Tập tạp văn Ăn phở rất khó thấy ngon của Nguyễn Trương Quý được NXB Trẻ ấn hành năm 2008, hiện cũng đang tái bản đến lần thứ 3. Năm 2010 này Nguyễn Trương Quý cũng ra mắt cuốn tạp văn mới Hà Nội là Hà Nội.
Tạp văn được mùa như trên không chỉ riêng vài trường hợp mà có thể thấy ở Nguyễn Ngọc Tư (Yêu người ngóng núi), Lê Giang (Còn khóc ngon lành), Trần Huiền Ân (Mây trắng Dinh Phoon), Nguyễn Việt Hà (Đàn bà uống rượu), Dạ Ngân (Phố của làng, Gánh đàn bà)...
“Nếu như truyện là một không gian hoàn toàn tưởng tượng với những nhân vật tưởng tượng thì tạp văn có lúc nhân vật chính là mình, nói tiếng nói của chính mình, giải tỏa được nhiều tâm tư tình cảm của mình”... Đó là lời giãi bày của Nguyễn Ngọc Tư khi được hỏi vì sao chị chọn tạp văn. Còn họa sĩ - nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng thì cho rằng: “Tạp văn thú vị vì nó cho người viết thoải mái với đối tượng, không câu nệ về bố cục viết và có thể viết rất mâu thuẫn, những ý trái ngược nhau trong cùng một bài và ngắn dài thế nào cũng được”.
Với dung lượng chừng 800 chữ hoặc dài hơn khoảng 1.200 chữ, mỗi bài tạp văn vừa vặn một trang hoặc một cột báo nhưng lại trình bày cái nhìn của mỗi cá nhân về tất cả các khía cạnh xã hội. Có thể thời sự hoặc không, nhưng mỗi tạp văn đều ít nhiều dung chứa, trình bày tâm trạng sống của người đương thời.
Quả đúng vậy, đọc Trên tay có đá của Nguyễn Ngọc Tư, Kỹ thuật giết rồng của Ngô Phan Lưu, Chào, một nơi lịch sử từng đi qua của Đỗ Trung Quân, Thầy cũ bán quán của Nguyễn Việt Hà... đều thấy “cái sự đời” ẩn hiện qua lăng kính của từng người. Chỉ với những tạp văn riêng lẻ, cách thế của người viết đã thể hiện khá rõ, có khi tạo dấu ấn mạnh mẽ còn hơn một tác phẩm văn chương. Cho nên có thể coi tạp văn là “ngôn hữu tận nhi ý vô cùng” (Lời hết nhưng ý chưa dứt).
Tạp văn còn thú vị hơn khi nó cho người đọc cơ hội ngắm nhìn cái gương mặt ngày thường, cái tư chất, tâm tình của từng tác giả. Nếu như Nguyễn Trương Quý giỏi lắt léo cộng gia vị giễu nhại thì Nguyễn Ngọc Tư đượm nồng như món sống “đưa cay”; Phan Cẩm Thượng thư thái, uyên thâm thì Nguyễn Quang Lập riết róng, hài hước.
Nguyễn Việt Hà cũng hài hước nhưng tung tẩy chuyện đời nhiều hơn. Lê Giang viết tạp văn như “lấy đồ trong túi ra”, chỉ lấy chuyện quanh mình để viết mà vẫn thấy rất lạ kỳ. Nguyễn Nhật Ánh viết tạp văn như người đi bộ, gặp gì viết nấy, nhớ gì kể nấy, nhưng cái duyên chữ thì khó phai.
Nếu định nghĩa tạp văn là “một loại tản văn có nội dung rộng, hình thức không gò bó” thì cũng có thể coi tạp văn, tạp bút hay nhàn đàm, tạp ghi đều hàm chứa một hình thức, nội dung tương tự. Hiện nay hầu như ở báo, tạp chí nào cũng có mục tạp văn hay tạp bút mà người tham gia thường là các nhà văn, nhà văn hóa, nghệ sĩ... Nếu quan sát có thể thấy tùy theo phong cách của mỗi “bổn báo” mà tạp văn cũng có “gu” khác nhau. Nhưng tựu trung, tạp văn về cơ bản gần với báo chí hơn văn chương.
Tạp văn hiện nay đang là một nhu cầu ở cả người đọc lẫn người viết. Nhưng các cây bút tạp văn có “văn chất” hiện nay không nhiều. Quanh đi quẩn lại vẫn là các tên tuổi: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Đỗ Trung Quân, Dạ Ngân, Lý Lan, Trần Tiến Dũng, Nam Đan, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Giang...
Những cây bút tạp văn trẻ trung như Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Ngọc Tư thì lúc nào cũng “hút hàng”. Đặc biệt là với Nguyễn Ngọc Tư. Chưa có một thăm dò bạn đọc cụ thể, nhưng cũng có thể thấy sức hút ở tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư chính là ở thái độ sống, thể hiện qua ngòi bút không bất cận nhân tình, với một giọng văn mộc mạc đầy cảm xúc.
Gác lại những hoài niệm kiểu “chăn trâu, đốt lửa”, xu thế của tạp văn hôm nay là chuyển tải những vấn đề xã hội đương thời, trong đó lồng chứa cái nhìn, thái độ sống của mỗi người cầm bút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận