1- Coi TV thấy mấy ông Tây không chịu đeo khẩu trang, nói lý là họ không bệnh nên không đeo. Nghĩ sao đây ạ?
-Có thể nước ngoài quan niệm SARS-CoV-2 không hơn cúm mùa; có thể trong mắt dân Tây, lùm lùm khẩu trang trên mũi trông phát bệnh... Từ cái lý này, chính là họ gián tiếp không công nhận khẩu trang chặn được lây nhiễm từ ngoài. Mâu thuẫn từ “vòng gửi xe” ở chỗ này. Khẩu trang đâu có lắp van một chiều, nếu nó chặn được giọt bắn từ trong ra, sao lại không ngăn được từ ngoài vào?
2-Mới nổi thêm khẩu trang vải kháng khuẩn. Đủ loại, nhưng chủ yếu có “dừa đủ xoài” không?
-Cự lại SARS-CoV-2, tựu trung, cái bịt miệng dựa vào hai thế tấn là chất liệu và kháng khuẩn. Khẩu trang y tế xài vải không dệt, còn khẩu trang mới dùng vải tẩm kháng khuẩn. Một đằng chẹn cửa, một đằng he hé nhưng mác dao chờ sẵn. Kiểu gì cũng hay, miễn có sao nói vậy và xài cho đáng. Theo lý, qua 10-20 lần giặt thì khả năng kháng khuẩn chỉ còn 60-70%. Đây là tính cữ giặt cho mỗi lần dùng, còn nếu tuần giặt một lần cho đỡ khấu hao, thì có đeo cũng bằng không!
3-Có thông tin thời gian ủ bệnh của SARV-CoV-2 đến 24 ngày. Nếu đúng thế, thì lâu nay chúng ta bị corona “lừa” về thời gian cách ly?
-14 ngày là dựa trên thời gian ủ bệnh tối đa theo “thông tục” của hầu hết virus. Với SARS-CoV-2, người ta có tham khảo hai bậc cha chú- SARS /2002 và MERS/2012. Thực tế cho thấy, đến giờ, corona chưa xé bỏ “hương ước” về thời gian ủ bệnh. Thông tin 24 ngày cần được kiểm chứng, nhưng nếu có, thì ít hơn hay lâu hơn,
không gì lạ. Bệnh dại, nổi tiếng, có thời gian ủ bệnh có khi lên đến 2 năm. Đa phần được xem như “phút xuất thần” của số ít cá thể, không lấy làm đại diện.
4- Tin thuốc này thuốc kia chữa khỏi corona cứ “trăm hoa đua nở”. Cái nào cũng bảo là “cứu tinh nhân loại”, nhưng lao đao vẫn hoàn lao đao...
-Tình hình lửa bỏng, buộc người ta phải gọi lại các “cựu binh” trong việc tìm thuốc trị corona. Loạt cái tên tái ngũ như chloroquine (sốt rét), ritonavir/lopinavir (HIV), interferon beta-1b (HBV, HCV), đặc biệt là remdesivir... Nhìn có vẻ “chết đuối vớ cọng rơm”, nhưng đây đều là những loại thuốc kháng virus, giảm triệu chứng, giảm tử vong sừng sỏ, đã qua thử lửa, có loại từng tỉ thí với chủng tương đồng SARS-CoV-2. Tuy vậy, đa phần hiệu quả chỉ mới ở mức nhỏ lẻ, chưa có vị nào xứng “thế thiên hành đạo” với SARS-CoV-2 thời điểm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận