30/01/2023 12:45 GMT+7

Giấc mộng trường sinh: chuyện có thật hay giấc mơ đẹp? Kỳ 1: Làm thế nào chúng ta trẻ lại?

Kéo dài tuổi thọ là khoa học nghiên cứu chống lão hóa, thậm chí giúp con người "có thể sống được 200 năm" như tuyên bố của một vị bác sĩ uy tín ở Mỹ.

Giấc mộng trường sinh: chuyện có tật hay giấc mơ đẹp? Kỳ 1: Làm thế nào chúng ta trẻ lại? - Ảnh 1.

TS Richard Klausner thuyết trình tại hội thảo Life Itself - Ảnh: CNN

Lĩnh vực nghiên cứu này phát triển chưa từng thấy trong những năm gần đây và dự kiến sẽ trở thành một trong những cơ hội đầu tư lớn nhất trong vài thập niên tới. Sự thật là gì?

Cuối tháng 5-2022, một hội thảo sang trọng mang tên Life Itself kéo dài ba đêm đã được tổ chức tại San Diego (bang California, Mỹ) với vé tham dự lên đến 4.000 USD. Hội thảo quy tụ khoảng 50 diễn giả và số khách mời hạn chế đến từ các lĩnh vực sức khỏe và y tế.

Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể quay ngược thời gian.
TS RICHARD KLAUSNER

Xử lý tế bào để trẻ hóa?

Nhà khoa học nổi đình nổi đám trong hội thảo chính là TS Richard Klausner, người đồng sáng lập và nhà khoa học chính của Công ty công nghệ sinh học Altos Labs. 

Tại hội thảo, ông đã trình bày các dữ liệu thí nghiệm chưa từng công bố về một quy trình mới mà ông gọi là "trẻ hóa y học". 

Ông đã trình chiếu các đoạn phim slide được đánh dấu mật cho thấy nhờ quy trình "trẻ hóa y học", chuột béo phì đã khỏi bệnh tiểu đường sau thời gian điều trị và vẫn sống sót dù phải chịu các liều thuốc giảm đau thông thường gây chết người.

Công ty Altos Labs mới chính thức ra mắt vào tháng 1-2022 với vốn đầu tư hơn 3 tỉ USD từ các đại gia ở thung lũng Silicon và tiền từ các quốc gia dầu mỏ ở vịnh Persic. 

TS Klausner và các nhà tài trợ đã đưa ra mức lương từ 1 triệu USD trở lên để thu hút hàng chục nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về công nghệ mới mang tên "lập trình trẻ hóa".

Theo tạp chí MIT Technology Review, kỹ thuật cơ bản mà Công ty Altos Labs đang khai thác chính là quy trình đã được nhà khoa học Shinya Yamanaka ở Đại học Kyoto (Nhật) khám phá vào năm 2006. 

Khi Yamanaka và các cộng sự thêm bốn protein vào tế bào da, khoảng hai tuần một số tế bào đã biến đổi rất đáng kinh ngạc. 

Chúng trở nên trẻ hơn và biến thành tế bào gốc gần giống với tế bào gốc của phôi thai vài ngày tuổi. Bốn protein sau này được gọi là các tác nhân Yamanaka. 

Khám phá mới đã mang về cho Yamanaka giải Nobel y học năm 2012. Riêng ông sau này được mời về làm cố vấn khoa học cho Công ty Altos Labs.

Ban đầu khám phá của Yamanaka được sử dụng để tái lập trình các tế bào của bệnh nhân để tạo ra tế bào gốc, sau đó tế bào gốc được sử dụng để sản xuất các mô cấy ghép, tế bào võng mạc hoặc tế bào thần kinh. 

Một thời gian sau, các nhà khoa học tự hỏi liệu sử dụng các tác nhân Yamanaka cho động vật sống sẽ đạt kết quả gì. Năm 2013, một nhóm nghiên cứu Tây Ban Nha đã làm điều đó với kết quả thật khủng khiếp. 

Cơ thể chuột thí nghiệm mọc lên rất nhiều u quái. Nguyên nhân do trong quá trình tái lập trình chuột thí nghiệm, các tế bào trở nên trẻ hơn nhưng đồng thời xóa luôn danh tính, biến chúng thành tế bào gốc phôi thai không thuộc về chuột trưởng thành.

Vậy có cách nào tách rời hai hiện tượng nhằm tế bào trở nên trẻ hơn nhưng danh tính vẫn không bị xóa? Năm 2016, Viện nghiên cứu sinh học Salk do TS Juan Carlos Izpisua Belmonte phụ trách thông báo đã có câu trả lời. 

Họ biến đổi gene di truyền của chuột mắc bệnh lão hóa sớm để mọi tế bào của chuột sản sinh ra các tác nhân Yamanaka chỉ khi chuột được cho ăn một chất bổ sung đặc biệt trong thức ăn. Nếu kích hoạt các gene quá lâu, chuột sẽ mắc ung thư. 

Do đó các nhà khoa học kích hoạt các tác nhân Yamanaka trong thời gian giới hạn mỗi lần chỉ vài giờ, nhờ vậy chuột đã trở nên khỏe hơn và sống lâu hơn một chút. Chiến thuật này được gọi là "tái lập trình một phần".

Giấc mộng trường sinh: chuyện có tật hay giấc mơ đẹp? Kỳ 1: Làm thế nào chúng ta trẻ lại? - Ảnh 4.

TS Izpisua Belmonte hiện nay đã rời Viện Salk để phụ trách một trung tâm nghiên cứu ở San Diego cho Công ty Altos Labs - Ảnh: technologyreview.com

Chưa có nền tảng khoa học vững chắc

Sau hơn một thập niên nghiên cứu quy trình tái lập trình tế bào, hiện nay một số công ty công nghệ sinh học và phòng thí nghiệm thông báo khi sử dụng liều lượng có kiểm soát các protein tác nhân Yamanaka để tái lập trình cho vật thí nghiệm, họ nhận thấy quy trình này đã làm cho con vật hoặc vài cơ quan của con vật trở nên trẻ hơn. Dù vậy, chưa ai có ý tưởng rõ ràng về các phương pháp điều trị trong tương lai.

Một số người cho rằng đó sẽ là điều trị di truyền học bằng cách thêm thắt ADN vào các gene. Những người khác mong đợi sẽ tìm ra thuốc có chứa hóa chất thực hiện công việc này. 

TS David Sinclair, phụ trách phòng thí nghiệm về lão hóa tại Đại học Harvard, nhận xét: "Tôi dự đoán một ngày nào đó, đến bác sĩ và nhận đơn thuốc giúp bạn trẻ lại 10 năm là chuyện bình thường. Không có lý do gì chúng ta không thể sống 200 tuổi".

Tạp chí MIT Technology Review đánh giá các tuyên bố khó tin như trên đã tạo ra nhiều hoài nghi. Nhiều ý kiến chỉ trích công nghệ "lập trình trẻ hóa" quá cường điệu, thích khoe khoang cái tôi và thiếu căn cứ khoa học. 

TS phôi thai học Alfonso Martinez Arias, phụ trách phòng thí nghiệm tại Đại học Pompeu Fabra (Tây Ban Nha), đánh giá tuyên bố của TS Klausner hoành tráng đến mức ông phải... ôm bụng cười. 

Ông nhận xét: "Ông ấy đang rao giảng về một điều rất thú vị nhưng chỉ mới sơ khởi dựa trên nền tảng khoa học chưa có gì chắc chắn".

Tháng 3-2022, Viện Salk phát thông cáo báo chí khẳng định các nhà khoa học của viện có thể "đảo ngược quá trình lão hóa một cách an toàn và hiệu quả" nơi chuột thí nghiệm. 

Song các phòng thí nghiệm khác đã làm giống như vậy nhưng không cho ra kết quả tương tự, bởi thế nhiều người cứ nghi nghi hoặc hoặc. 

GS di truyền học Hiro Nakauchi tại Đại học Stanford khẳng định: "Thành thật mà nói tôi nghi ngờ các bài viết khoa học như thế". 

Ông cho biết ông đã cho chuột tiếp xúc với các tác nhân Yamanaka nhưng chưa thấy dấu hiệu nào chúng trở nên trẻ hơn.

Trên thực tế đến nay chưa có nhóm nghiên cứu hoặc công ty nào cam đoan chuột bình thường sau khi trải qua quy trình tái lập trình một phần có thể sẽ sống lâu hơn. 

TS Klausner giải thích kéo dài tuổi thọ nghĩa là kéo dài số năm sống trong tình trạng sức khỏe tốt, do đó Công ty Altos Labs chỉ muốn áp dụng công nghệ "lập trình trẻ hóa" như một giải pháp điều trị bệnh.

Trong khi đó, giới khoa học vẫn chưa đồng tình về nguyên nhân gây lão hóa và thời điểm bắt đầu lão hóa trong cuộc sống. 

Một số người cho rằng thời điểm này bắt đầu từ lúc thụ thai nhưng nhiều người khác lại cho rằng từ lúc mới sinh hoặc sau tuổi dậy thì. Điều oái oăm ở chỗ những điều mù mờ đã biến công nghệ "lập trình trẻ hóa" hấp dẫn hơn.

TS Richard Klausner không phải là "tay ngang"

Vị tiến sĩ này từng giữ chức giám đốc Viện Ung thư quốc gia Mỹ và phụ trách về sức khỏe toàn cầu cho quỹ Gates.

Ông là người đứng sau nhiều dự án công nghệ sinh học nổi tiếng như Công ty xét nghiệm máu chống ung thư Grail.

Bản thân ông cũng nhìn nhận "trẻ hóa y học" là tham vọng lớn vì nếu có thể làm cho các tế bào trẻ hơn, khỏe hơn và dẻo dai hơn, chúng ta sẽ có một phương thức đa năng ngăn ngừa nhiều bệnh cùng lúc nhưng điều này lại mâu thuẫn với y học chính xác (y học cá thể hóa).

*************

TS Klausner thừa nhận hiện tượng tái lập trình vẫn còn là "điều bí ẩn hoàn toàn" nhưng đây là nguyên nhân thu hút các nhà đầu tư bỏ hàng đống đô la tài trợ nghiên cứu.

>> Kỳ tới: Cuộc gặp tỉ đô của giới siêu giàu

Collagen chống lão hóa? Đúng, song đừng bị lừa!Collagen chống lão hóa? Đúng, song đừng bị lừa!

TTO - 'Da nhăn, cơ đau, khớp nhức mỏi... hãy dùng collagen'. Những quảng cáo mạnh mẽ thế này có đáng tin?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên