Buồn hơn nữa là có gì đó sai sai trong việc thực thi chính sách "giải cứu" đồng bào từ các vùng dịch Covid-19 trên thế giới.
Tổ chức các "chuyến bay giải cứu" là một chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Trách nhiệm thực thi chính sách này 100% thuộc về bộ máy công vụ. Bộ máy công vụ phải lên kế hoạch, phải tổ chức thực hiện thành công chính sách đã được đề ra.
Khi cần thiết, bộ máy công vụ có thể đứng ra thương lượng và thuê mướn các doanh nghiệp cung cấp một số dịch vụ có liên quan. Đây hoàn toàn không phải là công việc thuộc trách nhiệm của các doanh nghiệp.
Thế nhưng, qua phiên tòa, chúng ta thấy rất rõ mọi chuyện đã xảy ra hoàn toàn không phải như vậy. Một chính sách nhân đạo đã bị biến thành một cơ hội kinh doanh.
Các cơ quan liên quan đã không đứng ra thực thi chính sách từ đầu đến cuối, mà giao cho các doanh nghiệp khai thác nhu cầu về nước tránh dịch của đông đảo bà con đang học tập và sinh sống ở nước ngoài. Thể chế đã bị vận hành sai và những mặt trái của cơ chế thị trường đã kích hoạt.
Các doanh nghiệp đã được tạo điều kiện để khai thác nhu cầu về nước tránh dịch như một cơ hội béo bở để kinh doanh. Thật đáng buồn, đây chính là động lực để tổ chức các "chuyến bay giải cứu".
Đã kinh doanh thì phải có lãi, bảo đảm lãi suất cao khi khách hàng không có bất kỳ lựa chọn nào khác. Đương nhiên cũng sẽ chấp nhận mọi chi phí bôi trơn. Bởi vì rằng các chi phí này có thể đưa vào giá thành của dịch vụ mà khách hàng sẽ phải chi trả.
Đây cũng là nguyên nhân giải thích tại sao các doanh nghiệp sẵn sàng chi hối lộ các quan chức dễ dàng và mạnh tay như vậy.
Tất nhiên những người cuối cùng phải gánh chịu các chi phí bất hợp lý một cách phi nhân tính như vậy là những bà con đang khốn khổ vì dịch bệnh ở nước ngoài, những người đáng ra phải được trợ giúp chứ không phải bị tống tiền.
Thật nực cười là khi một chính sách công được đề ra mà các cơ quan công vụ có liên quan lại chỉ phải làm mỗi một việc là cho phép hay không cho phép các doanh nghiệp triển khai thực thi chính sách đó.
Khi đã biến việc "giải cứu" thành cơ hội cho các doanh nghiệp làm ăn thì động lực phụng sự không còn và mong muốn được chia phần xuất hiện. Và đây cũng lại là lý do tại sao các quan chức liên quan lại sách nhiễu và vòi vĩnh các doanh nghiệp quá đáng đến như vậy.
Đơn giản họ nghĩ rằng họ đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kiếm tiền ngon quá. Và do nhũng nhiễu để được bôi trơn, các quan chức liên quan đã thực sự trở thành lực cản cho việc thực thi chính sách "giải cứu". Họ đã không thực thi chính sách "giải cứu" mà còn phá hoại chính sách đó.
Vấn đề đặt ra là nhiều chính sách công được đề ra hoàn toàn có thể bị biến thành các cơ hội kinh doanh.
Chính sách chuyển đổi số, Chính sách xây dựng 1 triệu căn nhà cho người thu nhập thấp... nếu vận hành thể chế không phù hợp cũng có nguy cơ lặp lại vết xe đổ của chính sách "giải cứu" đồng bào khỏi dịch Covid-19.
Phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan các "chuyến bay giải cứu" cho chúng ta thấy rất rõ ràng rằng vận hành thể chế là rất quan trọng để thực thi chính sách. Một chính sách công được đề ra phải do bộ máy công vụ chịu trách nhiệm thực thi.
Bộ máy này phải chịu trách nhiệm hoàn toàn không chỉ về việc chính sách phải được thực thi công bằng, hiệu quả mà còn về việc mục tiêu đã được đề ra của chính sách cũng phải đạt được.
Muốn như vậy chúng ta phải xây dựng được một bộ máy công vụ chuyên nghiệp, tài giỏi và có đạo đức.
Đáng buồn thay nếu chính sách đề ra lại được tổng kết bằng một phiên tòa!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận