1-Vừa xuất hiện triệu chứng lạ- “ngón chân Covid”. Đám corona quả thật khó đoán ...
-SARS-CoV-2 lại tung thị phi, hết mất mùi, điếc lưỡi, mắt đỏ, da đen như hắc ín, giờ lại đến ngón chân covid - “nickname” ngón chân bị nguyên combo sưng/tím/lở/đau. Hơi hướm giống triệu chứng tím đầu chi, hội chứng Raynaud do co mạch, thiếu oxy máu... Triệu chứng này nhẹ, và hầu như chỉ có giá trị đánh động, thay các ca không triệu chứng. Dự là SARS-CoV-2 còn chọc ngoáy dư luận dài dài, nhưng hầu hết là nhiễu sự. Quan tâm nhưng đừng chạy theo, kẻo ốm người vì chiêu trò của corona.
2- Có tin trai nước người rủ nhau đi...đông lạnh tinh trùng, vì sợ tiệt giống vì corona.
-Có lẽ từ tin tìm thấy corona trong tinh dịch, SARS-CoV-2 “trai tứ chiếng gái giang hồ” với HIV, mới sinh chuyện bảo toàn giống má như vậy. Quai bị là gương tày liếp về virus hại đời trai, với biến chứng viêm tinh hoàn, hỏng chuyền sản xuất tinh trùng. SARS-CoV-2 và quai bị chung đường lây giọt bắn, nhưng gây hại “bộ nối dõi” thì không hề. Virus có thể xuôi dòng lân la xa xa, nhưng giở trò nơi bến đậu được hay không tùy nhiều thứ, số một là thụ thể.
3- Tin toát mồ hôi là corona nghi ngờ có liên quan đến các ca đột quỵ do máu đông, cả ở người trẻ tuổi...
-Cục máu đông ra lò từ 3 bất thường dòng chảy/ thành mạch/ yếu tố đông máu. Nằm liệt, co ép làm đình trệ dòng chảy, mở đường vón cục máu. Mảng xơ vữa thành mạch tróc ra, thành “nhân” cho huyết khối. Lộn xộn tiểu cầu, sợi huyết, cung cấp nguyên liệu cho cục máu đông. Kiểu gì thì cớ sự cần thời gian tích tụ, nên khó nói SARS-CoV-2, trong chóng vánh, lại là tác giả cục máu đông. Khả dĩ, nên gọi thêm yếu tố bệnh nền vào chung vành móng ngựa. Chọn bệnh án: bệnh nhân trẻ corona (+)/ có vấn đề tiểu cầu ẩn / bất động dài ngày/đột quỵ vì huyết khối, sẽ dễ ăn nói hơn là đổ riệt cho mình SARS-CoV-2.
4-Hút thuốc lá có khỏi corona nhanh? Tôi là “ống khói tàu”, không biết có hưởng sái?
-Lại là nghiên cứu thiếu hơi, dựa vào thống kê người hút thuốc ít mắc, hoặc mắc corona nhẹ hơn người khác. Người ta đang gắng “phong thánh” nicotine, với khả năng chặn virus xâm nhập tế bào, phá bão cytokine-cơn miễn dịch nổi điên phá hủy đa cơ quan, cầm chắc tử vong của SARS-CoV-2. Nhận ra ngay sự “nói lấy được”. Nicotine bá đạo vậy, sao mãi giờ mới “đại nghĩa diệt thân”? Có chói không khi lá phổi ám khói lại qua truông với một căn bệnh hô hấp, giỏi hơn cả người phổi sạch?
5-Liên tiếp mấy ca (-) rồi (+) trở lại, làm dân tình lo lắng về chuyện lây nhiễm ...
-Bỏ qua rắc rối về nguyên cớ, điều quan tâm chí tử là người tái (+) có lây nhiễm không? Nguồn lây kiểu này, nếu có, là đáng lo bởi dáng bộ “hoàn lương” của nó khi quay về cộng đồng. Tựu trung, cần xét xem corona “welcome back” kiểu nào, đủ hồn lẫn xác hay chỉ ít đầu mình tứ chi phập phù? Đơn giản, cứ nhón một ít virus cho vào đĩa nuôi cấy, hoặc ba mặt một lời với các chỉ số kháng nguyên/kháng thể. Lấy HBV minh họa. Khác HBsAg/anti-HBs, HBeAg/anti-HBe là tiếng nói riêng của tình trạng virus tái hoạt, nhân lên và lây nhiễm. HBeAg(+) /anti-HBe (-) càng sâu thì độ lây càng cao.
Người lành mang trùng là vật chủ mẫu cho trò “lá mặt lá trái” của virus. Phần lớn thời gian chúng nằm im chịu phép, nhưng bất kỳ lúc nào, khi cơ thể có biến, là biết tay đám nằm vùng này.
Tình hình SARS-CoV-2 y vậy, cần quyết xem virus hồi quy kiểu gì, có phải tái hoạt, và tái hoạt rồi thì có đủ nhân lên để lây nhiễm không? Nhiều trường hợp, virus chỉ loạn ẩu trên phiếu xét nghiệm, nhưng lại nhũn chi chi, không đủ cơ phát bệnh hay lây nhiễm . Trước mắt các ca tái (+) còn ít. Không may, nếu nguồn lây “dai như đĩa” này rộ lên, vẫn có cách đối phó, bổ sung kế hoạch hậu cách ly, xét nghiệm vớt… Để rồi xem, chuyện (-) sang (+), rồi (+) lại hoàn (-) hoàn toàn có thể xảy ra với tay thủ đoạn như SARS-CoV-2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận