25/05/2017 11:54 GMT+7

Giải cứu rồi lại... giải cứu

TRUNG HÀ
TRUNG HÀ

TTO - Với nhiều doanh nghiệp nhà nước, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc giải cứu, giải cứu rồi lại phải giải cứu.

Nhiều phân xưởng của DQS giờ vắng lặng, cây cỏ mọc um tùm - Ảnh: Trần Mai

Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) đối mặt với tình trạng phá sản khi đã nhận 5.000 tỉ đồng vốn giải cứu từ Tập đoàn Dầu khí VN (PVN). Với nhiều doanh nghiệp nhà nước, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc giải cứu, giải cứu rồi lại phải giải cứu.

Trước đây, Nhà nước từng phải “cứu” nhiều doanh nghiệp nhà nước từ địa phương đến trung ương. Gần đây là Vinashin. Nay đến 12 dự án kém hiệu quả của ngành công thương cũng cần biện pháp hỗ trợ.

Chúng ta đã dành nhiều nguồn lực quốc gia, từ vật chất, thời gian đến trí tuệ cho công việc giải cứu các dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ. Ngay Quốc hội - nơi bàn những quyết sách tầm cỡ, đại sự quốc gia - cũng phải quan tâm một số dự án cụ thể đang mất dần vốn nhà nước.

Có đủ lý do để Nhà nước rót vốn vào các dự án “khủng”, đến khi không hiệu quả cũng có quá nhiều lý lẽ để tiếp tục duy trì, giải cứu và muốn vậy phải có thêm tiền, cơ chế đặc biệt, chính sách ưu đãi... Dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án đạm Ninh Bình... là điển hình của những trường hợp xin giải cứu.

Lý do giải cứu rất hợp lý, như lo ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, địa phương, tránh thiệt hại vốn nhà nước đã đầu tư, tránh mất việc làm của hàng ngàn công nhân... Nhà nước đã bị đặt vào thế “bất đắc dĩ”, bỏ cũng dở mà ôm vào cũng không xong.

Qua các đợt giải cứu, doanh nghiệp đã “tích lũy” được rất nhiều kinh nghiệm để xin Chính phủ, từ khoanh nợ, giãn nợ, “gả bán” cho doanh nghiệp khác đến miễn giảm thuế, xuất quỹ từ Bộ Tài chính trả nợ nước ngoài thay...

Tuy nhiên so với doanh nghiệp tư nhân, nếu làm ăn không hiệu quả, ngân hàng từ chối cho vay, thường họ chỉ có thể phá sản. Như vậy, bất kỳ hình thức giải cứu nào với doanh nghiệp nhà nước đều tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, tâm lý phân biệt đối xử.

Danh sách các dự án thua lỗ còn khá nhiều. Cách tốt nhất là Nhà nước hạn chế tối đa rót vốn vào các dự án của doanh nghiệp nhà nước, ở những ngành tư nhân đã làm tốt, để những đồng vốn này khi sử dụng không hiệu quả có khả năng bị biến thành “con tin” để tiếp tục moi tiền, cơ chế từ Nhà nước.

Còn chạy theo các dự án “khủng”, khả năng Nhà nước trở thành “con tin”, hay thành “nhà tài trợ” bất đắc dĩ cho các dự án thua lỗ là khó tránh khỏi.

TRUNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên