TT - Sau tám năm ra mắt, Giai điệu mùa thu(GÐMT)- chương trình nghệ thuật giới thiệu các tài năng hàn lâm trẻ của VN - sẽ "sang trang" từ năm nay với nhiều thay đổi và hướng đi mới.
Phóng to |
Diễn viên Minh Tú (vai Lọ Lem) và Đức Nhuận (vai hoàng tử) tập vũ kịch Cô bé Lọ Lem với sự hướng dẫn của biên đạo múa đến từ Na Uy Johanne Jakhelln Constant và biên đạo Nguyễn Phúc Hùng - Ảnh: Gia Tiến |
Về tổng thể, GÐMT 2013 sẽ không còn là một chương trình mà "lên đời" thành một liên hoan nghệ thuật với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ chuyên nghiệp trong nước và quốc tế ở lĩnh vực nhạc giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch. Và cũng kể từ năm nay, Liên hoan GÐMT sẽ được tổ chức hai năm một lần.
Là một liên hoan nên GÐMT 2013 cũng "dài hơi" nhất từ trước đến nay với bảy đêm diễn bán vé (20g30 từ ngày 16 đến 22-8 tại Nhà hát TP.HCM) và một đêm Giai điệu trẻ miễn phí cho học sinh - sinh viên vào ngày 25-8 cũng tại Nhà hát TP. Ngoài các đêm diễn nghệ thuật, liên hoan còn tổ chức hai buổi tọa đàm về âm nhạc và múa cho sinh viên và công chúng quan tâm tại Nhà văn hóa Thanh niên và Trường Múa TP, hai lớp học nâng cao (master class) về piano và chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện TP và rạp Thanh Vân.
Tuần lễ thần tiênVới những ai yêu mến nghệ thuật hàn lâm, từng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp xúc, thưởng thức và trình diễn những bộ môn nghệ thuật này thì những hoạt động suốt bảy ngày kể trên thật là... thần tiên.
Bên cạnh hai buổi tọa đàm và hai lớp học nâng cao, GÐMT 2013 có một lịch diễn thật phong phú với nhiều nghệ sĩ tài năng và tác phẩm đỉnh cao. Ngoài các nghệ sĩ cơ hữu của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), còn có sự tham gia của hai tài năng trẻ piano Trần Diệu Linh, Trần Diệu Ân (đang ở Nga, trình diễn đêm 16-8), Bùi Công Duy và nhóm Hanoi Ensemble (17-8), bảy tài năng trẻ của Nga thuộc Quỹ Tài năng trẻ Vladimir Spivakov (19-8), biên đạo múa gạo cội người Na Uy Johanne Jakhelln Constant (20-8), nghệ sĩ piano nổi tiếng người Ðức Hinrich Alpers (21-8), nhạc trưởng tài năng người Ðức Christina Schumann (22-8)...
"Ðiều chúng tôi muốn hướng đến trong một liên hoan là ngoài việc biểu diễn những tác phẩm kinh điển, những tác phẩm quốc tế, chúng ta phải giới thiệu được đến công chúng những tác phẩm của chúng ta, những tác phẩm mang hơi thở của thời đại" - nhạc trưởng Trần Vương Thạch bổ sung. Và trong liên hoan GÐMT lần này, ngoài tác phẩm Trở về đất mẹ (Nguyễn Văn Thương) mở màn cho mỗi mùa GÐMT, còn có tổ khúc dân ca VN Dòng chảy của Trần Mạnh Hùng, có vở múa đương đại Chạm tay vào quá khứ của biên đạo Phúc Hùng, Phúc Hải (18-8)...Mơ thành liên hoan quốc tế
Chừng ba năm về trước, những chương trình cổ điển như GÐMT luôn trầy trật bán vé. Nhưng hôm nay một số chương trình của HBSO tuyên bố "cháy vé". "Ðể được như vậy, chúng tôi không chỉ "nuôi quân" để có những đêm diễn chất lượng mà còn có những hoạt động tìm đến những khán giả tương lai để "nuôi" lượng khán giả cho riêng mình" - nhạc trưởng Trần Vương Thạch bộc bạch. Một trong những hoạt động hiệu quả nhất là xây dựng nên chương trình Giai điệu trẻ suốt hai năm qua (miễn phí cho học sinh - sinh viên vào ngày 29 mỗi tháng), được nhận đề cử giải Cống hiến 2012. Ðến với Giai điệu trẻ, khán giả không chỉ được xem trình diễn mà còn được nghe những diễn giải, hướng dẫn cách "nghe" nhạc cổ điển, được cung cấp rất nhiều kiến thức về các bộ môn nghệ thuật hàn lâm một cách trực quan, sinh động.
Vé mời các buổi hội thảo, lớp học nâng cao (master class) và chương trình Giai điệu trẻ ngày (25-8) được phát miễn phí tại Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên - SAC (33 Nguyễn Thị Minh Khai Q.1, TP.HCM). Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh - trưởng phòng tổ chức biểu diễn HBSO - cho biết một kế hoạch hấp dẫn: "Hai lớp học nâng cao về piano và chỉ huy lần này, chúng tôi sẽ cho các bạn tập chỉ huy cả dàn nhạc ngay tại địa điểm thường tập của chúng tôi là rạp Thanh Vân và những bạn thực hành tốt sẽ được mời lên chỉ huy trong chương trình Giai điệu trẻ vào ngày 25-8 luôn". |
Trong khi đó, biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng - người từng dàn dựng thành công rất nhiều vở múa cho HBSO - tâm sự: "Chúng tôi cũng xây dựng một chương trình biểu diễn gần gũi, từ dễ đến khó cho các khán giả của mình. Ví dụ như với đêm balê trong GÐMT năm nay (20-8), chúng tôi chọn Cô bé Lọ Lem - một tác phẩm nước ngoài quen thuộc với hầu hết người VN - để giới thiệu thay vì một tác phẩm tương đối mới lạ được đối tác Na Uy đề xuất. Có như thế khán giả mới chịu khó đến rạp".
Riêng nhạc trưởng Trần Nhật Minh lại tiết lộ về buổi tọa đàm lúc 15g ngày 20-8 tại Nhà văn hóa Thanh niên: "Tôi, nghệ sĩ violon Bùi Công Duy, nhạc trưởng Christian Schumann, nghệ sĩ piano Hinrich Alpers sẽ có buổi trò chuyện không chỉ về nhạc cổ điển mà còn về chuyện đời, chuyện nghề. Chúng tôi, những nghệ sĩ cùng thế hệ, cùng ngành nghề nhưng ở những môi trường khác nhau - người ở TP.HCM, người tại Hà Nội, người ở Ðức - sẽ có những thuận tiện và khó khăn gì, có những trăn trở hay mơ ước gì? Tôi nghĩ hẳn nhiều khán giả cũng muốn biết".
Sự chuẩn bị, "bọc lót" khá kỹ càng cho liên hoan GÐMT năm nay là để chuẩn bị cho GÐMT 2015. Nhạc trưởng Trần Vương Thạch nói: "Ðã có một vài dàn nhạc, đoàn múa nước bạn đánh tiếng tham gia liên hoan lần này với chúng tôi nhưng do là lần đầu tiên, lại khá cập rập nên chúng tôi đành hẹn lại vào lần tới, năm 2015. Trước mắt đã có dàn nhạc Na Uy, dàn nhạc Singapore, đoàn múa Hà Lan... lên kế hoạch góp mặt với chúng ta vào năm 2015. Và chúng tôi hi vọng cứ mỗi năm sẽ thu hút thêm nhiều nước cùng đến tham dự". Tạm quên giấc mơ mang GÐMT qua diễn nước bạn, GÐMT lại mơ đến điều gì đó khả dĩ hơn: mời bạn qua chơi với mình.
QUỲNH NGUYỄN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận