Từ trái qua: Sơn Tùng, Bình An và Ngọc Thanh Tâm cùng nhận giải diễn viên trẻ triển vọng - Ảnh: Quang Định |
Tối qua, tại một trung tâm tổ chức hội nghị và tiệc cưới ở TP.HCM, lễ kỷ niệm Ngày điện ảnh VN và trao giải Cánh diều (mỗi năm một lần vào tháng 3 để tổng kết điện ảnh cho năm trước đó) đã diễn ra.
58 giải thưởng cho phim điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu khoa học, phim hoạt hình, phim ngắn, công trình lý luận và các giải cá nhân đã được trao. Và có rất nhiều bất ngờ. Bởi lẽ khó tin được rằng “cuộc đấu” phim tư nhân - phim nhà nước lại cho một kết quả đẹp lòng đôi bên đến thế.
Những đối thủ nặng ký “nốc - ao”
Ở hạng mục quan trọng nhất - phim điện ảnh, với 17 phim dự thi có thể dễ dàng nhận diện một số phim được đánh giá nổi trội hơn cả về chất lượng nghệ thuật lẫn sự thu hút khán giả qua doanh thu như Quả tim máu, Chàng trai năm ấy, Scandal 2 - Hào quang trở lại, Ðoạt hồn...
Ðó là những phim tư nhân, những phim này có thể đáp ứng được phần đầu của tiêu chí xét giải năm nay là “có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện”. Nhưng phần còn lại của tiêu chí “mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực...” thì khá cảm tính.
Và không khó để thấy các phim Nhà nước đặt hàng như Sống cùng lịch sử, Những đứa con của làng... mới ít nhiều đáp ứng được tiêu chí này.
Không có giải vàng đã cho thấy một mùa diều thất bát. Có ngược đời không khi một năm qua điện ảnh Việt khởi sắc đến thế với cả phim thương mại và nghệ thuật? Sự vắng mặt của Ðập cánh giữa không trung, Cha và con và... đã được giải đáp bằng những lý do hợp lý (bài “Giải Cánh diều - cuộc đua khốc liệt”, Tuổi Trẻ ngày 3-3).
Nhưng dù hợp lý thì cũng cho công chúng một sự phân vân, phải chăng giải của Hội Ðiện ảnh đã không đủ “thiêng” để các đạo diễn chờ đợi và nôn nóng nộp phim?
Và rồi cái tên Victor Vũ được nhắc đến nhiều nhất (và chắc chắn được tâm phục khẩu phục từ giới chuyên môn nhiều nhất) hóa ra lại trắng tay. Hai phim những tưởng là ứng cử viên nặng ký của anh năm nay lại chỉ giành được những giải be bé mà thôi!
Ở thể loại tài liệu, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng - một phim đã cùng đạo diễn “đánh đông dẹp bắc” tại nhiều liên hoan phim - cũng chỉ nhận được bằng khen. Nói chuyện với đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, hỏi lòng có buồn không?
Thắm bảo: “Biết làm sao, cái gì cũng cần có thời gian. Nếu không gửi phim đi, tôi sẽ chẳng bao giờ biết câu trả lời. Bây giờ tôi đã có câu trả lời ấy”.
Bởi thế, kết quả giải Cánh diều có thể cũng sẽ làm những ai yêu quý các nhà làm phim độc lập như Phan Ðăng Di, Nguyễn Hoàng Ðiệp... có chút nhẹ lòng, vì biết đâu nếu Di và Ðiệp gửi phim tham dự, có khi họ cũng sẽ... về tay không!
Khi giải thưởng vẫn đi bên lề điện ảnh
Không giấu nổi sự thất vọng, nhà báo chuyên theo dõi điện ảnh Lê Hồng Lâm bất bình: “Nếu giải Cánh diều từng gây bất ngờ khi trao đến tám giải cho phim của Victor Vũ năm 2013 và sáu giải thưởng cho Thần tượng năm ngoái, thì năm nay lại tiếp tục gây bất ngờ khi... trở về vạch xuất phát như nó đã từng: trao giải vui vẻ cả làng.
Có lẽ hiếm, nếu không nói là không có một giải thưởng điện ảnh nào trên thế giới không tìm ra được bộ phim hay nhất trong một năm và bèn trao giải nhì cho cùng lúc... ba bộ phim khác nhau (cùng các giải cá nhân được chia đều). Sự cào bằng đó khiến giải thưởng của Hội Ðiện ảnh năm nay cứ như sân chơi cũ kỹ và an toàn của làng xã.
Nó cũ như bộ phim Những đứa con của làng; nó an toàn như hai bộ phim đương đại được thể hiện một cách nửa vời và lạc điệu như Lạc giới, Hương Ga...”.
Lê Hồng Lâm cũng bày tỏ sự tiếc nuối với Chàng trai năm ấy và Quả tim máu vì theo anh, hai phim này không chỉ “thành công rực rỡ về thương mại mà còn được làm một cách chỉn chu về tay nghề”.
“Sự thiếu quyết liệt trong tìm tòi cái mới, chủ nghĩa quân bình vui vẻ cả làng khiến giải thưởng Cánh diều năm nay vẫn đi bên lề của một nền điện ảnh đang lớn mạnh từng ngày.
Sự lớn mạnh đó có thể nhìn thấy từ một vài bộ phim nghệ thuật tham gia các sân chơi lớn của quốc tế hay những kỷ lục doanh thu của các bộ phim thương mại “made in Vietnam” đã và đang đánh bật các bộ phim quốc tế để đứng các vị trí hàng đầu trong bảng doanh thu nội địa”. Nhận định ấy của nhà báo Lê Hồng Lâm dễ được nhiều người chia sẻ.
Không có phim điện ảnh đoạt giải Cánh diều vàng* Phim điện ảnh: Bằng khen: Chàng trai năm ấy (đạo diễn Nguyễn Quang Huy - phim cũng đoạt đồng giải diễn viên trẻ triển vọng cho Sơn Tùng M-TP), Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng - phim cũng đoạt giải quay phim xuất sắc nhất cho Lý Thái Dũng cùng phimSống cùng lịch sử, giải họa sĩ thiết kế xuất sắc cho Ðinh Quang Hiếu - Nguyễn Trung Phan) vàQuả tim máu(đạo diễn Victor Vũ - phim cũng đồng thời đoạt giải nữ diễn viên phụ xuất sắc cho Kim Xuân). Một số giải cá nhân còn lại: Âm nhạc xuất sắc cho nhạc sĩ Quốc Trung (phim Sống cùng lịch sử), Âm thanh xuất sắc cho Tô Hiếu (phim Ðoạt hồn).Cùng với Sơn Tùng và Bình An, Ngọc Thanh Tâm (phim Hiệp sĩ mù) cũng đồng đoạt giải diễn viên trẻ triển vọng. * Phim truyền hình: Cánh diều vàng cho phimCha rơi(đạo diễn Nguyễn Phương Ðiền - phim đồng thời đoạt giải biên kịch xuất sắc cho Nguyễn Quý Dũng, diễn viên nam xuất sắc cho Thái Hòa). * Phim tài liệu: Cánh diều vàng cho phim Giọt nước giữa đại dương(đạo diễn - NSND Ðào Trọng Khánh - phim đồng thời đoạt giải đạo diễn phim tài liệu xuất sắc). * Phim ngắn: Cánh diều vàng cho phim Cô gái trên tầng thượng(đạo diễn trẻ Lê Hoàng). |
Áp lực nhưng cũng là động lực Cô gái trên tầng thượng là một phim rất mang tính cá nhân đối với tôi, nó đã được làm đúng thời điểm, nói được những gì tôi muốn và mang lại cho chúng tôi những kỷ niệm tuyệt vời. Từ năm 2011 đến nay tôi đã làm năm phim ngắn, tôi đang chuẩn bị thực hiện thêm hai phim ngắn nữa. Kế hoạch mơ mộng của tôi trong năm 2015 là sẽ hoàn thiện kịch bản phim dài, đi tìm nhà tài trợ và có thể quay vào năm sau. Giải Cánh diều cho Cô gái trên tầng thượng với tôi là một bất ngờ khó tưởng, nó ngọt ngào nhưng cũng đầy áp lực vì tôi biết sẽ có người lại chờ đợi xem những phim sắp tới của tôi ra sao. Áp lực, nhưng cũng là động lực để tôi đi tiếp...
Sự thật giản dị về Ðại tướng Võ Nguyên Giáp Cách đây hơn 40 năm tôi đã làm tư liệu về Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, với hơn 700 phút phim ghi lại, anh Văn (Ðại tướng Võ Nguyên Giáp - PV) đã nói những điều rất thoải mái, cởi mở khi kể những chuyện cuộc đời mình. Tôi quay rồi... để đó. Bộ phim Một thế kỷ - một đời người (2001) cũng đã dùng nhưng rất ít nên gần như khối tư liệu khổng lồ và giá trị đó vẫn chưa sử dụng được hết. Mấy tháng trước tôi đã đề nghị Cục Ðiện ảnh và Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương để tôi làm phim Giọt nước giữa đại dương (đây cũng là câu anh Văn nói về mình khi kể chuyện với tôi rằng theo anh, những cuộc kháng chiến thành công - “công lao của tôi cũng chỉ như giọt nước giữa đại dương thôi”). Tôi bắt tay vào dựng phim trong hai tháng rất hào hứng vì tư liệu thì quay từ 40 năm trước nhưng chưa công bố nên vẫn mới. Phim tài liệu không chỉ là sự thật mà còn phải là sự thật giản dị. Ðây là giải cá nhân thứ 10 của tôi trong đời làm phim tài liệu, nhưng nếu người xứng đáng được trao giải cho phim này, tôi nghĩ đó chính là anh Văn bởi anh đã kể câu chuyện chân thực này đầy giản dị. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận