Thế giới đang dồn sự chú ý vào tình hình Israel và Hamas. Vụ tấn công của các tay súng Hồi giáo Hamas vào Israel và màn trả đũa của Israel tại Dải Gaza do Hamas kiểm soát, đang khiến Trung Đông đứng trước nguy cơ bùng nổ bạo lực.
Trong năm ngày kể từ thời điểm Hamas tấn công Israel (7-10), nhìn chung các nước chưa kịp đưa ra cách tiếp cận cụ thể để chấm dứt bạo lực. Mâu thuẫn giữa Israel và Hamas, quan hệ giữa Israel và thế giới Ả Rập hiện nay tạo ra một bức tranh phức tạp ở Trung Đông.
Sau đây là 5 câu hỏi then chốt về tình hình Trung Đông hiện nay.
Hamas muốn gì khi tấn công Israel?
Nguyên cớ để Hamas thực hiện vụ tấn công ngày 7-10 là hàng loạt hành động cứng rắn của Israel nhằm vào người Palestine gần đây.
Tuy nhiên, đa phần giới quan sát nhận định động cơ thực sự của Hamas là ngăn cản một số diễn biến gây bất lợi cho họ ở Trung Đông. Các diễn biến này bao gồm Hiệp định Abraham năm 2020 giữa Israel và một số nước Ả Rập, Thỏa thuận Al Ula năm 2021 giữa Qatar và một nước vùng Vịnh, việc nối lại quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), hay thậm chí thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Iran. Iran là địch thủ lớn của Saudi Arabia ở Trung Đông và được cho là bên bảo trợ quan trọng nhất của Hamas.
Nhìn chung, việc Hamas tấn công Israel có thể làm gián đoạn xu hướng hòa hảo ở Trung Đông, khi các nước Ả Rập vốn dĩ không thể công khai ủng hộ nhà nước Do Thái Israel.
Trong khi đó, sự ra đời của Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas, đúng như cái tên của họ, là nhằm tận dụng nguồn lực từ đạo Hồi để chống lại người Do Thái. Một thỏa thuận giữa các nước Ả Rập đạo Hồi với Israel rõ ràng làm suy yếu vai trò của Hamas - vốn chiến đấu trên danh nghĩa người Hồi giáo Palestine.
Ai đang ủng hộ ai ở Trung Đông?
Cuộc chiến Hamas - Israel đang nêu bật sự chia rẽ ở Trung Đông. Các nước như Jordan và Ai Cập, trước đây từng muốn kiềm chế Hamas, đang lo ngại một cuộc xung đột toàn diện ảnh hưởng tới biên giới của họ. Hai nước này muốn tận dụng sự ủng hộ của thế giới Ả Rập và phương Tây để giảm căng thẳng.
Trong khi đó, UAE và Bahrain, vốn đã bình thường hóa quan hệ với Israel năm 2020, đều ra tuyên bố thận trọng và không thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn cho Israel.
Ngược lại, Kuwait, Qatar và Oman, những nước không bình thường hóa quan hệ với Israel, đã đổ lỗi cho Israel về việc khiến căng thẳng leo thang.
Saudi Arabia đứng ở thế kẹt khi vừa phải nuôi dưỡng các nỗ lực ngoại giao với Israel, vừa phải bảo vệ quyền lợi của người Palestine. Họ chọn cách kêu gọi "giảm căng thẳng ngay lập tức" và không thể hiện thái độ quá gay gắt cho bên nào.
Hòa bình Trung Đông sẽ ra sao?
Mỹ đã làm trung gian hòa giải Saudi Arabia - Israel, nhưng tiến trình này gần như chắc chắn phải tạm dừng một thời gian.
Khi Israel buộc phải trả đũa Hamas, điều này đồng nghĩa Saudi Arabia rất khó yêu cầu Tel Aviv nhượng bộ bất kỳ điều gì trên bàn nghị sự.
Cuộc chiến nêu trên cũng cản trở quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran. Họ được cho vẫn âm thầm cạnh tranh sức ảnh hưởng trong khu vực, và vụ Hamas có thể là cách Iran làm gián đoạn tham vọng của Riyadh.
Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh), Saudi Arabia và các bên vẫn sẽ lựa chọn tái đàm phán khi điều kiện cho phép, nhưng điều này có nghĩa hòa bình Trung Đông sẽ chậm lại.
Israel sẽ làm gì?
Israel đã nỗ lực đàm phán với các bên nhằm giải quyết "vấn đề Palestine". Tel Aviv được hiểu đang cố gắng thuyết phục các nước trong khu vực nhượng bộ, nhưng cuộc chiến này đã mang tới thất bại về mặt chiến lược.
Theo IISS, mục tiêu hiện nay của Israel là tiêu diệt Hamas bằng cách giết chết các thành viên chủ chốt của tổ chức này. Nhưng để đạt mục tiêu ấy, Israel sẽ mất hằng năm chứ không phải hằng tháng. Israel sẽ tham gia một bài kiểm tra về sức chịu đựng và sự kiên nhẫn của các đối tác trong khu vực.
Vụ tấn công của Hamas cũng khiến Israel mất mặt, làm suy yếu niềm tin vào chất lượng tình báo an ninh Điều này đồng nghĩa chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ chịu áp lực lớn trước viễn cảnh chia rẽ chính trị.
Chiến tranh lan rộng khắp Trung Đông?
Iran phủ nhận vai trò trong vụ tấn công của Hamas. Tuy nhiên, nếu có thông tin chứng minh Tehran đứng sau, nguy cơ chiến tranh lan rộng sẽ lớn hơn. Mặc dù vậy, chưa có bằng chứng cho thấy khả năng này. Theo IISS, cũng chưa có dấu hiệu nào chứng minh Hezbollah ở Lebanon hay các nhóm do Iran bảo trợ tại Syria tham chiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận