Giấc ngủ ngắn kéo dài ở người lớn tuổi có thể là dấu hiệu suy giảm nhận thức, đặc biệt là Alzheimer - Ảnh: ALAMY
Theo báo Guardian, các nhà khoa học đã theo dõi hơn 1.000 người, với tuổi trung bình là 81, trong nhiều năm để có thể đi tới các kết luận nghiên cứu vừa công bố.
Mỗi năm, những người tham gia đeo một thiết bị theo dõi chuyển động trong tối đa 14 ngày. Mỗi khoảng thời gian không hoạt động kéo dài trong thời gian từ 9h đến 19h được xem là giấc ngủ ngắn. Hằng năm, họ cũng tham gia bài kiểm tra đánh giá nhận thức.
Tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu, 76% người tham gia không bị suy giảm nhận thức, 20% suy giảm nhận thức nhẹ và 4% mắc Alzheimer.
Với những người tham gia không bị suy giảm nhận thức, thời gian của những giấc ngủ ngắn hằng ngày tăng trung bình 11ph/năm. Tỉ lệ tăng gấp đôi với người được chẩn đoán suy giảm nhận thức nhẹ lên tổng cộng 24ph, và gần gấp ba lên đến 68ph với người mắc Alzheimer.
Nhìn chung, nghiên cứu, công bố trên tạp chí Alzheimer's and Dementia: The Journal of the Alzheimer's Association, phát hiện người lớn tuổi ngủ nhiều hơn một giờ vào ban ngày có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn 40% so với người ngủ ít hơn một giờ.
"Điều quan trọng rút ra từ nghiên cứu là nếu bạn không thường có các giấc ngủ ngắn ban ngày, và bạn nhận thấy mình đang bắt đầu buồn ngủ hơn trong ngày, đó có thể là dấu hiệu suy giảm nhận thức", tiến sĩ Yue Leng, làm việc tại ĐH California San Francisco, cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận