02/02/2023 12:03 GMT+7

Giấc mộng trường sinh: Sống thọ bách niên không khó?

Theo con cái cụ bà Aline Méténier (106 tuổi) và nhân viên viện dưỡng lão, bà sống thọ nhờ tính cách mạnh mẽ và lối sống năng động.

Giấc mộng trường sinh: chuyện có thật hay giấc mơ đẹp? -  - Ảnh 1.

Lối sống vui vẻ, chan hòa và yêu thương là liều thuốc tươi trẻ, sống thọ - Ảnh Facebook

Ngày 12-1-2023, cụ bà Aline Méténier đã ăn mừng sinh nhật 106 tuổi. Từ năm 102 tuổi, bà vào sống trong viện dưỡng lão ở Hermitage (tỉnh Allier của Pháp). Trả lời kênh truyền hình France 3, bà khẳng định bà không có bí quyết sống thọ nào hết và không hề nghĩ mình có thể sống qua 100 tuổi. 

Song các con bà và nhân viên viện dưỡng lão ghi nhận bà sống thọ nhờ tính cách mạnh mẽ và lối sống năng động.

Tôi luôn nhìn góc độ tích cực của mọi sự việc, tôi là người lạc quan, tôi là người hạnh phúc.

GLORIA WEBERG

Muốn sống thọ hãy lạc quan

Ăn uống chừng mực, làm đúng sở thích

Trong khi các nhà khoa học miệt mài nghiên cứu các giải pháp kéo dài tuổi thọ, không có gì thú vị cho bằng lắng nghe chính các cụ bà, cụ ông kể về lối sống đã giúp họ sống thọ bách niên. 

Tại Anh vào trung tuần tháng 1-2023, cụ bà Beryl Carr bước sang tuổi 101 và trở thành tình nguyện viên lớn tuổi nhất của tổ chức Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS).

Năm 2003 sau khi chồng qua đời, bà bắt đầu làm công việc thu ngân mỗi tuần bốn tiếng tại quán cà phê Friends thuộc Bệnh viện Ealing ở London để có dịp gặp gỡ mọi người. 

Với công lao hoạt động tình nguyện 20 năm, bà đã được thủ tướng Anh đề nghị trao tặng Huân chương đế chế Anh (BEM). 

Bà nói rất khiêm tốn khi chia sẻ về bí quyết sống thọ: "Mọi thứ đều phải có chừng mực! Nhưng thật ra tôi cũng là người may mắn".

Ngày 29-12-2022, hai cụ bà Audrey White 102 tuổi và Phyllis Long 106 tuổi đã được nhà dưỡng lão Amherst House ở Horley (hạt Surrey) chiêu đãi một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ. 

Trả lời báo Evening Standard (Anh), hai cụ cho biết bí quyết sống thọ của họ là cười nhiều và hít thở không khí trong lành. 

"Dù bao nhiêu tuổi thì các cháu nên hít thở nhiều không khí trong lành và đi bộ đường dài. Thiên nhiên và không gian khoáng đãng ngoài trời rất có ích", bà Long căn dặn.

Tại Mỹ, bác sĩ chuyên khoa thần kinh Howard Tucker ở Cleveland (bang Ohio) cho rằng nghỉ hưu chính là kẻ thù của tuổi thọ, vì vậy ở tuổi 100 ông vẫn tiếp tục làm việc sau 75 năm hành nghề khám bệnh. Ông đã được tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới vinh danh là bác sĩ đang hành nghề cao tuổi nhất thế giới. 

Ông bộc bạch: "Tôi nghĩ rằng người nghỉ hưu có thể phải đối phó với nguy cơ sống khép kín và kết thúc cuộc đời trong viện dưỡng lão. Vì vậy thật thú vị khi được sống và làm việc... Người nghỉ hưu nên làm việc gì đó theo sở thích dù đó là công việc cộng đồng hay sở thích cá nhân. Bạn cần phải có chất kích thích não bộ mỗi ngày".

Khi được hỏi về bí quyết sống thọ, "bà già gân" Gloria Weberg ở St. Joseph (bang Michigan), thọ 101 tuổi, cho biết: "Mọi người đều hỏi tôi câu hỏi tương tự. Tôi thực sự không biết phải trả lời thế nào ngoại trừ việc ngay từ đầu tôi đã là người sống tích cực". 

Quả thật nhiều nghiên cứu đã chứng minh người sống lạc quan đạt tuổi thọ cao hơn ngoài 85 tuổi.

Vậy người thọ bách niên thường ăn uống theo chế độ nào? Theo kênh truyền hình NBC (Mỹ), các cụ ông, cụ bà trăm tuổi cho biết họ ăn mọi thứ một cách chừng mực thay vì kiêng kỵ ăn món này, món nọ. Họ vẫn ăn ít đồ ngọt và chú ý giữ thể trọng khỏe mạnh. 

Bà Weberg thường dùng một ly vang đỏ mỗi bữa ăn tối hoặc đôi khi uống một ly rượu mạnh martini vào tối thứ sáu. Ông Les Savino ở Hanover (bang Pennsylvania) khẳng định ông không ăn chay nhưng không ăn nhiều thịt mà chỉ thích hải sản. 

"Nhiều người ăn ngấu nghiến, còn ông chỉ ăn đến khi đã thèm thì ngưng", ông kể.

Về tinh thần, hãy lấp đầy cuộc sống của bạn với những con người và những hoạt động mà bạn yêu thích như bác sĩ Tucker dẫn chứng: "Bạn phải cảm thấy hạnh phúc trong công việc cũng như trong cuộc sống gia đình". 

Bà Weberg trích dẫn câu ngạn ngữ Tây Tạng: "Bí quyết để sống tốt và sống lâu là ăn phân nửa, đi bộ gấp đôi, cười gấp ba và yêu thương không giới hạn".

Giấc mộng trường sinh: chuyện có thật hay giấc mơ đẹp? -  - Ảnh 3.

Bác sĩ Howard Tucker tuổi đã bách niên - Ảnh: Getty Images

Bốn bí quyết sống lâu khỏe mạnh

Nhà khảo cứu Dan Buettner (62 tuổi) - thành viên Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ - đã đặt ra thuật ngữ "vùng xanh" để chỉ các địa phương đạt chất lượng cuộc sống nên cư dân sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn những nơi khác. 

Hầu hết cư dân sống trong "vùng xanh" đều vượt mốc 100 tuổi. Căn cứ tuổi bình quân của cư dân, tỉ lệ bệnh tật, chế độ ăn uống hoặc thói quen hằng ngày, có năm địa phương từ lâu đã đạt tiêu chuẩn "vùng xanh".

1. Đảo Sardinia (Ý): Cư dân có một chỉ thị di truyền hiếm gặp mang tên M26. Ngoài ra, phần lớn họ sống rất tích cực và khi về già vẫn làm việc như đánh cá, trồng trọt. 

Họ dùng thức ăn rất sạch như bánh mì với các loại hạt, rau cải và trái cây hái trong vườn, các sản phẩm từ sữa và rượu vang. Thói quen ẩm thực của họ ngăn ngừa được nhiều bệnh như bệnh tim hay Alzheimer.

2. Bán đảo Nicoya (Costa Rica): Cư dân luôn sống với cách nhìn tích cực về cuộc sống. Họ xem mối quan hệ gia đình rất quan trọng, vì vậy dành nhiều thời gian cho người thân. Chế độ ăn uống của họ dựa trên ba món chủ lực gồm bí, bắp và đậu. Họ còn có thói quen phơi nắng mỗi ngày để bổ sung vitamin D.

3. Quần đảo Okinawa (Nhật): Địa phương này có tỉ lệ ung thư, bệnh tim và chứng sa sút trí tuệ thuộc hàng thấp nhất thế giới. Ngoài hoạt động thể chất hay chế độ ăn uống dựa trên thực vật, tình cảm giúp ích cộng đồng là nguyên nhân giải thích vì sao tuổi thọ của họ cao.

4. Đảo Ikaría (Hy Lạp): Ngoài không khí trong lành và khí hậu Địa Trung Hải, cư dân còn có thói quen ngủ một giấc ngắn mỗi ngày và uống nước pha hương thảo hoặc cây xô thơm (ngải đắng). Họ ăn chủ yếu là thực phẩm đặc trưng địa phương như dầu ô liu, sữa dê hoặc khoai tây có tác dụng thúc đẩy khả năng phòng vệ miễn dịch tự nhiên.

5. Thị trấn Loma Linda (bang California, Mỹ): Cư dân thường theo chế độ ăn chay giàu chất xơ và các loại hạt. Đặc biệt họ sống rất năng động. Ở đây, số ca ung thư ruột kết, bệnh tim mạch và mức cholesterol đặc biệt thấp.

Dan Buettner đã viết nhiều sách về năm "vùng xanh" trên thế giới. Ông chia sẻ ông học được bốn điều về những người sống lâu khỏe mạnh tại năm "vùng xanh" này như sau: 

Một là luôn di chuyển theo cách tự nhiên như đi bộ, làm vườn, làm việc nhà; 

Hai là dành thời gian để thư giãn bao gồm áp dụng các cách giảm căng thẳng như cầu nguyện, ngủ trưa; 

Ba là tuân thủ quy tắc 80%, dừng ăn khi đã no 80% và ăn bữa ăn ít nhất vào đầu buổi tối; b\

Bốn là sống trong cộng đồng thích hợp và xây dựng mạng lưới xã hội bền vững với càng nhiều bạn càng tốt.

Giấc mộng trường sinh: chuyện có thật hay giấc mơ đẹp? -  - Ảnh 4.

Tình nguyện viên Beryl Carr (trái) 101 tuổi - Ảnh: express.co.uk

Tránh tức giận

Theo báo Manila Bulletin, vào cuối năm 2022, nhân viên Văn phòng Các vấn đề về người cao tuổi ở Cebu City (Philippines) đã đến tận nhà thăm hỏi hai cụ bà Efigenia Macuto Bardos và Victoriana Ubod đồng thời trao cho mỗi cụ 100.000 peso Philippines (1.820 USD) để mừng thọ 100 tuổi.

Bà Bardos kể từ thời còn trẻ bà thường ăn xúp cá gừng (tinolang isda), cá hầm giấm (paksiw na isda) và gỏi cá sống (kinilaw) kèm một chai bia. Con trai bà năm nay 70 tuổi cho biết gia đình ăn chủ yếu là cá và rau cải.

Ngược lại, bà Ubod ăn bất cứ món gì. Chỉ một điều bà luôn tránh là thái độ tức giận.

Giấc mộng trường sinh - Kỳ 3: Ngăn bệnh tật lúc về già được không?Giấc mộng trường sinh - Kỳ 3: Ngăn bệnh tật lúc về già được không?

Đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe là điều bình thường, nhưng nhiều người ở Singapore như doanh nhân Kong Mun Chew lại tìm đến trung tâm trường thọ Regenosis, phòng khám chuyên khoa về lão hóa đầu tiên tại Singapore.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên