Giải bài toán giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất khi có nhà ga T3

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sắp đi vào hoạt động. Nguy cơ ùn tắc giao thông sẽ lớn hơn ở các tuyến đường và 8 nút giao thông quanh sân bay này nếu không có hệ thống giao thông công cộng hỗ trợ từ nhà ga.

Giải bài toán giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất khi có nhà ga T3 - Ảnh 1.

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đang thi công - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS PHẠM XUÂN MAI, chuyên gia giao thông, về đề xuất trạm xe buýt mới cần cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Thêm khách bay, thêm xe ra vào

Những năm qua, các tuyến đường cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra kẹt xe nghiêm trọng, đặc biệt vào cao điểm sáng, chiều và các dịp lễ, Tết.

Các năm 2023, 2024, lượng hành khách sân bay khoảng 40 - 41 triệu lượt, trung bình mỗi ngày sân bay đón khoảng 112.000 hành khách, cao điểm khoảng 150.000 hành khách/ngày. Trong khi công suất thiết kế các nhà ga T1 và T2 khoảng 28 - 30 triệu lượt hành khách/năm.

Nhà ga T3 được xây dựng để giảm tải cho sân bay, công suất 20 triệu hành khách quốc nội, nâng tổng công suất phục vụ của Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt hành khách/năm. T3 sẽ phục vụ cho hành khách nội địa của 2 hãng hàng không lớn nhất của Việt Nam là Vietnam Airlines (VNA) và VietJet (VJ) với thị phần 76% (khoảng 21 triệu hành khách).

Trong tương lai gần, lượng hành khách nội địa qua Tân Sơn Nhất sẽ càng tăng theo thị phần của VNA và VJ, lượng hành khách qua T3 sẽ có thể lên đến 24 triệu và lượng hành khách Tân Sơn Nhất đổ ra ngoài hệ thống giao thông lân cận sẽ vào khoảng 137.000 và cao điểm lễ, Tết có thể lên đến trên 170.000 hành khách/ngày.

Lượng hành khách ra vào sân bay sẽ đi theo 7 hướng chủ yếu: hướng tây bắc (Hóc Môn, Củ Chi...), hướng bắc (từ Gò Vấp, Q.12), hướng đông bắc (Thủ Đức, Bình Dương), hướng đông (Thủ Đức, Bình Thạnh), hướng nam (Q.7, Nhà Bè, các quận trung tâm), hướng tây nam (Q.5, Chợ Lớn, các quận trung tâm) và hướng tây (Bình Tân, Bình Chánh, miền Tây).

7 hướng ra vào này tại Tân Sơn Nhất sẽ dồn lên các trục đường chính như Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ và Bạch Đằng - Hồng Hà, sau đó theo đường Trường Sơn và các đường mới mở như hầm chui Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, các đường ra vào nhà ga T3 (đường C2 và 18E), đường Hoàng Hoa Thám để vào T1, 2, 3.

Tải lượng của 137.000 - 170.000 hành khách sẽ tập trung lên 5 đường chính là Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Bạch Đằng - Hồng Hà, Trường Sơn và các tuyến nối tiếp như Trường Chinh, Lê Văn Sĩ, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Kiệm, Phạm Văn Đồng… và 8 nút giao thông Lăng Cha Cả, Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi, Bảy Hiền, ngã tư Phú Nhuận, Tân Kỳ - Tân Quý… 

Các tuyến đường này còn gánh thêm lượng hành khách qua lại hằng ngày sẽ tạo ra một tải lượng rất lớn.

nhà ga T3 - Ảnh 2.

Các tuyến đường giao thông kết nối với nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất - Đồ họa: N.KH.

Nguy cơ ùn tắc lớn hơn sau khi có T3

5 tuyến chính ở trên khi tiếp cận Tân Sơn Nhất sẽ chỉ có 2 trục đường Cộng Hòa nối Hoàng Văn Thụ và Hồng Hà - Bạch Đằng. Đó là chưa kể một lượng hành khách cũng khá lớn thường xuyên "quá cảnh" đường Trường Sơn cộng với lượng xe cộ lưu thông tăng 10% theo quy luật hằng năm.

Giải pháp các tuyến giao thông trước khu vực nhà ga T3 hiện nay chỉ giải quyết được việc phân nhánh hành khách và làm thông thoáng "mặt tiền" của nhà ga T1, 2, 3, nhất là T3. 

Tuy nhiên, hành khách sau khi ra khỏi khu vực "mặt tiền" sẽ đổ dồn vào các tuyến đường xung quanh, nhất là Cộng Hòa và Hoàng Văn Thụ và 8 nút giao thông.

Các tính toán của nhóm nghiên cứu Trường đại học Bách khoa TP.HCM (BKTECHS) cho thấy ở các giờ cao điểm, có đến 8/11 tuyến đường xung quanh sân bay (trọng điểm là Cộng Hòa và Hoàng Văn Thụ) và 8 nút giao thông khu vực này có mức phục vụ LOS là "F", tức là mức ùn tắc giao thông cao và rất cao.

Cho nên khi T3 đưa vào sử dụng, giao thông khu vực ùn tắc lớn hơn nếu không có hệ thống giao thông công cộng hỗ trợ vì hiện nay chỉ có 4 tuyến xe buýt ra vào sân bay đáp ứng được khoảng 3% nhu cầu, 97% hành khách còn lại (khoảng 132.000 - 165.000) sử dụng các loại xe cá nhân, xe taxi, xe công nghệ, xe dịch vụ đều có công năng vận chuyển hành khách thấp tính theo hệ số sử dụng mặt đường. 

Và đây là nguyên nhân chính kẹt xe.

Để mở rộng mặt bằng và không gian cho khu vực nhà ga T3, đầu tháng 4 này, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến việc di dời trụ sở Sư đoàn không quân 370 rộng 4,2ha ở ngay phía trước nhà ga T3 ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất.

Từ đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam có thể triển khai các công trình phụ trợ cho nhà ga T3 như: bãi đỗ xe, điểm đón phương tiện công cộng (xe buýt)...

Giao thông công cộng ở sân bay nước bạn

Sân bay quốc tế của các nước trên thế giới đều được tổ chức hệ thống giao thông công cộng (GTCC) rất tốt, đảm nhận trên 60% nhu cầu vận chuyển hành khách bằng xe buýt sân bay, tàu điện sân bay và tàu điện ngầm. Hầu như rất ít khi xảy ra ùn tắc sân bay.

Những sân bay lớn trong khu vực Đông Nam Á như Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan) công suất 45 triệu hành khách/năm có thể nâng cấp lên 150 triệu hành khách/năm, hay sân bay Changi (Singapore) công suất 73 triệu hành khách/năm đều được thiết kế với GTCC rất tốt.

Trong đó, các điểm tiếp cận GTCC (còn gọi là trạm xe buýt sân bay - TBS) nằm ngay trong sân bay, tại các sảnh đi và sảnh đến, để thu hút và dễ tiếp cận cho hành khách.

Giải pháp "phi công trình" với buýt xanh

Giải bài toán giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất khi có nhà ga T3 - Ảnh 3.

Kiến nghị bố trí Trạm xe buýt sân bay cho nhà ga T3 (23 ô đỗ xe buýt điện) - Đồ họa: PHẠM XUÂN MAI

Theo đề xuất của BKTECHS, tại Tân Sơn Nhất sẽ có 2 trạm xe buýt sân bay (TBS), một TBS dành cho hành khách đi T1 và T2 đặt tại giao tiếp giữa đường Bạch Đằng - Trường Sơn và một TBS đặt ngay tại sảnh ra của nhà ga T3 ở tầng trệt.

Hai TBS này là đầu mối kết hợp 18 tuyến xe buýt sân bay (14 tuyến Express, 3 tuyến con thoi và 1 tuyến buýt đêm).

Đây là đề xuất của BKTECHS đã được Sở Giao thông công chánh TP.HCM thông qua, sẽ đảm nhận được từ 28-30% nhu cầu đi lại của hành khách sân bay, tập trung cho phân khúc hành khách giá rẻ của VietJet và một số hãng bay khác.

Phương án này góp phần lớn vào giảm tải và kẹt xe cho các tuyến đường trọng yếu quanh sân bay từ 7 hướng hành khách thành phố và các khu vực lân cận.

Ngoài ra, các công cụ và công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) cũng phải được đưa vào hệ thống thông tin để hành khách dễ dàng tiếp cận giao thông công cộng sân bay.

Sân bay cũng cần có thêm dịch vụ ký gửi hành lý cho hành khách, để họ có thể ký gửi hành lý nặng hay cồng kềnh theo dịch vụ vận chuyển "đi kèm". Hành khách có thể giao và nhận lại dễ dàng hành lý tại nhà hay tại sảnh đi và đến của sân bay.

Đặc biệt, hệ thống 18 tuyến xe buýt sân bay sẽ sử dụng xe buýt thuần điện, sạch, xanh, đẹp, tăng tiện nghi, thoải mái cho hành khách và bảo vệ môi trường.

Thay vì cần có một nguồn kinh phí lớn hàng chục ngàn tỉ đồng để xây dựng các công trình giao thông giải tỏa ùn tắc thì giải pháp giao thông công cộng "phi công trình" bằng hệ thống xe buýt sân bay là một lựa chọn tối ưu về kinh phí và tác động tổng thể.

Thành phố và Tổng công ty Hàng không Việt Nam nên thực hiện với các đề xuất như đã nói phù hợp thực tế khách quan.

Giải bài toán giao thông quanh sân bay Tân Sơn Nhất khi có nhà ga T3 - Ảnh 5.Đi đường nào để đến nhà ga T3 Tân Sơn Nhất?

Dự kiến nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chính thức đi vào hoạt động, giảm tải cho hai nhà ga hiện hữu sau dịp 30-4. Đi lối nào để đến đây thuận tiện?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên