Ninh Dương Lan Ngọc (giữa - phim Trúng số) nhận giải nữ diễn viên chính xuất sắc phim điện ảnh cùng Nguyễn Thanh Tú (bìa phải - phim Cầu vồng không sắc) nhận giải nam diễn viên chính xuất sắc phim điện ảnh do NSND Như Quỳnh (bìa trái) công bố và trao giải - Ảnh: Nguyễn Khánh |
*Infographic kết quả giải Cánh Diều
Giải Cánh diều là giải của Hội Điện ảnh, khác với giải Bông sen vốn là giải của liên hoan phim. Nghe thì đơn giản nhưng ít người phân biệt được, khán giả chắc còn hoang mang hơn khi đêm trao giải xướng những cái tên phim mới cách đây vài ba tháng giải Bông sen cũng vừa gọi tên họ.
Điểm mặt “phim nhà nước”
Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh có nhiều hạng mục, từ công trình nghiên cứu lý luận đến phim hoạt hình, phim ngắn, phim khoa học, phim tài liệu, ôm luôn cả phim truyền hình rồi mới đến hạng mục đích thực đúng tên: phim điện ảnh.
Nhìn vào các hạng mục này, yếu tố nhà nước nổi bật hẳn lên khi hàng loạt các tên tuổi “vua biết mặt - chúa biết tên” như Hãng phim Tài liệu khoa học trung ương, Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN, Đài truyền hình VN, Điện ảnh Quân đội, Điện ảnh CAND, Hãng Phim truyện VN, Hãng Phim truyện 1, Phim Giải phóng, Hãng Phim hoạt hình VN..., góp mặt đông đủ trong danh sách dự thi cũng như danh mục... trúng giải.
Không bàn các hạng mục tạm gọi là phụ, chỉ bàn về điện ảnh, số lượng bảy phim nhà nước trên 18 phim dự thi không áp đảo được phim tư nhân nhưng đã là hình ảnh đầy đủ trọn vẹn để hình dung một năm qua, Nhà nước đã đầu tư vào đâu và ra sao.
May mắn là phim nhà nước đã không chỉ còn trong khuôn khổ các phim tuyên truyền và... lễ lạt, sự đa dạng về đề tài là điểm cộng đầu tiên cho dòng phim vốn lâu nay vẫn bị khán giả định kiến là không hay.
Phim chân dung lãnh tụ có Nhà tiên tri; nhắc nhớ chiến tranh thì có Đường xuyên rừng, Người trở về; phim lịch sử có Mỹ nhân; phim về đề tài dân tộc miền núi có Trên đỉnh bình yên. Và may mắn nhất là Nhà nước có Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Phép thử đặt hàng tư nhân đấu thầu kịch bản thế là đã có hướng giải. Tư nhân thật biết cách... tiêu tiền. Được làm bởi một đạo diễn Việt kiều: Victor Vũ, sản xuất bởi một hãng tư nhân: Galaxy, có lẽ hơn 10 năm nay, điện ảnh Việt mới chứng kiến một “cú đầu tư” có lãi, thậm chí là lãi lớn khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - với kinh phí phần lớn do Cục Điện ảnh rót - đã thu về hơn 80 tỉ đồng.
Trước đêm trao giải, trả lời báo chí, đạo diễn Nguyễn Quang Huy (người từng bội thu giải Cánh diều với phim Thần tượng) đã có một bình luận:
“Nếu Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đạt thành công thì đó sẽ là tín hiệu tốt cho nhiều nhà sản xuất có cơ sở để đầu tư vào những bộ phim tử tế, chỉn chu, có thông điệp hơn là cứ mãi phim hài nhảm, chán lắm!”.
Cần sự đồng hành ngay từ ban đầu
Nhìn vào hạng mục giải trao tặng, những người xem phim ngoài rạp hẳn sẽ vô cùng sửng sốt. Cầu vồng không sắc, nói như một nhà phê bình điện ảnh là “chịu không nổi, xem phải bỏ về giữa chừng” lại đoạt giải, thậm chí là có đến ba giải.
Ngoại trừ Trúng số - một phim duyên dáng, nhuần nhị, khi ra rạp mùa tết năm 2015, giải Cánh diều vàng cho phim, nữ chính cho Ninh Dương Lan Ngọc được coi là xứng đáng, hay như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh với Cánh diều bạc cho phim, quay phim cho Nguyễn K’Linh, giải diễn viên cho Bùi Trọng Khang... thì các giải còn lại hình như đã được phân bổ khá đều. Đều đặn đến vô lý!
Và nhìn vào hạng mục giải, sẽ còn không ít người hỏi chẳng lẽ điện ảnh Việt chỉ có bấy nhiêu phim? Các phim độc lập đã vang danh quốc tế, họ ở đâu? Năm ngoái, với lý do biết tin chậm nên gửi trễ, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp với Đập cánh giữa không trung đã vắng mặt ở Cánh diều.
Năm nay, lại thiếu vắng một cái tên khác là Phan Đăng Di. Cha và con và... là đại diện VN đầu tiên có mặt ở vòng dự thi chính thức của một trong ba liên hoan phim lớn nhất thế giới (liên hoan phim quốc tế Berlin), đúng ngày trao giải Cánh diều cũng là ngày phim này phát hành rộng rãi trên toàn nước... Pháp.
Từ Pháp, đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ với PV Tuổi Trẻ: “Năm nay Hội Điện ảnh có gửi chúng tôi giấy mời gửi phim Cha và con và... rất sớm. Nhưng rất tiếc chúng tôi không tham dự được vì bộ phim chưa phát hành ở VN.
Chúng tôi muốn có một buổi ra mắt trước khi phim ra rạp mà ở đó mọi thứ phải được chuẩn bị kỹ. Nếu ra mắt trong khuôn khổ giải Cánh diều (trong trường hợp phim được chọn) chúng tôi sẽ không thể sắp xếp được buổi ra mắt theo đúng ý mình.
Ngoài ra tôi vẫn luôn có một cảm giác rằng với tư cách là một hội nghề nghiệp, Hội Điện ảnh VN đang đứng ngoài nhiều vấn đề mà giới làm phim Việt đang đối mặt. Đặc biệt là những bạn làm phim trẻ, sự giúp đỡ của hội với họ rất mờ nhạt.
Tôi sợ rằng giải Cánh diều vẫn chăm chăm vào chặng cuối của một quy trình - đó là những bộ phim đã xong xuôi. Trong lúc cái mà các nhà làm phim trông chờ ở hội là một sự đồng hành ngay từ ban đầu, đặc biệt là những lúc khó khăn nhất. Đợi cho mọi thứ đã xong xuôi để đến với nhau, đôi khi là quá muộn!”.
Kết quả giải Cánh diều 2015 * Phim ngắn: Cánh diều vàng (CDV) cho Cách khác (đạo diễn Lã Tùng Lâm). * Phim hoạt hình: CDV cho Mèo trắng và mèo mun (đạo diễn Phạm Ngọc Tuấn). * Phim khoa học: CDV cho Dấu tích Sa Huỳnh (đạo diễn Phùng Ngọc Tú). * Phim tài liệu: CDV cho Mẹ ơi, con đã về (đạo diễn Lương Minh Đức). * Phim truyền hình: CDV cho Tuổi thanh xuân (đạo diễn Nguyễn Khải Anh - Bùi Tiến Huy - Myung Hyun Woo). Giải cá nhân xuất sắc: Châu Thổ (biên kịch Biệt thự Pensee), Nguyễn Danh Dũng (đạo diễn Khi đàn chim trở về), Việt Anh (vai Thành trong Khi đàn chim trở về) và Quang Tuấn (vai Quân trong Khúc hát mặt trời), Nhã Phương (vai Linh trong Tuổi thanh xuân). * Phim điện ảnh: CDV cho Trúng số (đạo diễn Dustin Nguyễn, phim đoạt thêm giải biên kịch cho Nguyễn Mạnh Tuấn, nữ chính xuất sắc cho Ninh Dương Lan Ngọc), Cánh diều bạc cho Người trở về (đạo diễn Đặng Thái Huyền), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ, phim đoạt thêm giải quay phim cho Nguyễn K’Linh, diễn viên triển vọng cho Bùi Trọng Khang), Cuộc đời của Yến (phim đoạt thêm giải đạo diễn cho Đinh Tuấn Vũ, giải âm nhạc cho Lê Cát Trọng Lý). * Bằng khen cho Quyên (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình), Cầu vồng không sắc (đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến, phim đoạt thêm giải âm thanh cho Trần Mạnh Hoàng, nam chính xuất sắc cho Nguyễn Thanh Tú), Bảo mẫu siêu quậy (đạo diễn Lê Bảo Trung). Hai giải phụ khác thuộc về Phạm Quốc Trung (họa sĩ cho Nhà tiên tri) và Kim Hiền (nữ phụ cho Mỹ nhân). |
*Xem hình ảnh nghệ sĩ trên thảm đỏ Cánh Diều TẠI ĐÂY
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận