Người thân thành viên đội bóng bị mắc kẹt vui mừng khi nhìn thấy hình ảnh các em vẫn khỏe mạnh trong hang động - Ảnh: AFP
Hàng trăm giờ lao động, hàng ngàn con người túc trực đêm ngày, hàng chục ngàn ánh mắt dõi theo rốt cuộc đã được hồi đáp. 21h25 tối 2-7, hàng ngàn người vỡ òa trong cảm xúc không thể diễn tả thành lời. Toàn bộ 13 người được phát hiện trong tình trạng tinh thần ổn định trên một khu vực cao ráo, cách miệng hang gần 5km.
Huy động cả ngàn người cứu hộ
Nằm trong công viên rừng Tham Luang - Khun Nam Nang Noon, hang động Tham Luang là một địa điểm du lịch mạo hiểm ở Thái Lan và thường đóng cửa trong mùa mưa kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12 ở quốc gia Đông Nam Á này.
Sức người, sức của bắt đầu đổ về Tham Luang từ ngày 26-6, khi người ta phát hiện xe đạp và giày đá bóng của đội bóng ở miệng hang. Theo quy định, du khách vào hang chỉ được phép đi sâu tối đa 700m, tuy nhiên lực lượng chức năng Thái Lan xác định đội bóng đã đi sâu hơn quy định qua các dấu chân và đồ đạc tìm thấy.
Các máy bơm cỡ lớn được huy động hoạt động hết công suất để bơm nước ra khỏi hang. Tuy nhiên, trời đã phụ lòng người, mưa như trút nước từ ngày này sang ngày khác, bơm được 1 thì ngập đến 2, 3 lần. Nước trong hang dâng cao hơn 5m.
Lực lượng đặc nhiệm Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã có mặt ngay từ đầu, tham gia cứu hộ suốt ngày đêm, có lúc lên tới hơn 1.000 người. Đến ngày 27-6, theo đề nghị của Chính phủ Thái Lan, 30 lính đặc nhiệm Mỹ với trang thiết bị chuyên dụng thuộc Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) và một nhóm thợ lặn người Anh đã bắt đầu tham gia hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ.
Các chuyên gia của Úc, Trung Quốc và Nhật cũng có mặt tham gia nỗ lực cứu trợ. Bộ chỉ huy chiến dịch cứu hộ được đặt ngay trong hang động. Những nỗ lực không ngừng nghỉ rốt cuộc đã được hồi đáp tối 2-7.
Lực lượng cứu hộ bên trong hang Tham Luang - Ảnh: REUTERS
Công đầu thuộc về hai thợ lặn người Anh
Mỗi người tham gia chiến dịch cứu hộ đội bóng đều xứng đáng được gọi là anh hùng. Nhưng công lớn nhất nên được dành để vinh danh hai thợ lặn Rick Stanton và John Volanthen đến từ Anh. Nhận được lời yêu cầu giúp đỡ từ Chính phủ Thái Lan, cả hai đã lên đường cùng với một chuyên gia hang động và có mặt ở hang Tham Luang từ ngày 28-6.
Cả hai không phải là những thợ lặn của đội đặc nhiệm, nhưng xứng đáng được gọi là "những thợ lặn xuất sắc nhất hành tinh" - tờ Independent của Anh ca ngợi.
Rick Stanton năm nay đã 56 tuổi và có hơn 20 năm làm việc tại Sở Cứu hỏa Coventry, còn John Volanthen, 47 tuổi, là kỹ sư mạng tại thành phố Bristol. Cặp đôi này được cho là đã cùng đồng hành qua nhiều chiến dịch giải cứu nổi tiếng như tìm kiếm thi thể một thợ lặn bị mắc kẹt trong hệ thống hang động Ardeche Gorges ở Pháp năm 2010, 13 thợ lặn Anh bị mắc kẹt ở Mexico năm 2004.
Ngoài các nhiệm vụ cứu người, cả ông Stanton và Volanthen đều xem lặn là một đam mê. Năm 2011, cả hai thiết lập kỷ lục thế giới bằng việc lặn liên tục 9km trong một hệ thống hang động ở Tây Ban Nha. Năm 2012, bộ đôi vinh dự được nhận huân chương của Hoàng gia Anh, ghi nhận những đóng góp và sự dũng cảm trong các hành động xả thân vì xã hội.
Cầm cự trong hang thêm 4 tháng chờ giải cứu
Cuộc chiến với thời gian để tìm kiếm các thành viên đội bóng đã kết thúc đúng như cầu mong của mọi người. Nhưng cuộc chiến thứ hai vẫn còn đó: Làm thế nào đưa các em ra khỏi hang động?
"Các bác sĩ đã yêu cầu đội cứu hộ chuyển thuốc men và thức ăn cho các em để ngăn ngừa bệnh tật, giúp các em ổn định tâm lý" - ông Narongsak Osottanakorn, tỉnh trưởng Chiang Rai, người đứng đầu chiến dịch giải cứu đội bóng, cho biết trong cuộc họp báo sáng 3-7. Một đường dây liên lạc đã được thiết lập giữa đội bóng và thế giới bên ngoài, giải tỏa tâm lý bị cô lập.
Tuy nhiên, theo tỉnh trưởng Narongsak, đội cứu hộ sẽ không mạo hiểm đưa các thành viên đội bóng ra bên ngoài đến khi đảm bảo chắc chắn rằng các em sẽ được an toàn. Hiện tại, mực nước trong hang Tham Luang vẫn xấp xỉ mức 5m với các ngóc ngách hiểm trở, những đoạn hang dài và hẹp.
"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng việc gửi thêm thức ăn để các em có thể cầm cự trong hang thêm ít nhất 4 tháng và huấn luyện họ cách sử dụng các thiết bị lặn trong lúc tiếp tục bơm nước khỏi hang" - đại úy hải quân Thái Lan Anand Surawan nói với Hãng thông tấn AFP.
Việc để các em lặn ra khỏi hang là một quyết định 50-50. Một đặc nhiệm hải quân với sức khỏe tốt phải mất gần 6 tiếng để đi từ nơi các em được phát hiện đến cửa hang. Bất kỳ sự cố nào trong quá trình lặn sẽ là thảm kịch phủ bóng phép mầu đã được tạo ra lúc đầu.
Hai phương án còn lại đang được cân nhắc là đào một đường hầm thẳng từ trên núi xuống lòng hang. Cách đây vài ngày, người ta đã phát hiện vài lối dẫn có tiềm năng và bắt đầu đào sâu hơn. Tuy nhiên, không có gì hứa hẹn những lối đào này sẽ dẫn trực tiếp tới nơi đội bóng được phát hiện.
Phương án còn lại và cũng được xem là an toàn nhất là chờ nước rút hoàn toàn để đi bộ ra ngoài. Nhưng trong điều kiện mưa lớn vẫn tiếp tục, cần giữ cho mực nước trong hang không tiếp tục dâng cao rồi mới nghĩ tới những chuyện khác.
Hang động Tham Luang và vị trí phát hiện người bị nạn - Ảnh: Independent - Đồ họa: T.ĐẠT
Các chiến dịch giải cứu ngoạn mục
* Gramat, Pháp, 1999: 7 thợ lặn bị mắc kẹt trong hệ thống hang động Vitarelles suốt 10 ngày đã được phát hiện và đưa ra ngoài trong tình trạng sức khỏe ổn định.
* Bán đảo Kamchatka, Nga, 2005: 7 thủy thủ đoàn của một tàu ngầm mini loại Priz gần như đối mặt với tử thần khi dưỡng khí bên trong tàu sắp sửa hết sau 3 ngày bị mắc kẹt bên dưới 190m nước. Một robot cứu hộ của Anh đã tham gia, giải cứu thành công thủy thủ đoàn. Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao huân chương ghi nhận công lao của đội cứu hộ đến từ Anh.
* Copiapo, Chile, 2010: 33 thợ mỏ bị mắc kẹt 600m trong lòng đất sau một trận lở núi đã chiếm trọn nhiều mặt báo quốc tế trong nhiều ngày. Phải mất 17 ngày sau đó, người ta mới xác định được vị trí của các thợ mỏ. Thức ăn được gửi xuống, nhưng mất gần 70 ngày đội cứu hộ mới tiếp cận và đưa được những người này ra ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận