20/07/2013 03:57 GMT+7

Giấc mơ thời... hối hả

TUẤN KHANH
TUẤN KHANH

TT - Từ thế kỷ 20, việc độc quyền sân khấu biểu diễn - nhất là âm nhạc - đã trở nên phổ biến với nhiều kiểu khác nhau. Nhưng việc độc quyền các giá trị giải trí làm ra lợi nhuận - không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới - mỗi lúc một phức tạp hơn, nhiều luật lệ hơn, cũng như nhiều sự kiện “nổi loạn” từ các hợp đồng độc quyền hơn.

Kỳ 1: Kỳ 2:

rURa8neX.jpgPhóng to
Nhóm V.music - một trong những nhóm nhạc “được quản lý” có nhiều hoạt động giải trí gần đây - Ảnh: T.T.D.

Ở giai đoạn nhạc tiền chiến, rồi sinh hoạt văn nghệ miền Nam tận những năm 1980, người ta vẫn gọi hình thức nghệ sĩ được độc quyền, theo cách nói đơn giản, là nghệ sĩ có ông bầu hoặc bà bầu. Từ sau những năm 1990, giới biểu diễn Việt Nam mới bắt đầu “hiện đại hóa” tên gọi này bằng công ty biểu diễn, người quản lý, nhà sản xuất, công ty quản lý... sau khi chịu nhiều ảnh hưởng của các làn sóng âm nhạc Canto-pop, Thai-pop, K-pop...

Nhưng mặc dù tên gọi có thay đổi, nội dung của việc độc quyền ca sĩ, nghệ sĩ... nói chung cũng không khác gì mấy của những giai đoạn trước. Sự khác biệt là nghệ sĩ độc quyền hôm nay được khai thác bằng hợp đồng cứng, còn trước đây vẫn là một dạng hợp đồng mềm.

Nghề “đào tạo ca sĩ”

Khác với chuyện nghệ sĩ của các gánh hát ngày xưa, khi độc quyền có thể chỉ bằng một lời hứa, hoặc chỉ vì danh dự của anh chị em trong gánh - như một loại hợp đồng mềm, giờ thì việc độc quyền cho một dự án, một đoạn đời, kéo theo hàng đống giấy tờ, chữ ký... và thậm chí sau đó là có cả những vụ kiện tụng hoặc tố cáo lẫn nhau, sử dụng truyền thông để hại nhau.

Công nghệ âm nhạc giải trí độc quyền của Hàn Quốc lừng danh bấy nhiêu thì số vụ kiện cáo, tố nhau... cũng rùm beng không kém. Trong gần mười năm trở lại đây, ảnh hưởng của K-pop đã kéo theo những kiểu ký độc quyền giải trí mô phỏng kiểu Hàn tại Việt Nam, nhưng rõ ràng dù vin vào luật hay bề nổi mê hoặc thế nào, giữa hai thế giới đó vẫn có quá nhiều khác biệt.

Trong khi các nhà sản xuất của Hàn Quốc có đủ năng lực kiểm soát cả kênh truyền hình, báo chí, chiếm các nhà hát, sân vận động, tổ chức chiến dịch quảng bá từ con người đến các sản phẩm phụ như quần áo, đồ chơi, sticker...; mở chiến dịch xuất khẩu văn hóa để giải quyết tình trạng giá biểu diễn bị cạnh tranh đã tụt dốc, thì ở Việt Nam việc độc quyền chỉ giữ con người như một hạt nhân công việc của mình, phần lớn là kiếm tiền bằng cách chờ thời cơ từ xin xỏ, hợp đồng tạm thời, thậm chí lót tay để có được sự xuất hiện trên một bìa báo hay để chen chân với anh chị em trong một tiết mục truyền hình trực tiếp của người khác sản xuất.

Một nghề mới ra đời ở Việt Nam được gọi tên là nghề “đào tạo ca sĩ”. Gần như ai cũng có thể trở thành nhà đào tạo, ai cũng có thể thành nhà sản xuất. Thật khó nghĩ, vì chính ngay nhiều người làm chủ các công ty đào tạo hiện nay, cũng ít ai chứng minh rằng đã từng “đào tạo” được gì cho bản thân mình nhưng vẫn có những bảng hiệu rất huy hoàng. Nói cho cùng, nhìn từ thực tế hôm nay, ít nhiều sẽ thấy cái đích của cái nghề mới mẻ này là làm ra rất nhiều tiền, từ một lớp trẻ mê ca hát cho đến mê danh vọng.

Những cú lừa hào nhoáng

Có đến 80% nhà sản xuất, công ty tổ chức... ở Việt Nam không có vốn, hoặc không xuất vốn, mà buộc người được độc quyền phải đóng những khoản tiền lớn để làm vốn cho phía quản lý độc quyền. Thường kèm theo các lời hứa hẹn trong các hợp đồng độc quyền là đào tạo, là đánh bóng thương hiệu, là quay video, là thu album, là lo lót để lên báo chí, truyền hình... nhưng thực tế là người độc quyền không bao giờ được chu cấp đủ các điều khoản đã nêu. Thậm chí nhiều người bị giam trong việc độc quyền để rồi cuối cùng muộn màng nhận ra rằng: người ký hợp đồng với mình hoàn toàn chẳng có chút kinh nghiệm gì về công nghệ lăngxê, hoặc tệ hơn, đó chỉ là một cú lừa hào nhoáng.

Như Đ. - một bé trai 12 tuổi, vì mê ca hát, được cha mẹ giới thiệu đến một công ty “đẩy ngôi sao”. Sau nửa năm đã mất vài tỉ bạc, đứa bé - theo khuyến khích của nhà quản lý là nhằm tiện cho việc theo nghề - đã nghỉ học ngang để tập nhảy, học ca hát và học diễn xuất điện ảnh. Cuối cùng thì tiền mất, video không có, album cũng không. Nhà quản lý thì cũng làm đúng hợp đồng với em nhỏ này qua điều khoản “tìm kiếm nơi biểu diễn cho người độc quyền”, đã sắp xếp cho em chạy sô hát không tiền ở các quán nhậu hằng đêm trong TP!

Một câu chuyện khác: Khi đang độc quyền ca sĩ A., Công ty M - nhận thấy có hai ca sĩ nữ khác đầy tố chất có thể bóp chết “gà” của mình - đã quyết định mời mọc ký hợp đồng độc quyền với hai ca sĩ, rồi cho làm việc cầm chừng, diễn lấy lệ... với mục tiêu là tiêu diệt thời gian phát triển tốt nhất của hai nữ ca sĩ để tiện tay phát triển ca sĩ A.. Năm năm sau, khi Công ty M “thả” hai ca sĩ ra, khán giả đã quên họ và cũng không còn trông chờ nơi họ điều gì nữa. Còn A. thì hãnh tiến và thành “sao”, bên hai đối thủ thật sự của mình chết thầm lặng với chữ ký, luật lệ trói buộc.

Những trường hợp trên đều là câu chuyện có thật trên thị trường âm nhạc Việt Nam và cũng là những ví dụ muôn mặt của chuyện độc quyền ca sĩ. Nhưng đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong thế giới giải trí nháo nhào của Việt Nam hiện nay.

Có tâm và có nghề

Chuyện các nhân vật được độc quyền phản ứng ngược với công ty của mình không phải là điều hiếm thấy. Nhưng ở các quốc gia đủ kinh nghiệm và chia sẻ quyền lợi đủ hợp lý giữa người độc quyền và công ty như Mỹ, Anh, Đức, Nhật... các vụ kiện tụng lặt vặt ít xảy ra. Trái lại, ở các quốc gia mới bước vào thế giới công nghiệp giải trí như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... thì các vụ kiện cáo như cơm bữa.

Có nhiều lý do thúc đẩy người độc quyền phản ứng. Có thể từ các luật lệ quái lạ phát sinh từ các hợp đồng kiểm soát con người, có thể từ lời hứa chia sẻ lợi nhuận không thực hiện được, có thể họ lo sợ vì những diễn viên đối thủ có kế hoạch tốt hơn trên thị trường trong khi công ty của họ ù lì hoặc yếu kém. Và thậm chí có thể sự tự mãn và ảo tưởng của người biểu diễn trong giai đoạn đầu mới bước lên sân khấu cũng là nguyên nhân khiến họ sớm muốn bước ra riêng để thỏa chí tung hoành.

Độc quyền để bảo vệ quyền lợi và giá trị riêng của một nghệ sĩ trong sự nghiệp là điều rất bình thường trong sinh hoạt văn nghệ thế giới bên ngoài, nơi mọi thứ sòng phẳng và khá rõ ràng với luật của nó, đầy chặt chẽ trong tính nhân văn và phát triển.

Vào thập niên 1950-1960, mô hình độc quyền của giới giải trí miền Nam được hình thành với danh nghĩa “lò” dạy nhạc, dạy hát, với tình nghệ sĩ, thầy trò. Việc huấn luyện, dẫn dắt vào nghề... đã giới thiệu nhiều tên tuổi độc đáo cho làng âm nhạc, vang danh cho đến tận hôm nay, và cũng hiếm có chuyện kiện tụng như hôm nay. Những gì hôm nay đang làm với cái mác “hiện đại” thật ra các thế hệ trước đã đi qua và rất “nghề”. Nói như ông bầu Duy Ngọc, người từng đưa không biết bao nhiêu người vào nghề sân khấu biểu diễn ở miền Nam, thì “muốn lăngxê ai đó không phải chỉ có tiền hay cơ hội, mà còn phải có tâm và có nghề mới được”.

Thế giới đã có những “tòa lâu đài” danh tiếng và đầy mơ ước của giới nghệ sĩ trẻ như Sony Music, PolyGram, BMG... Tay biểu diễn kèn saxo Kenny G. cũng thành danh từ hợp đồng độc quyền với Hãng Arista, hay Châu Kiệt Luân cũng tỏa sáng với Hãng BMG, Kelly Clarkson bùng nổ với Hãng RCA... Còn nền showbiz Việt hiện nay, cũng giống như tình trạng những game show giá trị và đắt tiền ở nước ngoài, Việt Nam vẫn mua nhanh và mang về, thường hay biến nó thành những phiên bản kém.

So với những gì đã có và đang phát triển ở bên ngoài, công nghệ giải trí Việt Nam vẫn còn quá rối rắm, vội vàng chạy theo các giá trị bên ngoài, nhưng thực lực thì quá non nớt hoặc chỉ vì hối hả trước món lợi mà thôi.

Nhập nhằng

Việc độc quyền trong ngành biểu diễn ở Việt Nam vẫn nhập nhằng giữa việc là công ty độc quyền bỏ vốn để đầu tư xây dựng một nhân tố mới, hay là một tổ chức nhận tiền để thực hiện dự án xây dựng thương hiệu cho đối tác. Và vì Việt Nam chưa hề có một nền công nghiệp biểu diễn thật sự nên việc độc quyền kiểu nào hiện nay cũng đều chứa trong các hợp đồng, các bài toán để “bẫy” nhau, để “thòng” những điều khoản về sau... về quyền lợi, tiền bạc, danh tiếng...

Thật ra vẫn có những nhà sản xuất, đầu tư thật sự tâm huyết với nền giải trí, nhưng vào lúc này chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi. Và mỉa mai thay, không ít nhân vật danh tiếng trên 10 năm ở Việt Nam, ở nhiều lĩnh vực, hầu như đều không xuất thân từ công ty độc quyền nào cả.

Độc quyền thuở sơ khai

Ở Việt Nam câu chuyện độc quyền lừng danh đầu tiên được kể lại, từ đầu thế kỷ 20, có lẽ là trường hợp bài hát Kiếp hoa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên được thống đốc Nam kỳ Pagès giới thiệu cho Hãng đĩa hát 78 vòng Odéon của người Pháp độc quyền thu âm và phát hành. Sau đó ông Tuyên còn được tổ chức cho lưu diễn ở nhiều thành phố của Việt Nam bấy giờ. Năm 1938, bài hát được độc quyền của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên cũng nhận được bảo trợ độc quyền trong việc đi giới thiệu một dòng văn hóa mới của Việt Nam, mà ông Tuyên gọi tên nó là musique renovée (âm nhạc cải cách).

Nhưng cái gọi là “độc quyền” ấy vẫn còn rất sơ khai về mọi mặt. Ngày hôm nay, một ca sĩ có chút thu hút khán giả, hay tạo được ấn tượng trong một vòng thi game show... đã lập tức được mời đón từ nhiều nhà sản xuất, nhiều công ty.

TUẤN KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên