Ẩn trong những bức tường thành cổ là một Jerusalem trung tâm thu hút khởi nghiệp sáng tạo, thông qua chương trình và chính sách hỗ trợ từ chính quyền thành phố - Ảnh: THANH TRỰC
Trong những ngày ở Israel, tôi đã đến những khu công nghệ, vườn ươm khởi nghiệp, tôi được gặp các startup đã trở thành 'kỳ lân' (unicorn), và những startup ở giai đoạn đầu thành lập, tất cả đều nhắc đến sự hỗ trợ thực tiễn và đồng bộ của Chính phủ Israel trong vai trò tạo lập nền tảng bệ phóng cho các startup, và các thành phố như Jerusalem hay Tel Aviv xây dựng để startup tiếp cận dễ dàng nhất các nguồn tài nguyên địa phương. Vậy thực tế Chính phủ Israel, hay các thành phố này đã làm gì?
Bệ phóng Jnext
Trả lời cho câu hỏi trên của tôi có thể dẫn chứng cụ thể bằng một chương trình mang tên Jnext do Bộ Jerusalem và Di sản phối hợp cùng Hội đồng thành phố Jerusalem và Cơ quan phát triển Jerusalem phát động, và tốt hơn hết là tìm đúng người liên quan để nói về nó. Tôi được hẹn gặp ngài Đại sứ Ran Ichay, Chánh văn phòng Di sản và Jerusalem.
Đại sứ Ran Ichay, Chánh văn phòng Jerusalem và Di sản, tự hào nói về những gì mà Jnext đã góp phần giúp hệ sinh thái khởi nghiệp ở Jerusalem phát triển vượt bậc trong 5 năm qua, góp phần vào phát triển chung, hình thành quốc gia khởi nghiệp Israel - Ảnh: THANH TRỰC
Giới thiệu về Jnext, đại sứ Ran Ichay cho biết, Jnext là một sáng kiến từ nguồn kinh phí công nhằm mục đích phát triển môi trường công nghệ và biến thành phố Jerusalem thành một thỏi năm châm thu hút các nhà sáng lập startup khởi nghiệp và phát triển công ty của họ. Để làm điều này, chúng tôi hỗ trợ các nền tảng liên doanh sáng tạo, các hoạt động về công nghệ ở khắp trong thành phố, gắn kết chặt chẽ giữa ngành công nghiệp với trường đại học, và trực tiếp giúp đỡ các công ty trong giai đoạn đầu khởi nghiệp và khi họ mở rộng quy mô trong thành phố.
Từ năm 2012-2017, Bộ Jerusalem và Di sản đã đầu tư 20 triệu USD vào chương trình Jnext để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Jerusalem, và trong kế hoạch 5 năm tiếp theo (2017-2022), số tiền đầu tư tăng lên gấp 5 lần, 100 triệu USD
Đại sứ Ran Ichay
Đi vào chi tiết hơn, chương trình Jnext có nhiều hoạt động triển khai toàn diện trong thành phố Jerusalem, trong đó, việc đầu tiên là phát triển và củng cố môi trường kinh doanh ở Jerusalem, biến thành phố thành nơi tập trung thu hút các công ty công nghệ cao và khoa học đời sống.
Để thu hút các công ty startup công nghệ cao và công nghệ sinh học theo mục tiêu trên, Jnext cung cấp một khoản trợ cấp cùng các ưu đãi về tài chính cho các công ty thuộc hai nhóm này. Các công ty công nghệ có thể nhận được khoản trợ cấp tối đa 175.000 USD, và khoản tài trợ cho nhóm công ty khoa học đời sống có thể lên đến 1 triệu USD. Chưa hết, không chỉ startup mà Jerusalem còn muốn thu hút các tập đoàn lớn liên quan nhóm ngành này bằng việc đưa ra các khoản ưu đãi về tài chính như thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ ở mức 7,5% khi được thông qua.
Khi được hỏi về khoản đầu tư mạo hiểm ở giai đoạn đầu này, Đại sứ Ran Ichay cho biết tỉ lệ các startup thành công rất thấp và khoản đầu tư có thể là khoản thua lỗ, nhưng các nhóm trong Jnext mà đặc biệt là các nhà khoa học trưởng (chief scientist) cùng phối hợp với nhau để hạ thấp tỉ lệ thất bại, theo dõi sát sao việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả của startup. Kinh phí đã đầu tư vào các startup ở Jerusalem tăng từ 55 triệu USD (2012) lên 250 triệu USD (2017). Và các startup thất bại hầu hết luôn tự đổi mới mình và tiếp tục khởi nghiệp. Vai trò của chính phủ rất quan trọng với những chính sách hỗ trợ cụ thể.
Bên cạnh đó là sự hiện diện đông đảo của các quỹ đầu tư ở nhiều cấp độ, từ JVP (Jerusalem Venture Partners) có mật độ đầu tư trong nhóm hàng đầu, Jumpspeed Ventures tìm kiếm đầu tư các công ty nhỏ, hay Fresh.fund thường nhắm vào startup của sinh viên, và đặc biệt là có sự góp mặt của nền tảng đầu tư cộng đồng OutCrowd.
Nhà khoa học trưởng: họ là ai?
Tôi không có cơ hội gặp trực tiếp một nhà khoa học trưởng nào từ Hội đồng khoa học trung ương để hiểu rõ hơn là một điều đáng tiếc, nhưng qua các thông tin trao đổi với startup, và các nhà quản lý thì hiểu rằng họ là những tên tuổi đầu ngành hàng giáo sư tiến sĩ khoa học, có kiến thức chuyên sâu về kinh tế, quy trình đầu tư chiến lược lẫn công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp và cách nó vận hành. Họ rất năng động và chủ động.
Những giáo sư, nhà khoa học đoạt các giải thưởng Nobel, giải Fields (Toán học), giải Turing trong khoa học máy tính... qua các năm được vinh danh tại ĐH Hebrew. Họ đóng góp rất nhiều trong sự xây dựng và phát triển văn hóa khởi nghiệp, sáng tạo, đổi mới tại Israel - Ảnh: THANH TRỰC
Các nhà khoa học trưởng mang nhiệm vụ hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp khoa học và công nghệ dựa trên tri thức tại Israel, thúc đẩy kinh doanh và đổi mới. Họ không phải là các bộ trưởng, họ đóng vai trò rất quan trọng và là cánh tay đắc lực trong việc cố vấn và phê duyệt các dự án đầu tư lĩnh vực liên quan, đặc biệt là startup, cho Bộ ngành và Chính phủ Israel.
Các nhà khoa học trưởng có đội ngũ tư vấn là các chuyên gia từ những trường đại học, học viện, viện nghiên cứu của Israel. Họ nghiên cứu tập trung ưu tiên các ngành nghề mà quốc gia đang cần hoặc sẽ cần đến, và thẩm quyền phê duyệt đầu tư từ kinh phí của chính phủ cho các startup phù hợp.
Môi trường của những mối liên kết vững chắc
Quay trở lại với Jnext, khi có sự hiện diện của các tập đoàn lớn về công nghệ cao và công nghệ sinh học, môi trường nhân công kỹ thuật cao, nghiên cứu và khởi nghiệp liên quan sẽ được thúc đẩy.
Bước tiếp theo, Jnext tạo ra các kênh khác nhau để hỗ trợ startup, kết nối họ với những viện nghiên cứu và cộng đồng khoa học gia, thúc đẩy nguồn nhân lực tay nghề, và trợ giúp startup kiếm văn phòng hoặc các không gian làm việc chung (co-working space).
Bệ phóng Jnext đã thúc đẩy từ con số 150 công ty trong năm 2012, tăng lên 570 công ty công nghệ cao và khoa học đời sống đang hoạt động tại Jerusalem năm 2017. Thành phố cũng thu hút được 16 quỹ đầu tư và các quỹ đầu tư tư nhân, 18 vườn ươm, phòng nghiên cứu phát triển và không gian làm việc chung
Bộ Jerusalem và Di sản
Jnext với sự hỗ trợ của thành phố tạo lập một môi trường liên kết trong hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó, vai trò của những startup thành công, các nhà sáng lập, các doanh nhân và những nhà khoa học trưởng, cố vấn được đẩy lên cao. Họ sẽ là những người hướng dẫn, chia sẻ và thậm chí có thể là nhà đầu tư vào các startup mới.
Thành phố Jerusalem tổ chức đến 350 sự kiện sáng tạo đổi mới, hội thảo khoa học và các hoạt động cộng đồng như hackathon liên quan công nghệ trong năm 2017. Và chúng thật sự hữu ích cho các startup, tạo dựng mối quan hệ giữa những nhà sáng lập (founder) với các doanh nhân giàu kinh nghiệm cùng những đại diện quản lý thành phố, tất cả cùng làm việc với nhau để tìm ra những nhu cầu và thách thức để phát triển trong tương lai. Và cũng theo đó, những chương trình được đồng tổ chức và thực thi cùng nhau.
Văn hóa trao đổi cởi mở và năng động góp phần tạo ra mối liên kết hỗ trợ khởi nghiệp. Ảnh chụp tại Công viên công nghệ Jerusalem - Ảnh: THANH TRỰC
Thông tin trên đúng với những gì anh Daniel Miler, đồng sáng lập InfiniGrow mà tôi gặp ở một không gian làm việc chung tại thành phố Tel Aviv đã chia sẻ ở phần 2, khi anh có thể nhận được sự giúp đỡ từ các giám đốc điều hành, doanh nhân giàu kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn dễ dàng hơn bởi văn hóa chia sẻ cởi mở và gắn kết tại Israel.
Tôi hình dung bức tranh tổng thể của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Israel là một bệ phóng vững chắc theo thế kiềng 3 chân gồm: Giáo dục (các trường đại học, viện khoa học, phòng nghiên cứu - thí nghiệm) - Môi trường đầu tư - Môi trường Khoa học công nghệ phát triển với các chính sách hỗ trợ. Trong đó, chính sách hỗ trợ từ chính phủ xuyên suốt từ địa điểm văn phòng, tài chính (thuế, đầu tư), kết nối (nhà đầu tư, chuyên gia). Thành tựu đạt được là sự phát triển khoa học công nghệ trải rộng nhiều lĩnh vực, từ công nghệ quốc phòng hiện đại, công nghệ an ninh mạng, công nghệ xe và vũ trụ, công nghệ sinh học khử mặn nước biển thành nước dùng sinh hoạt, hay nông nghiệp công nghệ cao đã xuất khẩu ra nhiều nước bao gồm Việt Nam.
Vậy quay ngược về môi trường giáo dục tại Israel, điều gì đã thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường khi hầu hết startup đều đến từ mái trường đại học - cao đẳng?
* Phần cuối: Văn hóa khởi nghiệp và giải đáp kỳ lạ từ trường Đại học Hebrew - Mời bạn đọc đón xem trên congnghe.tuoitre.vn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận