TTCT - Những bất ổn ở khu vực đông Địa Trung Hải, trải rộng khắp Bắc Phi, Trung Đông và Trung Á, thời gian qua gần như luôn có sự góp mặt của một nhân tố “thường trực”: Thổ Nhĩ Kỳ. Tranh chấp trên biển ở đông Địa Trung Hải rất phức tạp. Ảnh: geopoliticalfutures.comNgày 14-8-2020, tàu thăm dò dầu khí Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ được ba chiến hạm hộ tống tiến vào phía một khu vực tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hi Lạp tại phía đông Địa Trung Hải. Chiến hạm Limnos của Hi Lạp đi theo sát để canh chừng lúc đó đâm đầu vào đuôi chiến hạm Kemal Reis của Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Thổ Nhĩ Kỳ lên gồng, hăm dọa sẵn sàng phản ứng bằng vũ lực. Phía hải quân Hi Lạp xuống giọng, đây chỉ là tai nạn lưu thông, lỡ đụng vào mông. Chuyện là, cả hai quốc gia này đều là thành viên của khối quân sự NATO (đồng minh Bắc Đại Tây Dương của Hoa Kỳ), với Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh quan trọng hơn là Hi Lạp, về kích cỡ cũng như vị thế chiến lược. Nhưng Hi Lạp là thành viên Liên minh châu Âu (EU), khối mà Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn mong gia nhập mà chưa được chấp thuận.Năm bè bảy mốiPhía nam của khu vực này, Thổ Nhĩ Kỳ từ năm ngoái có tàu giàn khoan Yavuz hiện diện và hoạt động trong vùng kinh tế biển của đảo quốc Cyprus (Síp). Đây lại là một chuyện khác nữa. Cyprus là quốc gia từ nội chiến 1974 vẫn còn phân hai khu vực: 60% đảo thuộc thành phần dân cư gốc Hi Lạp và 40% thuộc dân cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng đồng quốc tế chỉ công nhận Cộng hòa Cyprus - Hi Lạp, thuộc khối EU. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất công nhận Cộng hòa Cyprus - Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng hòa này, năm 1983 còn đòi “trở về cố quốc”, tức là nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyện này đến nay chưa được giải quyết. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng họ không xâm phạm chủ quyền biển của Cyprus - Hi Lạp mà chỉ khai thác và bảo vệ tài nguyên của Cyprus - Thổ Nhĩ Kỳ.Chuyện thứ ba là đi xa hơn nữa, về hướng tây của Địa Trung Hải, thì Thổ Nhĩ Kỳ mới ký kết hợp tác khai thác dầu khí biển với Chính quyền Hòa hợp quốc gia (GNA) của Libya. Đây là chính quyền được Liên Hiệp Quốc và quốc tế công nhận. Chính quyền này đang bị đe dọa bởi lực lượng đối lập vũ trang của tướng Khalifa Haftar. Tướng này được Ai Cập, UAE và Saudi Arabia ủng hộ ra mặt, Pháp ủng hộ lén lút (vì ông này là một sứ quân chứ không có “chính nghĩa” quốc tế). Ai Cập bèn ký kết hiệp ước biển với... Hi Lạp, như một cách nói rằng ta đây không cùng phe với Thổ Nhĩ Kỳ. Pháp thì lên tiếng đe Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi chuyện cứ như thời Ottoman.Tại Ai Cập, sau khi Mùa xuân Ả Rập đánh đổ chế độ quân phiệt Mubarak thì tổng thống dân cử được bầu lên là Mohamed Morsi. Ông này thuộc phong trào Anh em Hồi giáo gần gũi với chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Ai Cập, đứng đầu là tướng Abdel Fattah Al-Sisi, được phe Saudi - UAE ủng hộ lật đổ Morsi, cho nên giờ chế độ Ai Cập là thành phần chống Thổ Nhĩ Kỳ. Tại vùng Vịnh, liên minh Saudi - UAE - Bahrain từng hăm dọa cô lập và xâm lăng Qatar. Tiểu quốc này được Thổ Nhĩ Kỳ che chở, gửi ngay 5.000 lính sang nên thoát nạn. Trong chuyện Địa Trung Hải mới đây, Saudi chưa tiện can thiệp hay lên tiếng, nên để UAE giữ vai hung hăng.Đây là bối cảnh ngoại giao quốc tế của chuyện tranh chấp khu vực kinh tế ở Địa Trung Hải. Ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ, nó còn có các tố phần chính trị nội bộ. Ông Erdogan đứng đầu một phong trào Hồi giáo chủ nghĩa tại một nước quốc gia chủ nghĩa thế tục. Về mặt chính trị, đối lập hiện nay là phong trào quốc gia chủ nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ thuộc dòng dân chủ xã hội, trong khi Tổng thống Erdogan thuộc dòng bảo thủ. Trong bầu cử cuối năm 2018, bầu quốc hội và tổng thống, ông Erdogan thắng với 52,5%. Nhiệm kỳ này sẽ chấm dứt vào năm 2023, nhưng bầu cử địa phương 2019 cho thấy phe Erdogan đã mất đa số và bị đánh bại tại thủ đô Ankara cũng như thành phố lớn nhất nước Istanbul. Như vậy, có nguy cơ Erdogan sẽ thất bại trong tổng tuyển cử lần tới vào năm 2023. Chính quyền ông hiện đang gặp khó khăn về mặt tài chánh, với đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ liên tục mất giá và đời sống kinh tế của người dân khó khăn.Ôn cố tri tânPhong trào bảo thủ - Hồi giáo của Erdogan chỉ mới có từ 20 năm nay. Sau Thế chiến I, Đế quốc Ottoman tan rã, nước cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập trên căn bản thế tục, cấp tiến xã hội và quốc gia chủ nghĩa. Giờ trước nguy cơ thất cử, phong trào Erdogan bèn áp dụng chính sách đối ngoại được gọi là “tân Ottoman”. Đây là kiểu quốc gia chủ nghĩa nhưng không hướng về cách tân hay tương lai mà về quá khứ hào hùng của cha ông. Phải biết, đây là một quá khứ rực rỡ đến chói lòa. Vùng Địa Trung Hải suốt hàng trăm năm từng là “ao nhà” đúng nghĩa của Đế quốc Ottoman sau khi họ tống khứ cộng hòa thương mại Venice khỏi Cyprus và Crete sau hàng loạt cuộc hải chiến. Hi Lạp và Đông Âu cho đến cửa thành Vienna nước Áo, gồm các nước Ukraine, Bulgaria, Moldova, Serbia, Bosnia, Hungary, Albania, Hi Lạp... ngày nay đều là thuộc địa của Đế quốc Ottoman trong nhiều thế kỷ sau khi họ hạ Constantinople (nay là Istanbul) năm 1453. Về phía bờ nam Địa Trung Hải, lãnh thổ và thuộc địa của Đế quốc Ottoman gồm Syria, Lebanon, Palestine, Ai Cập, Libya, Tunisia, Algeria... ngày nay. Nhưng rồi cách mạng công nghiệp khiến Tây phương vượt lên vào thế kỷ 18. Hi Lạp sau đó được Anh - Pháp - Nga xúm vào “bảo kê” và giành giật khỏi Đế quốc Ottoman vào đầu thế kỷ 19 để trao cho vương quốc Bavaria (Đức)!Ông Erdogan tự cho mình là người thừa kế của đế quốc hùng vĩ một thuở và bị gọi nhạo là “sultan” (đại đế). Ba tàu giàn khoan của Thổ Nhĩ Kỳ - Fatih, Yavuz, Kanuni - cũng được đặt tên theo ba đại đế thế kỷ 15-16 đã đưa Đế quốc Ottoman lên đến đỉnh thế giới như đã kể, khuất phục Ả Rập, cai trị Trung Đông và Đông Âu, húng hắng ho là Nga và Tây Âu cảm thấy đau ngay cổ họng. Nhưng giờ là năm 2020 chứ không phải 1689.Trong nước, ngoài thành phần cấp tiến chống đối, ông Erdogan còn phải cạnh tranh với thành phần cùng bán một mặt hàng là Hồi giáo bảo thủ, mà đại diện là giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện đang tị nạn tại Hoa Kỳ. Cho nên ông phải vung tay nói lớn. Vừa rồi, tháng 7-2020, nhà thờ Hagia Sophia - di tích từ thời Đế quốc La Mã - được ông biến trở lại thành đền Hồi cho vui. Từ năm 1934, cộng hòa thế tục Thổ Nhĩ Kỳ dùng di tích này làm nhà bảo tàng. Chiếm được Hagia Sophia thì đại đế Fatih đã chiếm rồi, từ 1453, nên chuyện biến nơi đây thành hội đường Hồi giáo, ông Erdogan chẳng phải động quân khó nhọc gì cả, còn dễ hơn rục rịch các giàn khoan, mà lại mát lòng quần chúng của ông.Sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein ở Iraq cũng như sự bấp bênh của chế độ Bashar Al-Assad ở Syria lại khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt một vấn đề đã cũ khác chưa giải quyết được: vấn đề dân tộc Kurd, vốn chiếm khoảng 15-20% dân số Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Iraq, người Kurd hầu như độc lập và tại Syria rối ren, họ đã giành được quyền tự quản. Tại Thổ Nhĩ Kỳ thì người Kurd đang có xu hướng chia rẽ, có cả thành phần hợp tác chính trị đến thành phần chống đối vũ trang. Đảng HDP (đại diện dân tộc Kurd) trong bầu cử quốc hội 2018 được 11,7% phiếu. Liên minh của họ với phe tả tất nhiên là năm 2023 sẽ đe dọa phong trào Erdogan. Đây cũng là một yếu tố khiến Địa Trung Hải “ào ào gió thu”, một khi ông Erdogan đã “thét roi cầu Vị”.Sau chót là vấn đề tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa hai nước thuộc Liên Xô cũ là Armenia và Azerbaijan mới lại bùng nổ (xem bài trang trước). Đế quốc Ottoman từng cai trị vùng Trung Á này và Azerbaijan với Thổ Nhĩ Kỳ là anh em về mặt lịch sử và ngôn ngữ. Đây đã và sẽ là điều kích động quốc gia chủ nghĩa “tân Ottoman” và ảnh hưởng đến việc duy trì giàn khoan Yavuz ở vùng biển Cyprus. Tiếng xích sắt xe tăng tại đây có thể khiến chiến hạm Thổ Nhĩ Kỳ tại Địa Trung Hải quay mặt với Hi Lạp.Người ta vẫn nói Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia châu Á bị ám ảnh tưởng mình là một nước châu Âu. Họ đã nỗ lực bấy lâu nay để gia nhập EU và bị đặt đủ thứ điều kiện - đòi hỏi về kinh tế đã đành, nhưng còn cả đòi hỏi ngoại giao với lại chính trị. Đây là chuyện phức tạp và chưa giải quyết hay không giải quyết được, khiến trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế hiện nay, dư luận Thổ Nhĩ Kỳ có thể ủng hộ các kiểu đánh roi đi quyền của “sultan Erdogan”.■Mặc dù đế quốc Ottoman đã được phát tang, chôn vùi và cải táng, nhưng cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay vẫn có ảnh hưởng nhất định trong khu vực với vị trí “trấn Âu bình Á”. Dù không còn “duy ngã độc tôn” như thời Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một nước lớn, 82 triệu dân và phát triển không kém so với các nước Đông Âu như Hungary hay Ba Lan, hoặc Nam Âu như Bồ Đào Nha hay Hi Lạp. Về mặt tôn giáo và xã hội, đất nước này thậm chí có thể đại diện cho một chiều hướng Hồi giáo tiến bộ khác biệt với Hồi giáo Shia Iran hay Hồi giáo Sunni kiểu Saudi. Về mặt này, ai từng ghé Thổ Nhĩ Kỳ, ra ngõ là gặp đàn bà quần cộc ngồi hút thuốc, chí ít là ở các khu vực phố thị. Về mặt bình quyền, có lẽ Đảng HDP của người Kurd là đảng phái chính trị bình quyền nam nữ nhất thế giới. Đảng quy định rõ các cấp phải có đồng lãnh đạo một nam một nữ, các đại biểu dân cử từ địa phương đến trung ương cũng bắt buộc tỉ lệ nam nữ là 50-50. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Những câu chuyện trung đông Tiếp theo Tags: Thổ Nhĩ KỳCyprusOttoman
TP.HCM khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ 2025 NHƯ BÌNH 27/01/2025 Tối 27-1, Đường hoa Nguyễn Huệ tại trung tâm TP.HCM chính thức khai mạc, chào đón hàng ngàn lượt khách đến du xuân sớm.
Ông Trump hạ gục nhanh Colombia bằng bài trừng phạt: Thông điệp mạnh cho thế giới DUY LINH 27/01/2025 Ông Trump dường như muốn thông qua Colombia để gởi lời cảnh báo tới các quốc gia khác về cách chính quyền ông sẽ làm để đạt được mục tiêu và lợi ích cho nước Mỹ.
Giá bán nhiều loại rau củ, thịt heo... vẫn giữ ổn định dù vào cao điểm Tết NGUYỄN TRÍ 27/01/2025 Ngày 27 và 28 Tết được xem là hai ngày cao điểm của sức mua nhưng do năm nay mức tiêu thụ tương đối chậm nên giá bán phần lớn ổn định, thậm chí có mặt hàng giảm giá.
Nhóm cảnh sát Thái Lan bắt nhốt 7 người Trung Quốc, đòi tiền chuộc DUY LINH 27/01/2025 Ít nhất 8 người, trong đó có 4 cảnh sát và 1 kiểm lâm Thái Lan, bị cáo buộc đã bắt cóc 7 người Trung Quốc để đòi 2 triệu baht (khoảng 60.000 USD) tiền chuộc.