25/10/2016 09:42 GMT+7

Giải bài toán gánh nặng đi lại

 HUỲNH THẾ DU
HUỲNH THẾ DU

TTO - Tham gia diễn đàn “Hiến kế giải cứu giao thông”, ông Huỳnh Thế Du, giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng muốn giải bài toán giao thông đô thị phải nhìn đúng thực chất câu chuyện về sự phổ biến của xe máy.

Người dân mệt mỏi bởi kẹt xe trên đường Nguyễn Thái Sơn, TP.HCM  - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tình trạng phổ biến xe máy hiện tại ở các đô thị lớn nước ta là do đặc điểm sinh hoạt, cấu trúc đô thị và các hoạt động kinh tế mà chúng đã hình thành qua mấy thập kỷ. Do vậy, chúng ta không thể nóng vội muốn xóa hay muốn cấm là được.

Một “bức tranh” giao thông

Hãy hình dung việc đi lại của một gia đình ở TP.HCM có hai người con cần phải đưa đón đi học mỗi ngày, người chồng làm công ăn lương trong giờ hành chính và người vợ làm nhân viên một cửa hàng theo dạng không có hợp đồng chính thức từ 8g sáng đến 8g tối.

Hai người con đi học thêm một tuần ba buổi, người vợ đảm trách việc đi chợ và hai vợ chồng cùng chia sẻ việc nhà. Khoảng cách đi lại bình quân từ nhà đến nơi làm việc của ba mẹ hay nơi học của các con và từ nơi làm việc của ba mẹ đến trường của các con là 6km, nhà cách chợ 2km.

Với cự ly bình quân 6km thì thời gian đi xe máy hết gần 20 phút và thời gian đi bằng xe buýt là gấp đôi (do phải đi bộ hai đầu và xe buýt chạy chậm hơn xe máy). Giả sử người chồng đảm trách việc đưa đón hai con cùng học một trường, nhưng nơi học thêm khác nhau thì mỗi ngày bình quân phải đi lại tám chuyến.

Nếu đi bằng xe máy mất khoảng hai tiếng rưỡi, còn đi bằng xe buýt mất khoảng năm giờ.

Đối với người vợ, nếu sử dụng xe máy thì tổng thời gian một lần đi chợ chỉ mất khoảng 30 phút (đi lại 10 phút và thời gian mua sắm 20 phút), trong khi đi bộ thì mất khoảng 80 phút, còn đi xe buýt mất ít nhất 60 phút.

Nếu đi bằng xe máy thì người vợ chỉ cần thức dậy lúc 5g30 sáng để đi chợ và chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà kịp cho ba cha con ra khỏi nhà lúc 6g50 để bố vào làm lúc 7g30. Khi đó người vợ sẽ có gần một giờ để dọn dẹp và chuẩn bị thức ăn trong ngày, sau đó đến nơi làm đúng giờ và trở về nhà lúc 8g20 tối.

Nếu sử dụng xe buýt người vợ phải dậy trước 5g sáng, chỉ có khoảng 30 phút để dọn dẹp và về nhà gần 9g tối với điều kiện xe buýt không bị trễ.

Đến đây chúng ta có thể hình dung ra sự phổ biến của xe máy, còn xe buýt là phương tiện cực chẳng đã mới sử dụng. Hình thái đi lại này được hình thành qua mấy thập kỷ phát triển đô thị, cấu trúc hoạt động kinh tế và việc làm ở các đô thị lớn Việt Nam.

Nếu giảm được việc đưa đón con đi học sẽ góp phần giảm kẹt xe ở thành phố Ảnh: Châu Anh
Nếu giảm được việc đưa đón con đi học sẽ góp phần giảm kẹt xe ở thành phố - Ảnh: CHÂU ANH

Hai lời giải: giảm đưa đón và tích hợp hoạt động

Bài toán giao thông đô thị ở đây là làm sao giảm gánh nặng đi lại hằng ngày tập trung vào hai việc gồm: cha mẹ không phải đưa đón con đi học và giảm việc chia cắt các chuyến đi bằng việc tích hợp các hoạt động hằng ngày.

Để cha mẹ không phải đón con đi học, cần ít nhất hai điều kiện.Thứ nhất, làm sao để mỗi ngày học sinh chỉ phải đến trường và về nhà một lần. Hình thức học bán trú mà ở đó học sinh có thể được phụ đạo thêm ở một số trường là bài toán cho việc này.

Muốn vậy thì thu nhập của giáo viên từ việc giảng dạy chính thức của mình phải đủ sống để ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.

Thứ hai, cần phải có một hệ thống vận tải công cộng hay hệ thống xe buýt đưa đón học sinh thuận lợi và tin cậy để cha mẹ có thể yên tâm giao việc đưa đón con mình cho các bác tài. Nhà nước đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng hệ thống này.

Bài toán thứ hai chính là tạo dựng các hoạt động hằng ngày của một gia đình trên một luồng tuyến cố định. Đó chính là phát triển đô thị theo định hướng vận tải công cộng.

Ví dụ, nếu gia đình này ở Suối Tiên, cha làm việc tại Bến Thành, mẹ làm việc ở Thủ Đức, các con đi học ở quận 9 thì việc đi lại hiện nay rất nan giải.

Tuy nhiên, khi tuyến tàu điện ngầm đầu tiên hoàn thành và các siêu thị, trung tâm mua sắm, nhà ở cao tầng và văn phòng được xây san sát dọc tuyến này, mọi chuyện trở nên đơn giản hơn nhiều.

Khi ấy, sáng chồng lên tàu vào trung tâm làm việc, vợ đi Thủ Đức chiều về ghé vào siêu thị ở một trạm nào đó mua thức ăn rồi về, cuối tuần cả gia đình cùng lên tàu điện ngầm đi mua sắm rồi cùng xem phim hoặc tham gia các hoạt động giải trí ở một trạm nào đó trên các tuyến tàu điện ngầm.

Lúc này, nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân sẽ không còn chính yếu nữa.

Bài toán dài hơi

Muốn giải quyết bài toán này cần thay đổi nhu cầu và cách thức đi lại bắt nguồn từ cách thức sinh hoạt và các hoạt động kinh tế. Do vậy, nhìn từ khía cạnh chính sách cần tập trung vào một số vấn đề sau.

Thứ nhất, phát triển đô thị nên theo định hướng vận tải công cộng. Cụ thể, việc hình thành các đô thị vệ tinh là hướng đi đúng. Tuy nhiên, cần phải hạn chế việc phát triển đô thị mật độ thấp mà tập trung vào đô thị mật độ cao ở các điểm trung tâm và dọc các tuyến hay hành lang vận tải công cộng.

Thứ hai, tái cơ cấu nền kinh tế và tập trung vào việc chính thức hóa các hoạt động kinh tế và tạo ra các hình thái việc làm như được phân tích ở trên. Cuối cùng, áp dụng các chính sách không khuyến khích việc sử dụng các phương tiện cá nhân, nhất là các loại phương tiện sử dụng nhiều nguồn lực và không gian như ôtô cá nhân chẳng hạn.

Đồ họa: TẤN ĐẠT
HUỲNH THẾ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên