Quảng Nam làm nhiều cách để giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Trong ảnh: học sinh tiểu học ở Quảng Nam trong giờ học - Ảnh: LÊ TRUNG
Theo đó, tổng số giáo viên thiếu hụt khoảng 70.000. Trong đó, bậc mầm non đứng đầu với trên 45.000 giáo viên. Bậc tiểu học thiếu trên 20.000 giáo viên nhưng lại thừa 6.700. Bậc THCS thiếu trên 13.000 giáo viên nhưng cũng thừa gần 8.500. Bậc THPT thiếu trên 9.000 nhưng thừa hơn 1.000 giáo viên.
Trẻ không đến lớp, phòng học đóng cửa
Nhiều nơi ở tỉnh Quảng Nam đang đối mặt với việc thiếu giáo viên nghiêm trọng. Ông Trương Công Nên - trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn - cho biết địa phương hiện thiếu 553 người so với chỉ tiêu biên chế do giáo viên nghỉ hưu, trước đây thi tuyển song không tuyển đủ. Riêng cấp tiểu học, phòng đăng ký biên chế là 187 nhưng có 78 người đăng ký. Nếu thi đậu hết thì cấp học này vẫn thiếu hơn 100 người.
Còn tại huyện Phước Sơn có bảy trường mầm non hiện thiếu 30 giáo viên. Hiện nay địa phương có rất nhiều trẻ không được ra lớp, nhiều phòng học phải đóng cửa vì thiếu giáo viên đứng lớp. Để giải quyết bài toán thiếu hụt giáo viên, ngày 7-12 Hội đồng thi tuyển viên chức giáo viên tỉnh Quảng Nam tổ chức kỳ thi năm 2020 để tuyển dụng 1.783 giáo viên ở các bậc học. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra một giải pháp tình thế là hạ chuẩn đối với giáo viên hợp đồng để giải quyết bài toán thiếu giáo viên ở miền núi.
Tại buổi làm việc với ông Trần Văn Tân - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, mới đây Sở GD-ĐT Quảng Nam đề nghị tỉnh cho phép hợp đồng giáo viên theo nghị quyết 102 của Chính phủ để đảm bảo việc tổ chức giảng dạy và các hoạt động giáo dục của nhà trường, các trường mầm non, tiểu học. Đồng thời cần có sự linh hoạt trong vận dụng Luật giáo dục về quy định trình độ đào tạo giáo viên mới tuyển được người. Chẳng hạn như bậc mầm non ở các huyện miền núi thì chỉ cần trình độ trung cấp.
Theo Sở GD-ĐT Quảng Nam, khó khăn hiện nay là nguồn giáo viên hợp đồng quá thiếu, nhất là vùng sâu vùng xa. Nguyên nhân do Luật giáo dục 2019 quy định về trình độ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học thay đổi so với trước đây. Cụ thể là giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng trở lên; giáo viên tiểu học, THCS phải có trình độ đại học.
Ông Trần Văn Tân đã thống nhất cho các địa phương tiếp tục thực hiện hợp đồng giáo viên theo nghị quyết 102 của Chính phủ. Ngoài ra, những địa phương miền núi khó khăn có thể hợp đồng giáo viên THCS, tiểu học có trình độ cao đẳng, giáo viên mầm non có trình độ trung cấp hoặc giáo viên nghỉ hưu để giải quyết bài toán thiếu giáo viên hiện nay.
"Giải pháp tình thế"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Thanh Quốc, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, cho rằng tỉnh thống nhất việc hợp đồng đối với giáo viên ở những địa phương miền núi như vậy là một giải pháp tình thế. "Bản thân những thầy cô giáo về hưu mà còn sức khỏe thì họ có thể hợp đồng dạy được. Tuy đây là giải pháp tình thế nhưng phải đảm bảo được chuẩn, điều kiện, năng lực của giáo viên đó, chứ không phải vì thiếu mà mình làm càn" - ông Quốc nói.
Ông Quốc cho rằng lãnh đạo tỉnh rất quan tâm trong việc giải quyết bài toán thiếu giáo viên hiện nay bằng cách tổ chức thi tuyển. Sau khi đã giao cho các địa phương giải quyết việc hợp đồng đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS xong xuôi rồi thì biên chế còn lại tỉnh tổ chức thi tuyển viên chức. Ông Hà Thanh Quốc cũng cho biết Sở GD-ĐT đang tham mưu UBND tỉnh khẩn trương làm kế hoạch. Sau khi có kết quả đợt thi tuyển viên chức, tỉnh sẽ tính toán lại con số giáo viên thiếu trên cơ sở chỉ tiêu biên chế năm 2021 giao để tiếp tục thi, bổ sung cho đủ giáo viên giảng dạy.
Không tinh giản biên chế giáo viên mầm non 3 năm tới
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bộ GD-ĐT đã đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền và tham mưu Chính phủ bổ sung biên chế đối với những địa phương thiếu giáo viên theo định mức. Các địa phương không tinh giản biên chế đối với giáo viên mầm non trong ba năm học (giai đoạn 2019 - 2021) để có đủ giáo viên tối thiểu giảng dạy, trong bối cảnh cấp học này đang thiếu nhiều giáo viên.
Với những địa phương chưa thể bố trí đủ biên chế giáo viên theo định mức quy định, trước mắt cho phép thực hiện hợp đồng lao động giáo viên trong các trường hợp cụ thể. Thời gian tới, các địa phương tiếp tục cơ cấu, sắp xếp các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông hợp lý, bảo đảm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới. Các địa phương vừa được giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non cần tuyển dụng hết số biên chế được giao. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo, nhất là những "điểm nóng" về thừa, thiếu giáo viên, nhằm bảo đảm nguyên tắc có học sinh thì phải có giáo viên dạy học.
VĨNH HÀ
Nghệ An: đưa giáo viên THCS dạy tiểu học, mầm non
Theo Sở GD-ĐT Nghệ An, thiếu giáo viên là thực trạng chung của các cấp học trong nhiều năm qua ở tỉnh, đặc biệt là ở cấp tiểu học và mầm non. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Hoàn - chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An - cho biết ở tỉnh cũng có tình trạng dôi dư giáo viên ở cấp THCS. Để giải quyết bài toán này, những năm qua ngành giáo dục Nghệ An đã có nhiều giải pháp như cử giáo viên bậc THCS ở những trường dôi dư (do sáp nhập trường lớp) đi học bổ túc các lớp ngắn hạn về nghiệp vụ để dạy bậc mầm non và tiểu học.
Từ năm học tới, việc dạy học 2 buổi/ngày trở thành bắt buộc đối với bậc tiểu học. Vì vậy, ngành giáo dục Nghệ An sẽ giảm tỉ lệ giáo viên ở bậc THCS xuống 1,8 giáo viên/lớp (hiện đang 2 giáo viên/lớp) để điều chuyển hoặc ưu tiên biên chế cho bậc tiểu học đảm bảo 1,4 giáo viên/lớp (hiện đang 1,3 - 1,35 giáo viên/lớp) như hiện nay.
DOÃN HÒA
Đắk Lắk: tiếp tục khó khăn vì thiếu giáo viên
Ngày 30-12, ông Phạm Đăng Khoa - giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk - cho biết bước vào năm học mới, toàn ngành tiếp tục gặp khó khăn do số lượng giáo viên tiếp tục bị cắt giảm 10%. Theo đó, tổng số biên chế ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk năm 2021 sẽ bị cắt giảm hơn 800 người so với năm 2020.
Tình trạng này khiến việc thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, trên địa bàn càng thêm trầm trọng, dù năm 2019 tỉnh đã được Bộ Nội vụ bổ sung 818 biên chế cho bậc mầm non.
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Đắk Lắk, toàn bộ biên chế theo định mức của tỉnh là gần 27.500 người, đến nay vẫn thiếu hàng trăm người. Trong đó, theo ông Phạm Đăng Khoa, thiếu nhiều nhất là bậc mầm non.
TRUNG TÂN
Sinh viên sư phạm thất nghiệp, sao giáo viên vẫn thiếu?
Theo dự báo tại một hội thảo khoa học quốc gia về đào tạo giáo viên năm 2016, nếu mỗi năm cả nước vẫn có thêm 4.000 sinh viên sư phạm ra trường và không cân chỉnh cơ cấu đào tạo thì năm 2020 sẽ có đến 70.000 giáo viên thất nghiệp.
Con số này từng gây sốc, khiến Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương rà soát thực trạng giáo viên để tăng cường việc đào tạo theo nhu cầu ở các trường sư phạm. Nhưng tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn là bài toán khó giải của ngành giáo dục.
Đau đầu thừa và thiếu
Tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có tỉ lệ học sinh tăng trong các năm qua do tăng dân số cơ học và phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị. Năm học 2019 - 2020 Vĩnh Phúc thiếu 2.700 giáo viên, chủ yếu là giáo viên bậc mầm non. Theo quy định, tỉ lệ ở bậc mầm non phải đảm bảo 2,2 giáo viên/lớp, nhưng thực tế chỉ đạt 1,1 giáo viên/lớp.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm học 2019 - 2020 riêng bậc mầm non đã bổ sung 20.000 giáo viên, bậc tiểu học tăng 5.000 giáo viên, đưa tỉ lệ giáo viên/lớp từ 1,38 lên 1,41. Nhưng việc thiếu trầm trọng vẫn xảy ra cục bộ ở một số địa phương.
Ở bậc tiểu học, các môn chuyên biệt như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, tin học và môn tiếng Anh rơi vào tình trạng thiếu nặng giáo viên. Theo Phòng
GD-ĐT Hương Khê (Hà Tĩnh), huyện này có 21 trường tiểu học nhưng chỉ có 14 giáo viên tiếng Anh. Vì thế hàng ngàn học sinh lớp 3 chưa được học tiếng Anh, mặc dù giáo viên tiếng Anh ở huyện này đều đã dạy tăng tiết. Nhiều trường tiểu học ở các địa phương dù nỗ lực cũng chỉ có một giáo viên chuyên biệt hoặc có trường không có.
Điều khiến ngành giáo dục các địa phương đau đầu là ngay ở các địa phương thiếu hàng ngàn giáo viên thì cũng đồng thời thừa cả ngàn giáo viên khác ở một số môn học, bậc học. Giáo viên thừa nhiều ở một số môn như vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân ở bậc THCS, THPT.
Theo lãnh đạo một số sở GD-ĐT, điều đáng lo ngại là tới đây khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ở bậc trung học sẽ cần giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội (tổ hợp từ nhiều phân môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) thì có thể tình trạng thừa giáo viên ở các môn học này sẽ tăng lên.
Cô Lương Thị Hoa đứng lớp dạy học trò ở điểm bản Chà Lò, Trường tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA
Dân số tăng, biên chế không tăng
Theo ông Trần Minh Tuấn - phó Phòng GD-ĐT huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), thiếu giáo viên là tình trạng chung của Yên Lạc và một số địa phương khác ở tỉnh này. Ông Tuấn nói: "Biên chế sự nghiệp trong nhiều năm không thay đổi nên không tuyển dụng được giáo viên. Trong khi tỉ lệ học sinh tăng do tăng dân số cơ học và tăng rõ rệt ở một số khu công nghiệp, khu đô thị dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên".
Nhìn ở góc độ vĩ mô, công tác dự báo nhu cầu về đội ngũ giáo viên của cả nước và của nhiều địa phương không tốt, dẫn tới bị động trong bố trí số lượng giáo viên. Các trường sư phạm cũng không có căn cứ để xác định chỉ tiêu đào tạo theo cơ cấu tương ứng với bậc học, môn học, không bám sát nhu cầu giáo viên được dự báo trong 4 - 5 năm. Ở một số địa phương, việc tăng dân số cơ học cộng với tình trạng dịch chuyển dân số do nhiều khu đô thị, khu công nghiệp mọc lên quá nhanh khiến trường lớp quá tải, thiếu giáo viên.
Đào tạo sư phạm theo "đặt hàng"
Trong hai năm 2019 và 2020, chỉ tiêu đào tạo tăng trở lại mặc dù việc thừa giáo viên, việc sinh viên sư phạm một số nơi thất nghiệp vẫn tồn tại. Về điều này, bà Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - cho rằng tổng chỉ tiêu đào tạo sư phạm tăng theo dự báo nhu cầu giáo viên của các địa phương. Với số chỉ tiêu này cũng mới chỉ đáp ứng trên 60% nhu cầu sử dụng theo đề xuất.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo vụ này, để tránh tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp, thừa thiếu cục bộ, Bộ GD-ĐT đã kết hợp với địa phương khảo sát nhu cầu, số lượng giáo viên của từng cấp học, môn học. Từ đó thực hiện phân bổ chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm trên cơ sở kết hợp các tiêu chí: đề xuất của địa phương, năng lực của các trường cũng như phạm vi tuyển sinh.
Việc tăng cường đào tạo sư phạm theo "đặt hàng" của địa phương, theo yêu cầu của việc triển khai chương trình mới nhằm giải quyết phần thiếu hụt được Bộ GD-ĐT lưu ý đối với các trường sư phạm. Làm tốt việc này cũng giảm được tỉ lệ sinh viên sư phạm ra trường bị thất nghiệp, đồng thời có nguồn bù đắp cho giáo viên còn thiếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận