02/05/2011 09:52 GMT+7

Giấc mộng kỳ nam

THÁI BÁ DŨNG - LÊ ANH
THÁI BÁ DŨNG - LÊ ANH

TT - Từ những thông tin mập mờ về có các nhóm người trúng trầm với trị giá bạc tỉ, gần một tháng nay nhiều người dân thị xã An Khê và huyện Kông Chro (Gia Lai) kéo nhau vào rừng để tìm vận may cùng giấc mơ đổi đời.

Upuz70Ao.jpgPhóng to

Sau hơn mười năm lăn lộn ở rừng, giờ đây nhà ông Nguyễn Xuân Thơm (thị xã An Khê, Gia Lai) vẫn nghèo nàn. Trước “cơn lốc” kỳ nam, ông Thơm không mặn mà nữa mà ở nhà giúp vợ con thu hoạch mùa màng - Ảnh: T.B.D.

Trời vừa rạng sáng, con đường dẫn vào huyện Kông Chro đã xôm tụ khác với sự vắng vẻ thường ngày. Trong số những thương lái kẹp hai sọt hàng để vào làng xa bán hàng, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những đoàn xe của những người lao động nghèo chở phía sau đầy balô, chiếu, bạt và dao, cuốc vội vã lao về hướng xã Sơ Ró, huyện Kông Chro.

Chị Đặng Thị Tâm, người bán hàng nước ở ngã ba Ya Ma, nói: “Dân “trầm” đó, mấy hôm nay đi nhiều lắm. Ngày nào chạng vạng sáng và tầm một, hai giờ chiều cũng có dăm bảy tốp kéo nhau vào Sơ Ró”.

Chạy theo tin đồn

“Không có chuyện trúng kỳ nam”

Ngày 18-4, trong giới tìm trầm lại đồn nhau ông Mười Long (làng Sơ Ró, xã Sơ Ró, huyện Kông Chro) trúng hơn 3 lạng kỳ nam, bán được hơn 2 tỉ đồng. Nhưng ông cho biết đó chỉ là tin đồn, sự thật là nhóm đi suốt hơn một tuần nhưng đành ra về tay trắng. Công việc tại làng thì bỏ dở, có người về còn mang bệnh sốt rét phải đi bệnh viện.

Thượng tá Lê Hoài Nam (trưởng Công an huyện Kông Chro) cho biết: “Không rõ từ đâu mà người ta đồn rằng người dân ở xã Sơ Ró trúng trầm mấy chục tỉ đồng. Từ hôm đó đến nay, ngày nào cũng có người bên ngoài đi vào xã. Chúng tôi đã xác minh kỹ và khẳng định không có chuyện người dân ở đây trúng kỳ nam”.

Dù những câu chuyện về ai đó trúng trầm rất mơ hồ nhưng người ta vẫn đồn thổi và tin là thật. Một số người còn quả quyết: “Ông X. mới trúng được 7 tỉ, dẫn vợ con xuống Khánh Hòa đi bán rồi tậu căn nhà ở Sài Gòn hơn... 7 tỉ. Nhưng nghe đâu trong nhà còn mấy ký nữa chưa bán”.

Người trúng kỳ nam lần này được đồn thổi nhiều nhất là ông Sáu Mỹ ở thị xã An Khê, mọi người đồn rằng nhóm của ông gồm 15 người trúng hơn 20kg, bán được 140 tỉ đồng, mỗi người chia nhau gần 10 tỉ đồng.

Nhưng khi chúng tôi liên hệ với ông thì được biết sự thật không phải như vậy, nhóm của ông có trúng kỳ nam thật nhưng chỉ hơn 1kg, mỗi người chia nhau được 416 triệu đồng. Theo những người nhiều năm kinh nghiệm tìm trầm, trường hợp này là vô cùng hiếm hoi.

Không chỉ giới tìm trầm lao đao vì những tin đồn bóng gió, từ khi cơn sốt kỳ nam rộ lên, chính quyền các huyện An Khê, Kông Chro cũng hết sức vất vả. Ngày 16-4, ngay khi nhận được thông tin “hàng ngàn lượt người dân đổ xô vào khu vực rừng xã Sơ Ró để phá rừng tìm trầm”, UBND tỉnh Gia Lai đã phải cử đoàn công tác liên ngành bao gồm Sở Tài nguyên - môi trường, công an cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đột xuất xuống tận huyện Kông Chro ngay trong ngày thứ bảy (ngày nghỉ hành chính theo quy định của cơ quan nhà nước) để tìm hiểu sự việc. Giữa trưa nắng như lửa đốt, đoàn làm việc vẫn phải ngồi tận 12g trưa để xác minh sự việc.

Ông Hoàng Đình Chung, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh, tuyên bố kết thúc cuộc họp với vẻ ngán ngẩm: “Đúng là cả tỉnh phải khổ sở vì chạy theo tin đồn, một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng biết đường nào mà lần”.

Vỡ mộng

Những ngày có mặt ở thị xã An Khê và huyện Kông Chro, chúng tôi vẫn tiếp tục chứng kiến những nhóm người khăn đùm khăn gói tiến về phía các cánh rừng để đu theo giấc mộng kỳ nam. Trước sự kiểm tra chặt chẽ của lực lượng kiểm lâm, những nhóm người này phải đi đường vòng qua các cánh rừng khác để tới những nơi được cho là có trầm.

13g chiều, cái nắng như đổ lửa giội xuống con đường độc đạo dẫn vào trung tâm xã Sơ Ró. Người đàn ông vẻ khắc khổ đi chiếc xe máy phía sau buộc một chiếc balô vội vã lao đi trong làn bụi mịt mùng.

Thấy chúng tôi, người đàn ông này đi chậm lại để hỏi đường vào xã Sơ Ró. Anh cho biết mình tên là Trần Văn Sơn, quê ở Mộ Đức (Quảng Ngãi). Đang dở dang thu hoạch dưa hấu, nhưng mấy hôm nay nghe tin “dân đi điệu” trầm ở An Khê trúng trầm nên một số bạn bè ở trong xã cũng gọi anh em, bạn bè lên để đi rừng.

Anh Sơn còn cho biết cùng đi với anh có 13 người khác, trong đó có sáu người từ Quảng Ngãi lên. “Tôi chỉ nghe tin vậy chứ thú thật cũng chẳng biết cục trầm kỳ mặt mũi nó ra làm sao. Nghĩ cho cùng cũng đói quá mà đi thôi, may mắn thì trúng được về kiếm gạo nuôi vợ nuôi con” - anh Sơn nói.

Những người đi tìm trầm cho biết thông thường mỗi chuyến đi như vậy họ phải lủi giữa rừng sâu từ năm ngày đến vài tuần, có khi cả tháng mới xuống núi. Tìm trầm giữa rừng như mò kim đáy bể, “trời kêu ai nấy dạ”, sống chết đôi khi chỉ trong gang tấc.

Tuy nhiên, có một luật ngầm mà giới đi trầm chẳng ai nói ai nhưng đều răm rắp tuân theo: nhóm nào may mắn trúng trầm đều nhất định phải chia đều cho những người có mặt trong chuyến đi rừng đó, bất kể họ là người trong nhóm hay chỉ là người đi rừng mà họ vô tình gặp.

Trung tâm xã Sơ Ró suốt gần một tháng nay rộn rã người ra kẻ vào, tất cả đều vội vã lủi nhanh vào rừng khi thấy bóng dáng của công an và lực lượng kiểm lâm. Cứ chập choạng vào cuối ngày, đứng ở ngã ba xã Sơ Ró, chúng tôi chứng kiến từng tốp người từ bìa rừng bước ra, khuôn mặt hốc hác và đầy vẻ mệt mỏi.

Anh Phan Linh, một người đi tìm trầm ở thị xã An Khê, thất thểu: “Nhóm tui lủi trên rừng suốt hai ngày nay rồi nhưng chẳng thấy bóng dáng cây trầm đâu chứ chưa nói là kỳ nam. Trên rừng hiện giờ cũng còn một số nhóm khác nữa, họ vẫn ở lại rừng để lùng sục nhưng gần như không có hi vọng”.

Đem chuyện người ta khăn gói vào rừng đi tìm trầm kể cho ông Nguyễn Xuân Thơm (tên thường gọi là Sơn, tổ 14, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, Gia Lai), một trong những người được mệnh danh là “ngủ ở rừng nhiều hơn ngủ ở nhà” vì những tháng ngày đu theo giấc mơ kỳ nam, ông Sơn chỉ cười, nói: “Đấy là người ta chẳng biết chứ thật ra tìm được trầm đâu phải cứ đi và may mắn là được, khối kẻ bỏ mạng giữa rừng sâu, đứa thì ốm sốt rét giữa rừng phải khiêng xác về”.

Ông Sơn cho biết sau hơn 10 năm lăn lộn ở rừng, chịu biết bao nhiêu lần “dở sống dở chết” vì sốt rét và hiểm nguy, đến năm 1992 thì ông giải nghệ. Ông về An Khê lấy vợ và quyết tâm tu chí làm ăn. Đến giờ, tài sản quý giá nhất trong gia đình cũng chỉ là căn nhà được Nhà nước cấp và mấy sào ruộng, hoàn toàn không có “bạc tỉ” mà dân trầm vẫn kháo nhau.

THÁI BÁ DŨNG - LÊ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên