Khách đầu tiên tới quán cóc Văn Nghệ là Sáu Nhạc Sĩ. Sáu kêu một ly cà phê vợt và ngồi xuống rên một bài ca tình tự dân tộc:
- “Ta không chê của người
Ta không khen của ta
Nhưng dù sao đi nữa
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn"
Bà Mười chủ quán nghe mà chạnh lòng:
- Hay quá chú Sáu, lâu quá rồi mới nghe lại bài hát này, chỉ có lớp lớn tuổi như tôi là còn nhớ.
- Lớn hay nhỏ gì cũng phải nhớ, chỉ có dân tộc mình thương dân tộc mình thôi.
- Chú định ám chỉ ai vậy?
- Còn ai vô hả chị Mười. Dạo gần đây chị không theo dõi tin tức thời sự sao, mọi người đang phát huy “tinh thần giải cứu”.
- Ơ, tôi có nghe nói về cái sự giải cứu, mới nhất là giải cứu thịt heo, chẳng lẽ…
- Còn lẻ chẵn gì nữa, hàng nông sản Việt Nam đang lâm nguy vì không có đầu ra, kẻ tạo đầu ra thì đang ở tuốt luốt bên kia biên giới. Tôi muốn nói đám con buôn Trung Quốc ấy, lúc thì ồ ạt thu gom hàng, lúc thì quất ngựa truy phong một mạch. Tội nghiệp cho nông dân nước ta chỉ biết cắm đầu sản xuất rồi khóc ngất ngay trên sản phẩm của mình.
Lần đầu tiên Sáu Nhạc Sĩ nói dài như vậy, nói một mạch rồi thở hổn hển:
- Trước đó là giải cứu chuối. Thấy nông dân trồng chuối khổ quá mọi người liền mua chuối, mua đắm đuối rồi hết luôn tiền túi.
Bà Mười ngơ ngác:
- Trời đất, chú Sáu sắp bị tâm thần rồi. Chú bắt chước cô Năm nói chuyện như thơ.
Sáu không quan tâm, anh tiếp tục lẩm bẩm:
- Tiếp theo là vụ cứu dưa hấu, nhiều bà con rất máu, ăn giúp từ ông đến cháu.
Đến lúc này Bà Mười phải kêu lên khi phát hiện mắt Sáu Nhạc Sĩ đảo tròng trắng liên tục như người sắp sửa lên đồng:
- Ngừng lại đi chú Sáu, chú xuất hồn làm thơ rồi. Tôi phải kêu cô Năm Thi Sĩ ra đây đối ẩm thơ với chú.
Lời nói của bà Mười ngay lập tức linh ứng. Từ đằng xa một bóng người chạy tới. Nhìn xa giống tài tử Bi Rain nhưng nhìn gần chính là Bi… rên rỉ. Giọng Bi hớt hải:
- Cứu cô Năm bà con ơi!
- Sao sao?
Bi bắt đầu rên:
- Thời gian vừa qua cô Năm in tập thơ đầu tay nhưng không bán được, cô cần mọi người giải cứu gấp.
Thông báo của Bi Rên làm ai nấy hãi hùng. Mọi người sực nhớ lại là cô Năm từng ôm ấp giấc mộng xuất bản thơ, rồi giấc mộng truyền bá thơ khắp nơi, thế mà giờ đây… giấc Nam Kha khéo bất bình, bừng con mắt dậy thấy mình tiêu thơ.
Bà Mười thở dài mệt mỏi:
- Vậy là thơ của cô Năm không có đầu ra hả ?
Sáu ực sạch ly trà nóng muốn phỏng miệng:
- Còn phải hỏi. Thì cũng giống như chuối, dưa hấu, thịt heo. Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Bi phản đối:
- Anh Sáu phải cụ thể hơn chứ?
- Tao đang cụ thể đây. Cô Năm dám gom tài sản đầu tư cho tập thơ nhưng các nhà sách thì không chấp nhận cho cô ký gửi vì cô không có tên tuổi trong thi đàn văn học. Các nhà sách này thì cũng giống như đám con buôn nước bạn ấy, họ không nhận thì người Việt Nam mình nhận. Mình giải cứu nhau, hiểu chưa?
- Nghĩa là…
- Nghĩa là tao mua 10 cuốn, mày mua 10 cuốn, bà Mười 10 cuốn, rồi Bảy Dựa Cột, Chín Đa Nghi, Út Hóng mua nữa. Ai cũng mua thì cuối cùng cũng hết thơ thôi.
Đúng vào lúc Bi Rên thở phào thì Sáu Nhạc Sĩ lại gục đầu xuống tờ báo khiến Bà Mười thắc mắc:
- Chú lại làm… làm thơ hả chú Sáu?
Sáu ngước mặt lên chỉ vào tin “20.000 viên thuốc điều trị ung thư bị tiêu hủy vì quá hạn”:
- Chị tin được không? Trong khi các bệnh nhân ung thư thiếu thuốc chết dần mòn thì 20.000 viên thuốc đặc trị do nước ngoài viện trợ bị tiêu hủy. Thế thì tinh thần giải cứu của các cơ quan y tế, ở đâu, ở đâu hả?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận