16/07/2024 11:53 GMT+7

Giải cứu sao la khỏi tuyệt chủng, phát hiện nhiều loài quý hiếm khác

Sau 18 tháng đặt bẫy ảnh và phân tích mẫu DNA môi trường, dự án "Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng" ở rừng Trường Sơn chưa phát hiện sự xuất hiện của loài này, nhưng lại phát hiện 17 loài quý hiếm khác.

Đặt bẫy ảnh ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO

Đặt bẫy ảnh ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO

Sáng 16-7, tại TP Đông Hà (Quảng Trị), dự án "Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng" tổ chức cuộc họp tổng kết dự án. Dự án do Liên minh châu Âu (EU) thông qua tổ chức Re:wild tài trợ cho WWF - Việt Nam thực hiện tại 5 tỉnh miền Trung, từ Hà Tĩnh vào Quảng Nam và Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An).

Đáng buồn chưa phát hiện dấu vết sao la

Ông Văn Ngọc Thịnh - giám đốc WWF - Việt Nam - cho hay năm 1992, WWF cùng các nhà khoa học trong nước phát hiện loài sao la ở rừng Trường Sơn. Đến năm 2013, sao la được phát hiện lần cuối trong tự nhiên.

Sao la hay còn được gọi là "kỳ lân châu Á" là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn tại Việt Nam và Lào.

"Dự án này dùng công nghệ mới để tìm dấu hiệu sự sống sao la, bao gồm đặt bẫy ảnh và phân tích DNA môi trường (eDNA). Nói thì buồn, chúng ta chưa thấy tín hiệu sao la sau 18 tháng. Dù thế, chưa thể kết luận hay tuyên bố sao la tuyệt chủng ở những cánh rừng trung Trường Sơn.

Chúng ta công nhận nỗ lực thời gian qua, trên cơ sở những tín hiệu phục hồi cần tiếp tục để cứu sao la và các loài khác", ông Thịnh phát biểu.

Ông Văn Ngọc Thịnh - giám đốc WWF - Việt Nam - cho hay đáng buồn khi chưa tìm thấy dấu hiệu của sao la, nhưng vẫn cần tiếp tục nghiên cứu - Ảnh: HOÀNG TÁO

Ông Văn Ngọc Thịnh - giám đốc WWF - Việt Nam - cho hay đáng buồn khi chưa tìm thấy dấu hiệu của sao la, nhưng vẫn cần tiếp tục nghiên cứu - Ảnh: HOÀNG TÁO

Tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm sao la

Ông Nguyễn Nhật An - giám đốc dự án Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng - cho hay dự án nhằm phát hiện và bảo tồn loài sao la trong tự nhiên ở vùng trung Trường Sơn Việt Nam.

Dự án đã xác định được 55 khu vực có tiềm năng phát hiện sao la. Từ tháng 6-2023 tới tháng 6-2024, dự án triển khai 16 cuộc khảo sát sao la bằng phương pháp đặt bẫy ảnh và thu mẫu eDNA tại 6 tỉnh từ Nghệ An tới Quảng Nam với tổng số 2.546 lượt đặt máy bẫy ảnh, thu thập được 1.178 mẫu nước và mẫu vắt.

Qua bẫy ảnh, nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đã được ghi nhận như gấu ngựa (Ursus thibetanus), tê tê java (Manis javanica), thỏ vằn Trường Sơn (Nesolagus timminsi), voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus)… Đặc biệt, dữ liệu bẫy ảnh đã ghi nhận sự xuất hiện của loài mang lớn (Muntiacus vuquangensis).

Kết quả bẫy ảnh ghi nhận có ít nhất 59 loài động vật hoang dã ở vùng cảnh quan trung Trường Sơn, trong đó 4 loài ở mức cực kỳ nguy cấp, 5 loài ở mức nguy cấp và 8 loài ở mức sắp nguy.

Trong khi đó, với mẫu eDNA là mẫu nước và mẫu vắt đã được WWF - Việt Nam chuyển đến đối tác là IZW (Berlin, Đức) và dự kiến có kết quả vào tháng 8-2024.

Ngoài ra, dự án cũng xác định những người dân địa phương có kinh nghiệm về quan sát và theo dõi động vật hoang dã có thể hỗ trợ hoạt động tìm kiếm sao la trong tương lai, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn sao la…

Ông Văn Ngọc Thịnh cho rằng chặng đường này còn dài để tìm kiếm, bảo tồn sao la.

Bẫy thú giá rẻ giết muôn loàiBẫy thú giá rẻ giết muôn loài

TTCT - 120.000 chiếc bẫy đã bị loại bỏ trong vòng 10 năm qua ở vùng giáp ranh Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Bẫy giá rẻ là cơn ác mộng đối với các loài thú nếu không kịp thời được gỡ bỏ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên