TTCT - Chủ trương đi tìm những giây phút “giải lao” cho con giữa áp lực quá nặng nề, gò bó ở trường, đối với “kẻ ngoại đạo” như tôi, sự thành công của một lớp học được đo bằng thang điểm tiếng cười. Vậy là tôi đã tổ chức vài “lớp học tự chế ở nhà” để con “giải lao”, tiêu chí vui là chính, không quên rủ thêm nhóm bạn ham chơi của con để thêm vui và nhằm... chia học phí. Lớp vẽ, lớp cờ vua, lớp đàn... lần lượt ra đời. Khen kịp lúc Lớp tiếng Anh là dễ dàng nhất vì các giáo viên phương Tây đã luôn sẵn tư duy biến mọi bài học thành trò chơi để tụi nhỏ vui lúc học và nhớ bài lâu. Nhưng thích nhất là những lần xem tụi nhỏ đóng kịch, khi giáo viên để cho các “siêu quậy” chủ động tối đa, chí ít là chủ động phân vai, diễn xuất, sau này còn chủ động cả viết kịch bản, nhờ thế đám nhóc có cơ hội diễn những vai “để đời” của mình. Không thấy trang phục, đạo cụ bạc triệu lóng lánh như diễn kịch ở trường; không thấy có người dàn dựng chuyên nghiệp để vở kịch trông hoành tráng, chỉn chu như ở lớp chính quy (các diễn viên nhí tự chế đạo cụ), diễn viên lắm lúc quên lời thoại còn phải xem giấy... Chỉ thấy các em ôm bụng bò lăn bò càng ra mà cười, nhân tiện cứ thế trông đợi đến giờ học tiếng Anh vui như hội. Khi gặp nhau, cả lúc không phải trong giờ tiếng Anh, vẫn thấy lũ nhóc bàn luận sôi nổi về các chi tiết trong vở kịch, nhờ vậy là chúng nhớ thật lâu. “Kẻ ngoại đạo đúc khuôn” tôi thì thêm hí hửng vì chứng kiến tụi nhỏ tập dượt kỹ năng làm việc chung với rất nhiều thương lượng, bổ sung ý kiến cho nhau, có em thể hiện rõ khả năng lãnh đạo: hướng dẫn các bạn cứ như một đạo diễn thứ thiệt; có em thể hiện rõ năng lực sáng tạo với nhiều ý kiến ngộ nghĩnh không dễ được chấp nhận khi ở trường; có em học được cách nhường nhịn, giúp đỡ bạn để vở kịch “chạy” suôn sẻ... Giáo viên trông rất nhàn, không can thiệp vào những chi tiết rất “quái” trong kịch bản, mặc kệ những kiểu diễn xuất chẳng bài bản tí nào của tụi nhỏ, nhưng những lời khích lệ “good job”, “excellent”... mà những ai để ý kỹ mới thấy như những liều thuốc tiên kích thích sự tiến bộ của các em. Chẳng hạn con bé Nga hằng ngày vẫn thích chơi trội, ưa thể hiện khả năng trong một lần diễn xuất đã “nhắc tuồng” cho bạn thật nhỏ để người khác không nghe sau đó nhận được một lời khen của thầy, khiến con bé đỏ mặt vì sung sướng. Và nó sẽ còn học cách đè bớt cái tôi xuống mà vì tập thể nhờ những lời khen đơn giản nhưng chân tình và kịp lúc như thế. Nếu bỏ qua “yếu tố người lớn” Học đàn piano vốn cần rất nhiều sự kiên nhẫn, lắm lúc phải nói là khổ luyện. Con bé lớn của tôi đầu hàng sau một năm thử sức. Cây đàn là tài sản lớn đối với tôi và cứ theo tư duy “quy ra thóc” sẵn có của bà nội trợ thì “đã mua đàn mắc thế, cả 2 con nên học kẻo phí”. May quá, chồng tôi sáng suốt hơn, dứt khoát: “Đã nghệ thuật thì hoặc là phải có năng khiếu hoặc là phải đam mê mới theo được”. Vậy là cô chị sung sướng tót ra trung tâm thể thao mà chơi cầu lông thay thế cho những giờ “đồ đồ, rê rê” chán ngắt bên phím đàn. Khổ nỗi cô em không có khiếu nốt, cũng chẳng đam mê gì cho lắm. Nhưng nó có cách tạo niềm vui của nó. Vừa mới bập bẹ đọc được hết các nốt nhạc cơ bản, nó đã cho ra lò “Cối xay gió” - bản nhạc đầu tay của nó. Chỉ có toàn nốt đen! Tới bản “Đồng quê”, đã thấy thỉnh thoảng có thêm nốt tròn, nốt trắng... Đến “sáng tác” mới nhất với cái tên không còn tí mỹ miều nào: “Tự chế”, đã thấy có cả nốt thăng, nốt giáng, dấu staccato và “đột phá” nhất là tính khả thi: có thể chơi được trên đàn... “Nhà soạn nhạc tí hon” say sưa ngồi bên cây piano, vừa gõ các phím đàn nghe như tiếng búa tạ vừa hát vang bản nhạc “Tự chế”. Hỏi vì sao không dành hết thời gian chơi mấy bản du dương trong sách, nó “phán” không thích chơi nhạc của người khác! Không thể buồn cười hơn với một “nhãi ranh” chẳng có tí khiếu âm nhạc nào như nó mà bày đặt sáng với chả tác. Nhưng chẳng phải các thiên tài như Beethoven hay Mozart xưa kia cũng đã có những động cơ “không người lớn tí nào” để bắt đầu sáng tác từ rất sớm đó sao? Con tôi chẳng phải thiên tài nhưng cũng như tất cả những đứa trẻ con khác, nó vui khi được tự do “sáng tác”. Và niềm vui đó trở thành động lực cho nó để kiên nhẫn ngồi luyện tập dài hơi bên những phím đàn. Tiếc thay, một bà nội trợ ít học như tôi chẳng thể bê hết các môn học toàn khuôn đúc và khổ nhọc ở trường mà “tự chế” ở nhà. ■ Trong chương trình học phổ thông mà các con tôi đã học, chỉ có học sinh tiểu học có giờ học âm nhạc (hát nhạc), mỗi tuần học một lần, phần lớn là tập hát, lý thuyết về âm nhạc rất ít, các em chủ yếu tập đọc nốt nhạc, đánh nhịp và các ký hiệu nhạc đơn giản. Trong chương trình lớp 5, là chương trình cao nhất và là lớp cuối cùng học nhạc, cũng chỉ lặp lại những bài học rất đơn giản: tập hát, đọc ký hiệu âm nhạc, kể chuyện âm nhạc, giới thiệu một số dụng cụ nhạc… hầu như dừng ở mức chỉ “xóa mù” nhạc, và sau khi học hết chương trình hát nhạc ở lớp 5, kiến thức về âm nhạc của các em không được bao nhiêu, nếu không nói sẽ rơi rụng hết khi lên các lớp lớn hơn. Các em có năng khiếu được gia đình bồi dưỡng, học thêm ở ngoài, còn các em khác hoàn toàn mù tịt nếu không tự học chơi một loại nhạc cụ nào đó. Đó cũng là lý do khiến hiện nay có rất nhiều em hoàn toàn không biết gì về nhạc lý, đừng nói là biết chơi một loại nhạc cụ... Có lãng phí và hình thức không khi cả gia đình và nhà trường đều tốn công sức và tiền của mà kết quả là con số 0? Âm nhạc là một ngôn ngữ, một nghệ thuật và một khoa học. Chương trình âm nhạc trong nhà trường hiện nay nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu căn bản, muốn giỏi tự các em tìm hiểu và luyện tập ở nhà mà thôi! Nếu xem âm nhạc là một môn học cần thiết cho các em có điều kiện thư giãn và có ý nghĩa trong việc cung cấp kiến thức, để các em có nền tảng thưởng ngoạn âm nhạc, cần “nâng cấp” môn âm nhạc. Để thực hành tốt môn học âm nhạc này, các trường nên tổ chức những ban kịch và ban nhạc để giải trí trong trường, kỷ niệm những ngày lễ lớn, những buổi họp thân mật của phụ huynh với nhà trường... Nâng cao kiến thức về âm nhạc của học sinh cũng đồng nghĩa với nâng cao trình độ thưởng ngoạn về âm nhạc, hoạt động văn nghệ ở trường không bao giờ là thừa. Tất nhiên phải do chính các em làm. Đó cũng là một cách cho các em thư giãn, các em sẽ cảm thụ âm nhạc và sẽ có chọn lựa cho mình khuynh hướng thưởng ngoạn. (Kim Duy) Tags: Giáo dục đúc khuônTính tiền giấc mơGiấc mơ vui học
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.