Các thanh niên tranh giành phết tại lễ hội Phết Hiền Quan, tỉnh Phú Thọ năm 2016 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Dự thảo này đã phân tách rõ các loại hình lễ hội, đồng thời phân cấp cụ thể việc quản lý, cấp phép tổ chức lễ hội từ trung ương đến địa phương.
Các điều kiện để được cấp phép tổ chức lễ hội được đưa ra như: không thể hiện các nghi thức mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị; không mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; không chứa đựng các nội dung thể hiện sự kích động bạo lực; không tuyên truyền mê tín dị đoan làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức…
Nếu nhìn vào muôn mặt lễ hội thời gian qua, dễ nhận thấy những lễ hội xấu xí, lợi dụng niềm tin tín ngưỡng để trục lợi ngày càng nhiều hơn, khó kiểm soát hơn.
Tình trạng loạn khai ấn, phát ấn năm nay đã bùng phát ra nhiều địa phương như Quảng Ninh, Nghệ An…
Tình trạng tranh cướp lộc dù được các ban tổ chức lễ hội địa phương cố gắng chấn chỉnh nhưng năm nào cũng xảy ra sự cố, không ở nơi này thì nơi khác.
Ngoài ra còn những lễ hội duy trì nghi thức hiến sinh như chọi trâu, đâm trâu, treo trâu, chém lợn…
Việc cấp phép lễ hội chủ yếu nhằm vào các lễ hội mới hoặc lễ hội dân gian được khôi phục sau thời gian bị gián đoạn. Nhưng vấn đề nhức nhối trong lễ hội phần lớn nằm ở những lễ hội dân gian đã nhuốm màu trục lợi.
Đã từ rất lâu, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thẳng thắn chỉ ra đằng sau việc các lễ hội được “thổi” lên cấp tỉnh, cấp quốc gia, hay được UNESCO công nhận… là một mối lợi lớn khó từ bỏ với nhiều địa phương.
Vậy mà dự thảo nghị định lại giao việc quy hoạch lễ hội cho từng địa phương thì liệu có giải quyết được bài toán hóc búa lâu nay?
GS Ngô Đức Thịnh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian VN, đã có cắt nghĩa thấu đáo, thực trạng lễ hội hỗn loạn một phần bởi có sự đứt gãy trong lịch sử tín ngưỡng người Việt khi một thời gian dài tín ngưỡng không được thừa nhận, xóa sạch mọi lề lối trong đời sống tín ngưỡng mà cha ông để lại từ nhiều đời trước.
Ông và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa hơn một lần đề xuất cần xây dựng một chiến lược lâu dài, có thể 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa để giáo dục tín ngưỡng cho mọi người.
Để “giải thiêng” cho đám đông, cũng không ít lần các nhà nghiên cứu đề nghị các vị lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo địa phương không nên dự khai ấn, phát lộc… Đầu năm nay, Thủ tướng phải có chỉ thị cấm công chức đi lễ hội trong giờ hành chính.
Vì vậy, đi kèm chiến lược giáo dục tín ngưỡng lâu dài, nghị định cần có quy định rõ ràng khi nào quan chức nhà nước được hoặc không được tham dự lễ hội.
Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội được ban hành trong thời điểm này là cần thiết. Nhưng nếu chỉ quản lý nặng về tính hành chính, cấp phép, phân cấp… thì khó giải quyết được bài toán lễ hội xấu xí nhức nhối bao năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận