Nhà sáng lập ByteDance, Trương Nhất Minh - Ảnh: Radii China
Tuyên bố của ông Pompeo là phát ngôn mới nhất từ chính quyền Mỹ liên quan TikTok. Trước đó, ông Trump và các quan chức khác trong chính quyền đã liên tiếp đưa ra những cảnh báo về mối đe dọa an ninh từ các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc.
Không muốn bán đứt TikTok
Sau lời đe dọa cấm TikTok hoạt động tại thị trường Mỹ hôm 31-7 của ông Trump, các cuộc đàm phán liên quan đến việc Microsoft mua TikTok có tạm chững lại, nhưng vẫn tiếp tục sau đó. Microsoft ngày 2-8 cũng thông báo sẽ chốt đàm phán vào ngày 15-9.
Tuy nhiên, quá trình đàm phán không hề dễ, vì rõ ràng công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance không dễ từ bỏ "đứa con cưng" TikTok của mình. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì ứng dụng mạng xã hội chia sẻ video này thực sự đã trở thành một hiện tượng toàn cầu và là sản phẩm có thể đưa ByteDance lên tầm quốc tế.
Theo tờ South China Morning Post cùng ngày, một nguồn thạo tin cho biết ByteDance thực tế muốn tách TikTok thành một công ty con độc lập, hơn là bán đứt ứng dụng nổi tiếng này cho Microsoft.
Bà Vanessa Pappas, giám đốc TikTok tại Mỹ, hôm 2-8 cũng tuyên bố ứng dụng này sẽ "không đi đâu cả" và họ sẽ "ở lại lâu dài". Thế nhưng để thực sự trụ vững tại thị trường Mỹ, TikTok khó lòng tiếp tục giữ quan hệ cùng ByteDance.
Báo South China Morning Post cho biết gần như tất cả chủ sở hữu của ByteDance đều muốn tách TikTok ra thành công ty con. Lý do là vì nếu TikTok thật sự trở thành một công ty con thì doanh nghiệp mới sẽ thay đổi toàn bộ bộ máy quản lý và không còn chịu trách nhiệm báo cáo cho ByteDance, nhưng các chủ sở hữu vẫn nắm được TikTok.
Chướng ngại từ Mỹ
Sau nhiều biến cố chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, ByteDance cuối ngày 2-8 khẳng định hãng luôn muốn vươn tầm thành một doanh nghiệp toàn cầu. Nhưng để đạt được điều đó, hãng thừa nhận phải "đối mặt với mọi loại khó khăn không tưởng và phức tạp, bao gồm môi trường chính trị quốc tế khắc nghiệt, sự va chạm và xung đột giữa những nền văn hóa khác nhau".
Hôm 29-7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin xác nhận rằng Washington đang xem xét TikTok ở vấn đề an ninh quốc gia. Nếu chính quyền Mỹ thực sự cấm TikTok, hoặc buộc ByteDance bán đứt ứng dụng này, điều đó sẽ khiến toàn bộ cục diện nền công nghiệp mạng xã hội thay đổi, đồng thời đe dọa đà tăng trưởng người dùng chóng mặt của TikTok. Hệ quả còn có thể giúp những ông trùm mạng xã hội Mỹ như Facebook hay Google được lợi.
Tạp chí Foreign Policy cho rằng Mỹ sẽ không đơn giản nói cấm là cấm TikTok, vì luật của Mỹ không cho phép quan chức của chính quyền ông Trump dễ dàng áp lệnh "cấm" đối với một ứng dụng mạng xã hội tự do được hàng triệu người Mỹ sử dụng.
"Nhưng kinh nghiệm cho thấy các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, lệnh trừng phạt và những điều khoản bảo vệ an ninh quốc gia khác đều sẵn sàng để kìm hãm TikTok và cô lập ByteDance" - tờ này nhận định.
Với sự cảnh giác về cái gọi là "nguy cơ Trung Quốc" ngày một lớn, giới chuyên gia nhận thấy luật lệ của Mỹ cũng dần được phát triển và mở rộng trong nhiều năm trở lại đây để giải quyết những tình huống tương tự.
Cho tới nay, Tổng thống Trump đã và đang cân nhắc hai lựa chọn chính để thay đổi chủ sở hữu của TikTok. Một trong đó là thông qua quy trình do Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) dẫn đầu, thực hiện điều tra đối với thương vụ mua lại Musical.ly - một ứng dụng giống với TikTok - của ByteDance vào năm 2017.
Trung Quốc phản ứng gay gắt
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 3-8 phản đối việc chính quyền Mỹ có kế hoạch cấm TikTok vì các mối lo ngại an ninh quốc gia. "Một số người Mỹ nên lắng nghe cộng đồng quốc tế, đừng chính trị hóa vấn đề và ngừng lạm dụng an ninh quốc gia để thực hiện chính sách phân biệt đối xử" - ông Uông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận