ấy đã trở thành dấu mốc lịch sử rất quan trọng đối với ngành gốm sứ Việt Nam, khởi đầu cho một cuộc “ngược dòng” lịch sử tìm về với một giai đoạn biến cố với biết bao thăng trầm bị lãng quên. Sẽ thật thiếu sót nếu như không giới thiệu bức thư này đến bạn đọc.
“Kính gửi: Ông Ngô Duy Đông - bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng.
Thưa ông, tên tôi là Makoto Anabuki, hồi trước là bí thư thứ hai của Đại sứ quán Nhật Bản, nay là cán bộ ngoại giao Nhật Bản tại Tokyo. Trước hết, tôi xin kính chúc tỉnh Hải Hưng đang phát triển mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp, nhất là ao cá Bác Hồ, đem lại hiệu quả kinh tế cao và sản xuất rau cải được tăng lên.
Hôm nay tôi xin nhờ sự giúp đỡ của ông về việc sau đây:
Từ trước đến nay tôi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nói chung, đồ gốm cổ Việt Nam nói riêng. Gần đây, tôi mới biết là Viện Bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bảo tồn một lọ hoa lam Việt Nam đã được sản xuất từ Việt Nam hồi thế kỷ XV, thế kỷ XVI. Lọ ấy mang chữ Hán như sau: Thái hòa bát niên Nam Sách châu tượng nhân Bùi Thị Hý bút. Mười ba chữ Hán nói trên có nghĩa là: Năm 1450, một người thợ tên là bà (cô) Bùi Thị Hý ở Nam Sách châu vẽ hoa văn trên lọ.
Theo tôi biết thì thời Việt Nam thuộc nhà Minh, chia nước Việt Nam thành 17 phủ (tổ chức hành chính), trong đó có Lạng Giang phủ. Lạng Giang phủ có ba châu là Lạng Giang châu, Thượng Hồng châu và Nam Sách châu. Trong Nam Sách châu có ba huyện là Thanh Lâm huyện, Chí Linh huyện và Bình Hà huyện. Có nghĩa là phạm vi của Nam Sách châu hồi đó là trung phần và bắc phần của tỉnh Hải Dương.
Dưới thời vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ) thì chia Việt Nam thành năm đạo (Đông, Bắc, Tây, Nam, Hải Tây). Dưới thời Lê Nhân Tông thì tổ chức hành chính như thế nào, chúng tôi không có tư liệu để điều tra. Có lẽ không thay đổi tổ chức hành chính của hồi Lê Thái Tổ, vì lúc vua Lê Nhân Tông tức vị mới được 2 tuổi.
Dưới thời Lê Thánh Tông thì đặt 12 đạo, trong đó có Nam Sách đạo và sau năm 1490, vua đó đã cải biến tổ chức hành chính và Nam Sách đạo đã trở thành Hải Dương xứ. Vậy tôi muốn biết thời Lê Nhân Tông có Nam Sách châu không? Ở đâu? Bà (hay là cô) Bùi Thị Hý là người như thế nào?
Học kỹ thuật vẽ trên gốm ở đâu? Hồi đó sản xuất gốm (lò gốm) đặt ở đâu? Điều này rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử thủ công nghiệp và vai trò của đàn bà nói riêng.
Xin ông chỉ thị cho những chuyên gia nghiên cứu 13 chữ Hán nói trên và nếu có kết quả thì xin cho tôi biết qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội (hộp thư số 49 Hà Nội). Hơn nữa, nếu được thì xin giới thiệu cho tôi những chuyên gia khảo cổ học và mỹ thuật, nghệ thuật ở tỉnh Hải Hưng để trao đổi ý kiến với nhau.
Xin cảm ơn ông!
Nay kính.
Một góc làng Chu Đậu ngày nay - Ảnh: Thái Lộc |
Đến một vùng gốm bị lãng quên
Câu chuyện về bức thư khiến nhiều người ở tỉnh Hải Hưng thời bấy giờ lấy làm kinh ngạc. Bởi vì thông tin về chiếc bình hoa lam tuyệt đẹp, thuộc hàng quốc bảo từ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ xa xôi, nó quý giá đến mức được mua bảo hiểm hàng triệu USD, được ghi chú là gốm Trung Quốc, nay có thông tin được sản xuất ở “tỉnh mình”.
Trong thời điểm đó, thông tin ấy được lan rộng ra nhiều ban ngành của tỉnh, người ta kháo nhau trong niềm hi vọng xen lẫn tự hào.
Chính quyền tỉnh Hải Hưng bắt đầu đề ra công việc truy tầm nơi sản xuất bình gốm ấy. Huyện Nam Sách được khoanh vùng và được cố gắng làm rõ có phải là châu Nam Sách ghi trên bình gốm quý giá hay không.
Càng tìm kiếm thông tin về gốm hoa lam tương tự chiếc bình mà ông Anabuki viết trong thư, những nhà chuyên môn của tỉnh Hải Hưng ngơ ngác khi không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã phát hiện và đang trưng bày dòng gốm này như chiếc tàu đắm ở Philippines, bảo tàng quốc gia ở Indonesia, bộ sưu tập tư nhân gần 400 món ở Hà Lan, kết quả nhiều cuộc khai quật ở Nhật Bản, Hàn Quốc, hay ở Anh, Mỹ, Pháp...
Trước những thông tin có được, ông Tăng Bá Hoành, lúc đó đang là trưởng ban thông sử của Tỉnh ủy Hải Hưng, được ông bí thư tỉnh ủy giao trọng trách đi tìm xuất xứ chiếc bình gốm mà ông Anabuki viết trong bức thư.
“Phải nói là được giao nhiệm vụ mà như mò kim đáy biển, chẳng có thông tin gì để dựa vào đó làm cơ sở khởi đầu” - ông Hoành nhớ lại.
Sau khi xác định trong lịch sử Việt Nam có ghi lại Nam Sách châu, chính là huyện Nam Sách bây giờ, công cuộc tìm kiếm cũng được ông Hoành bắt đầu.
Tuy nhiên, các tài liệu lại không ghi lại thông tin tại đây có nghề làm gốm chứ chưa nói đến việc tạo cả một tuyệt tác gốm quý giá.
Trong một ngày tỉnh Hải Dương trở rét, ngồi trong ngôi nhà từng đón không biết bao nhiêu chuyên gia trong và ngoài nước yêu thích và nghiên cứu gốm Chu Đậu, ông Tăng Bá Hoành đôi tay xoa vào nhau để giảm bớt cái lạnh kể câu chuyện tìm kiếm gốm Chu Đậu trong vô vọng.
Cứ hình dung việc tìm kiếm một ngôi nhà có địa chỉ rõ ràng trong phố cổ Hà Nội thôi cũng khiến những ai lần đầu tiên đến Hà Nội dù có bản đồ trong tay cũng vô cùng vất vả bởi ngõ ngách như một mê cung là chúng ta có thể hiểu được cả một huyện Nam Sách rộng lớn.
Thật ra, trước khi có được bức thư ấy, tại làng Chu Đậu, người dân trong lúc đào móng cũng đã phát hiện rất nhiều hiện vật đồ gốm nhưng chẳng ai biết đây là gốm gì và chẳng ai quan tâm tới những phế phẩm không sử dụng được này.
Mọi thứ bị bỏ qua, bởi làng Chu Đậu chỉ có duy nhất nghề làm chiếu cói được lưu truyền, cho đến những năm 1980 vẫn còn được nhiều người kế thừa như một kế mưu sinh của người dân trong làng...
__________
Kỳ 2: Bất ngờ ở “thánh địa” Nam Sách
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận