28/08/2022 10:15 GMT+7

Giải 'bài toán' nhân lực cho miền Tây

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TTO - Tọa đàm 'Nhân lực khu vực công cho Đồng bằng sông Cửu Long', do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long ngày 27-8, thu hút sự tham gia của nhiều tỉnh, thành, viện, trường trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Giải bài toán nhân lực cho miền Tây - Ảnh 1.

Ông Lê Thanh Hùng - trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang - phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tọa đàm 'Nhân lực khu vực công cho Đồng bằng sông Cửu Long', do Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long vào ngày 27-8, đã thu hút sự tham gia của nhiều tỉnh, thành, viện, trường trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương cùng hiến kế nhiều giải pháp để nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công của vùng.

Chuyên môn thấp, chưa qua đào tạo

GS.TS Sử Đình Thành - hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết số liệu giai đoạn 2015 - 2020 cho thấy tổng số cán bộ có trình độ đại học trở lên ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm hơn 31%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình cả nước là 48,1%.

Còn theo thống kê của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (hiện đã giải thể), cũng trong giai đoạn trên cho thấy có đến 52,3% cán bộ có trình độ chuyên môn là sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo, trong đó số lượng các chủ tịch UBND cấp xã chưa được đào tạo chuyên môn chiếm đến 13,5%. 

"Số liệu thống kê trên cho chúng ta thấy số lượng và chất lượng nguồn nhân lực khu vực công của vùng chưa được chú trọng để xử lý các vấn đề trọng yếu" - ông Thành phân tích.

Cũng theo ông Thành, trong bối cảnh đó, nguồn cung nhân lực chất lượng cao cho khu vực công cũng có những khó khăn khi toàn vùng có 17 trường đại học (6 trường ngoài công lập), 26 trường cao đẳng, 62 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp chủ yếu đào tạo về kỹ thuật, kinh doanh, quản trị, nông nghiệp, du lịch, môi trường... nhưng phần lớn phục vụ cho khu vực tư.

Ông Mai Văn Nhiều - phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Long An - cho biết từ năm 2005 tỉnh này đã có chương trình đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực công. So với mặt bằng chung của vùng, nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh là khá cao (75% công chức, viên chức có trình độ đại học trở lên). 

Tuy nhiên, công chức viên chức có trình độ sau đại học còn thấp khi số lượng có trình độ tiến sĩ chỉ chiếm 0,03% và thạc sĩ chỉ 5%. 

Ngoài ra, tỉnh còn một số khó khăn khác như còn thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi cũng như nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực; nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn hạn chế.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Thông - giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang - cho biết năm 2008 tỉnh có 13 tiến sĩ, 334 thạc sĩ và 9.188 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học. 

Tuy nhiên đến tháng 6-2022, tỉnh cũng chỉ tăng lên được 49 tiến sĩ, 1.555 thạc sĩ và 15.831 người có trình độ đại học. 

Theo đánh giá của ông Thông, đội ngũ cán bộ công chức viên chức tương đối đông nhưng thiếu cán bộ đầu ngành có trình độ, năng lực và chuyên môn giỏi; vẫn còn tình trạng thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc...

Nhiều kiến nghị, đề xuất

Ông Lê Thanh Hùng - trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang - cho rằng Chính phủ đã có quy hoạch tích hợp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Nguồn nhân lực cũng cần có một quy hoạch mang tính cấp vùng như vậy, để trên cơ sở đó các tỉnh mới biết nhu cầu cần gì để đào tạo. 

Ông Hùng dẫn chứng tỉnh Kiên Giang có tiềm năng về kinh tế biển và du lịch nhưng nguồn nhân lực lĩnh vực này còn hạn chế, trong khi lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng thì nhiều.

Một điểm khác mà ông Hùng cũng lưu ý là công tác đào tạo và sử dụng mà ông cho rằng "còn nhiều vấn đề". Đó là tình trạng có đào tạo nhưng sử dụng không theo ngành nghề đào tạo. 

"Anh không hiểu chuyên môn sâu, ở dưới tham mưu sao anh nghe vậy, không phản biện được. Nhiều đồng chí bị kỷ luật cũng vì vấn đề này. Do đó giữa đào tạo với sử dụng phải gắn liền chặt chẽ với nhau" - ông Hùng lưu ý thêm.

Ông Mai Văn Nhiều cho rằng biên chế càng ngày càng giảm, công việc càng ngày càng tăng, nếu không nâng cao chất lượng đội ngũ thì không thể nào giải quyết được công việc, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. 

Ông Nhiều đề xuất các tỉnh thành rà soát thực trạng cán bộ, công chức viên chức và quá trình chuyển biến cơ cấu trình độ, chuyên môn ít nhất trong vòng 10 năm để đánh giá xu hướng thế nào nhằm đưa ra kế hoạch đào tạo dài hơn trong 5, 10 hay 15 năm tới.

Ngoài ra, điều quan trọng là tạo chính sách và môi trường làm việc cho cán bộ vì cán bộ đào tạo về phải có môi trường làm việc thuận lợi, có khả năng thăng tiến. 

Ông Nhiều cảnh báo nếu đào tạo xong rồi "về thảy vô môi trường cũ" thì những người đi học thấy nản, người chuẩn bị đi học thì không muốn đi học "bởi có đi học về thì cũng như người chưa đi học mà thôi". 

Nếu giải được "bài toán" môi trường làm việc thì sẽ giải được bài toán kinh phí đào tạo, bởi lúc đó người có nhu cầu sẽ tự đi học mà không cần tới ngân sách nhà nước.

Đào tạo thạc sĩ điều hành cao cấp chính sách công

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng tổ chức khai giảng lớp đào tạo thạc sĩ điều hành cao cấp chính sách công khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

GS.TS Sử Đình Thành cho biết chương trình thạc sĩ điều hành cao cấp chính sách công được thiết kế dành riêng những cán bộ hiện đang đảm nhiệm hoặc được quy hoạch các vị trí lãnh đạo thuộc tỉnh ủy, UBND và các sở, ban, ngành của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Lớp thạc sĩ điều hành cao cấp chính sách công khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 44 học viên cao học trúng tuyển đến từ 9 tỉnh, thành phố gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang.

- Ông Lữ Quang Ngời (chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long):

Yêu cầu cấp thiết

Chính phủ vừa ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 13 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu Đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5-7%/năm, quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021...

Để thực hiện được các nhiệm vụ kế hoạch hành động đặt ra, nguồn nhân lực khu vực công có đủ và đạt chất lượng là yêu cầu cấp thiết. Cần có đủ nguồn cán bộ cho các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau.

Nguồn cán bộ này cần có năng lực tốt, nắm bắt và xử lý được yêu cầu công việc, đồng thời có năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh theo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế hay nền kinh tế số.

Can bo nong nghiep 1 28082022 1(Read-Only)

Cán bộ nông nghiệp TP Cần Thơ tại một buổi khảo sát hoạt động một trung tâm nông nghiệp trên địa bàn thành phố - Ảnh: CHÍ QUỐC

- Ông Nguyễn Khánh Tùng (viện trưởng Viện Kinh tế xã hội TP Cần Thơ):

Hai vấn đề đang "bùng nổ"

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công cần quan tâm hai vấn đề đang bùng nổ hiện nay tại vùng là chuyển đổi số và logistics.

Một báo cáo cho thấy trong tổng số 430.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin cả nước thì những người từ Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 5%. Điều này chưa tương xứng với tiềm năng dân số khi mà dân số tại vùng chiếm 19% dân số cả nước.

Trong khi về logistics, Quốc hội và Chính phủ quan tâm đầu tư các tuyến đường cao tốc trục dọc, trục ngang như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề.

Theo số liệu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, số lượng doanh nghiệp thực tế có hoạt động trong lĩnh vực này ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 5% (tương đương 1.461 doanh nghiệp).

Điều này cho thấy còn không gian để phát triển nguồn nhân lực. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi thấy Trường ĐH Cần Thơ vừa mở chuyên ngành về logistics và quản trị chuỗi cung ứng nhưng năm đầu tiên chỉ có khoảng 80 sinh viên.

Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ đã đào tạo được bốn khóa và đang chuẩn bị tốt nghiệp khóa thứ năm cũng tuyển 60 sinh viên.

Tôi nghĩ rằng đối với khu vực công, những lĩnh vực này vẫn còn mới mẻ và kỳ vọng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ có chương trình đào tạo cho lĩnh vực công và tư, để từ đó tạo đột phá cho Đồng bằng sông Cửu Long

Chỉ hơn 31% cán bộ ở ĐBSCL có trình độ đại học trở lên Chỉ hơn 31% cán bộ ở ĐBSCL có trình độ đại học trở lên

TTO - Cán bộ trong khu vực công ở Đồng bằng sông Cửu Long có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm hơn 31%, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước.

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên