31/08/2024 10:20 GMT+7

Giấc mơ thấy lại 'con kênh xanh xanh' ở TP.HCM sắp thành hiện thực

LÊ PHAN
và 1 tác giả khác

Hôm qua (30-8), Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (lớn nhất nước) đã khánh thành giai đoạn 2. Dự án này thu gom và xử lý nước thải của lưu vực hơn 2.800 hecta thuộc 8 quận huyện ở TP.HCM.

TP.HCM nỗ lực xanh hóa kênh đen - Ảnh 1.

Toàn cảnh Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng ở huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: C.TUẤN

Chủ đầu tư cho biết dự án sẽ giúp trả lại màu xanh cho kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (từ cầu Khánh Hội đến kênh Tân Hóa - Lò Gốm). Tuy nhiên, "một cánh én không làm nên mùa xuân".

Để toàn bộ hệ thống kênh rạch thoát cảnh ô nhiễm trở về màu xanh vốn có, TP.HCM cần vận hành cùng lúc nhiều nhà máy xử lý nước thải. Tín hiệu đáng mừng là thời gian qua TP.HCM đã tập trung đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.

Trả lại màu xanh cho kênh rạch

Dự án này nâng công suất xử lý nước thải tăng từ 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày. Tại buổi lễ khánh thành, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường bày tỏ niềm vui khi nhà máy đi vào hoạt động vào đúng dịp người dân TP và cả nước kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9.

"Hiện nay toàn bộ các hạng mục công trình đã hoàn thành và chuyển sang giai đoạn vận hành. Thay mặt UBND TP, tôi xin biểu dương các tập thể, cá nhân đã nỗ lực để có các kết quả tích cực.

Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn với người dân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án. Sự đồng hành hy sinh, chia sẻ đã đưa tới kết quả hôm nay. TP cũng rất cảm ơn Chính phủ, các bộ ngành đã quan tâm tháo gỡ vướng mắc.

Hiện TP đặt vấn đề môi trường là nhiệm vụ trọng tâm. Trong thời gian tới sẽ cố gắng hoàn thiện các nhà máy xử lý nước thải khác ở các lưu vực còn lại để thu gom xử lý nước thải đạt 100%.

Hiện nay với hai giai đoạn đã hoàn thành của Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng và các nhà máy khác, tỉ lệ nước thải được xử lý đã đạt 45%, sang năm khi Nhà máy xử lý nước thải Thạnh Mỹ Lợi hoàn thiện sẽ đạt 75%", ông Cường chia sẻ.

Đặc biệt ông Cường cảm ơn Chính phủ, nhân dân Nhật Bản, JICA đã bố trí vốn vay, đầu tư - chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực đối với dự án này nói riêng và các dự án khác tại TP. TP mong Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ trong nhiều dự án khác. Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng có thể xem như một dấu ấn thể hiện tình hữu nghị Việt - Nhật.

Đáp lại lời cảm ơn từ lãnh đạo TP.HCM, ông Ono Masuo - tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM - cho rằng dự án này sau khi khánh thành sẽ thu gom nước thải mà hiện nay vẫn đang bị xả trực tiếp ra các kênh rạch ở TP.HCM - đô thị lớn nhất tại Việt Nam.

Dự án phần nào góp phần cải thiện hơn nữa môi trường nước của các kênh rạch thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn. Từ đó góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân, nâng cao hơn nữa sức hấp dẫn của TP.HCM.

"Tôi cảm thấy rất vui mừng, dự án càng làm gắn bó sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Nhật - Việt. Đối với quan hệ giữa Nhật Bản và TP.HCM sẽ tiếp tục với nhiều lĩnh vực. Không chỉ các dự án ODA mà trong các lĩnh vực khác, TP.HCM vẫn còn nhiều tiềm năng rất lớn.

Để có thể tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản, tôi mong muốn TP hỗ trợ nhanh chóng trong giải quyết các thủ tục hành chính", ông Ono Masuo nói.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), bày tỏ sự xúc động, bồi hồi sau một thời gian đầy nỗ lực, dự án đã hoàn thành.

Sự quan tâm và quyết tâm cao độ của các cấp lãnh đạo TP.HCM trong việc bảo vệ môi trường nước là yếu tố quan trọng để đạt được kết quả như hiện tại. TP đã dành riêng một cù lao biệt lập với tổng diện tích 42 ha để xây dựng nhà máy.

Đồng thời, nhờ vào sự hỗ trợ nguồn vốn ODA của tổ chức JICA và vốn đối ứng TP, các giai đoạn dự án cải thiện môi trường nước được đồng bộ từ giai đoạn thu gom đến xử lý nước thải, chống ngập do mưa, chỉnh trang kênh rạch, tái định cư, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ...

"Sau khi giai đoạn 3 được hoàn thành (giai đoạn 2025 - 2030), toàn bộ các tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ sẽ được trả lại màu xanh. Từ đó tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, giao thông đường thủy và nâng cao chất lượng sống của người dân", ông Phúc cho hay.

TP.HCM nỗ lực xanh hóa kênh đen - Ảnh 2.

TP.HCM đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn nhưng đến hiện tại mới có 2 nhà máy hoạt động với tổng công suất khoảng 500.000m³/ngày. Dự kiến trong năm 2025, công suất xử lý của các nhà máy dự kiến nâng lên khoảng 1,1 triệu m³/ngày trong tổng lượng nước thải hiện khoảng 1,6 triệu m³/ngày - Đồ họa: T.ĐẠT

Siêu nhà máy xử lý nước thải chạy nước rút

Trở ngược lại lưu vực trung tâm TP.HCM, dự án vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 được khánh thành năm 2012. Toàn bộ lượng nước thải được gom vào cống bao hơn 8km và được đưa về trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

Tuy nhiên, do nhà máy xử lý nước thải tại phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức) chưa được xây dựng nên toàn bộ nước thải trên bơm trở lại sông Sài Gòn để pha loãng, gây ô nhiễm. Cống bao này đi chung với hệ thống cống thoát nước mưa, vì vậy một lượng nước thải hòa lẫn với nước mưa thoát ra ngoài kênh khiến nước kênh chưa thoát khỏi ô nhiễm.

Giai đoạn trước đây dự án này bị chậm trễ nhiều năm, chủ đầu tư đánh giá nguyên nhân chủ quan là do nhà thầu không tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Trong khi đó, các vấn đề về khiếu nại thay đổi nhà sản xuất thiết bị, chậm trễ trong việc thiết kế bản vẽ và các hồ sơ khác... thường xuyên xảy ra.

Còn nguyên nhân khách quan đến từ các thủ tục vay vốn, giải ngân đã thay đổi. Các khoản thuế, phí của dự án từ tháng 7-2021 không còn được thanh toán từ nguồn vốn vay ODA mà phải thanh toán từ nguồn vốn đối ứng của ngân sách TP.

Mới đây vào tháng 8-2024, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) đã có thông tin mới nhất về việc triển khai dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2, với tổng mức đầu tư hơn 524 triệu USD (tương đương 11.133 tỉ đồng). Dự án gồm có 8 gói thầu xây lắp, trong đó gói thầu quan trọng nhất là xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức).

Theo chủ đầu tư, nhà máy xử lý nước thải áp dụng công nghệ xử lý sinh học MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor), sử dụng các giá thể dạng di động cho vi sinh vật bám dính và phát triển để loại bỏ các chất hữu cơ trong nước thải.

Đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và đây cũng là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nước thải sau khi được xử lý đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường sẽ được xả ra sông Sài Gòn. Liên danh nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành nhà máy xử lý nước thải này trước 30-6-2025.

Như vậy, sau khi nhà máy này hoàn thành, toàn bộ lượng nước thải của khoảng 1,2 triệu người ở các quận 1, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận sẽ được xử lý. Với công suất xử lý 480.000m3/ngày cộng với công suất của các nhà máy hiện hữu ở TP.HCM, từ năm 2025 sẽ có hơn 1,1 triệu m3 nước thải được xử lý trước khi đổ ra kênh rạch.

Quy hoạch thêm nhiều nhà máy xử lý nước thải

Theo quy hoạch đến năm 2025, TP.HCM sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất gần 3 triệu m3/ngày. Nhưng tính tới thời điểm hiện tại, TP.HCM mới đang vận hành ba nhà máy xử lý nước thải gồm Bình Hưng (hai giai đoạn, công suất 469.000m3/ngày), Bình Hưng Hòa (công suất 30.000m3/ngày), Tham Lương - Bến Cát (công suất thực tế khoảng 15.000m3/ngày).

Ngoài ra còn bốn trạm xử lý nước thải của khu dân cư gồm Tân Quy Đông (công suất 500m3/ngày), khu tái định cư 17,3 ha Bình Khánh (công suất 3.000m3/ngày), khu tái định cư Vĩnh Lộc B (công suất 3.700m3/ngày), khu tái định cư 38,4 ha Bình Khánh (công suất hơn 7.000m3/ngày). Hiện các nhà máy Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc, Suối Nhum đang được mời chào đầu tư để xây dựng hoàn thành giai đoạn 2026 - 2030.

Riêng lưu vực Tây Sài Gòn, năm 2017 liên danh Lotte E&C - Huvis Water - Honor Shine Global từng đề xuất xây dựng hệ thống cống bao và nhà máy để xử lý nước thải cho ba lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, Tây Sài Gòn và Bình Tân. Nhà máy có tổng công suất 650.000m3/ngày với mức vốn đầu tư 490 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn còn giậm chân tại chỗ.

Cam kết vận hành hiệu quả

Đại diện Trung tâm quản lý hạ tầng TP.HCM cho biết đơn vị được thành lập năm 2019, thực hiện chức năng thay UBND TP.HCM làm chủ sở hữu, quản lý, bảo trì toàn bộ hệ thống thoát nước, kiểm soát triều, hệ thống thu gom, xử lý nước thải và nguồn thải.

Bình Hưng là nhà máy xử lý nước thải tập trung sức chứa lớn đầu tiên của TP.HCM nên nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ để nâng cao năng lực quản lý, vận hành từ chương trình hợp tác với JICA.

Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cam kết tiếp tục vận hành nhà máy giai đoạn 2 hiệu quả, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, mang lại lợi ích cho cộng đồng lâu dài. Việc này tiếp tục khẳng định vai trò của nhà máy như một biểu tượng của sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cảnh quan, không gian xanh.

Cần giải pháp đồng bộ xử lý nước thải

TP.HCM nỗ lực xanh hóa kênh đen - Ảnh 3.

Kênh Nước Đen (TP.HCM) dù đã được xây kè khang trang nhưng nước chưa thể trong xanh do chưa được xử lý - Ảnh: C.TUẤN

Bản chất nguồn nước bị ô nhiễm phần lớn do nước thải sinh hoạt xả thẳng ra kênh. Bây giờ các dự án môi trường phải chặn, thu gom nguồn nước lại và đưa về nhà máy. Sau khi xử lý đạt chuẩn rồi đưa nước ra lại thì dòng kênh sẽ xanh trở lại.

Để tất cả các kênh rạch tại TP.HCM trở nên xanh đẹp, ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho rằng cần làm từng làm giai đoạn, diện tích.

Từ đó, lượng nước thu gom xử lý sẽ ngày càng tăng lên. Điều kiện tiên quyết để làm được điều đó cần có thêm những nhà máy khác để khép kín thu nước các lưu vực, xử lý đồng bộ, tiến đến tất cả kênh rạch ở TP đều sạch đẹp.

"Tính liên thông của các dự án rất quan trọng nên chúng ta cần xử lý tiếp các kênh lân cận như Tân Hóa - Lò Gốm, bởi vì các dòng chảy sẽ hòa vào nhau. Sắp tới TP sẽ có thêm Nhà máy xử lý nước thải Thạnh Mỹ Lợi với công suất lớn hơn Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng. Đó là tín hiệu đáng mừng", ông Phúc cho hay.

Về vấn đề này, tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, cho biết việc TP ngày càng tập trung hơn vào các dự án xử lý cải thiện môi trường nước là điều đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý tính toán kỹ về độ cao và dòng chảy của các lưu vực. Đồng thời đánh giá quá trình thực hiện, hiệu quả của từng nhà máy rồi tính tới các bước tiếp theo để tránh lãng phí.

Ông Thuận lấy ví dụ về kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có hai nhánh chính, hai chế độ chảy khác nhau. Vì vậy khi thủy triều lên, nước sẽ chảy từ hướng quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp sang quận 12.

Ngược lại, dòng chảy của con kênh này lại theo hướng từ quận 12 về quận Tân Phú và Bình Tân. Vì vậy, muốn giải cứu được con kênh này phải nắm rõ dòng chảy của nó mới đấu nối đưa nước về xử lý hợp lý.

"Tất cả những nhà máy hiện hữu phải hoạt động để đánh giá hiệu quả. Sau đó nghiên cứu việc đấu nối các nhà máy với nhau. Trong tương lai, TP.HCM phải hoàn thiện đấu nối hạ tầng, đánh giá khoanh vùng để xử lý từng nơi, tách nước mưa và thủy triều không nằm trong hệ thống để đảm bảo có hiệu quả", ông Thuận nói.

TP.HCM nỗ lực xanh hóa kênh đen - Ảnh 3.

Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất nước tại TP.HCM đã được nâng công suất - Ảnh: C.T.

Dự án cải thiện môi trường nước qua 3 giai đoạn

Dự án Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng vừa được khánh thành là giai đoạn 2 của tổng dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM (chủ đầu tư trước đây là Ban quản lý dự án xây dựng đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP - nay là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP).

Theo đó, giai đoạn 1 đã hoàn thành phục vụ xử lý cho khu vực diện tích 910 ha trên 10 quận huyện của TP.HCM là quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh, với dân số khoảng 900.000 người.

Giai đoạn này đã lắp đặt, hoàn chỉnh hệ thống cống thu gom nước mưa và các trạm bơm để giải quyết các điểm ngập do mưa trong lưu vực. Lắp đặt, thi công hệ thống đê bao, trạm bơm, hồ điều tiết... khắc phục tình trạng ngập do triều cường tại các khu vực phường 15 (quận 8) và phường 27 (quận Bình Thạnh).

Đồng thời lắp đặt hệ thống cống thu gom cùng trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải khắc phục tình trạng ô nhiễm. Bên cạnh đó đã tổ chức di dời, tái định cư các hộ dân trên tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé; nạo vét, kè bờ để đảm bảo thoát nước, giao thông thủy, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân trong lưu vực. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 6.000 tỉ đồng.

Giai đoạn 2 vừa khánh thành xử lý nước thải cho lưu vực có diện tích 2.530 ha trên địa bàn quận 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh, với dân số khoảng 1,8 triệu người.

Dự án có mục đích hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mưa, giải quyết tình trạng ngập tại các điểm ngập trong lưu vực; nạo vét, cải tạo tuyến kênh Tàu Hủ, kênh Ngang số 1, 2 và 3 và một phần kênh Hàng Bàng; thu gom và xử lý nước thải trong lưu vực.

Đặc biệt, nâng công suất trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải lên 469.000m3/ngày. Đồng thời chỉnh trang đô thị, khôi phục mặt nước một phần tuyến kênh Hàng Bàng. Tổng mức đầu tư của dự án giai đoạn này là 11.300 tỉ đồng.

Tiếp theo, giai đoạn 3 có lưu vực xử lý nước thải thêm khoảng 1.600 ha qua quận 7, 8 và huyện Nhà Bè, với dân số khoảng 900.000 người.

Sau khi giai đoạn này hoàn thành, nước thải sinh hoạt của toàn bộ lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ sẽ được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Bên cạnh đó sẽ nạo vét, kè, chỉnh trang đường ven kênh, khắc phục tình trạng ngập nước, ô nhiễm.

Mục tiêu dự án là tiếp tục hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa nhằm chống ngập úng và giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường cho các khu vực trũng của thành phố và vùng lân cận thuộc lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ và khu vực Nam Sài Gòn. Hoàn thiện, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải tại một số khu vực đô thị mới ở quận 8.

Đồng thời xây dựng hoàn thiện, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải cho lưu vực phía nam thành phố (quận 7, huyện Nhà Bè). Dự kiến dự án có tổng mức đầu tư khoảng 9.863 tỉ đồng.

TP.HCM nỗ lực xanh hóa kênh đen - Ảnh 4.

Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé sẽ trong xanh nhờ dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM - Ảnh: L.P.

Mong các dòng kênh sớm hết đen hôi

Ông Nguyễn Thành Đạt (74 tuổi, người dân sống bên bờ kênh Tàu Hủ) chia sẻ ông là chứng nhân con kênh huyết mạch giao thương này từ những năm 1970 cho đến hôm nay. Nhiều người đã từng nói cái gì dơ nhất thì cứ vứt xuống kênh, nước thải cũng xả thẳng ra kênh, chính vì thế mà mức độ ô nhiễm của dòng kênh ngày càng nặng.

Cộng với nhà cửa lụp xụp khiến không gian dọc theo con kênh trông nhếch nhác vô cùng. Khi chính quyền thực hiện một số dự án cải tạo, xử lý nước thải, không ít người hoài nghi làm sao thay đổi toàn diện nổi. Cho đến hiện tại nhà cửa dọc dòng kênh có thể tươm tất hơn trước, nhưng dòng nước đen và hôi vẫn như ngày nào.

Vì vậy khi nghe thông tin Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng nâng công suất, nước thải dọc theo con kênh sẽ được thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường, ông Đạt cho biết rất phấn khởi. "Tôi hy vọng không lâu nữa dòng nước không chỉ ở kênh Tàu Hủ mà nhiều con kênh khác như Tân Hòa - Lò Gốm sẽ xanh dần trở lại, tôi tin là thành phố sẽ làm được", ông Đạt chia sẻ.

TP.HCM nỗ lực xanh hóa kênh đen - Ảnh 6.Kênh Nước Đen ngập ngụa rác đã được dọn sạch

Sau khi ra quân "giải cứu" vào chiều 13-5, kênh Nước Đen (quận Bình Tân, TP.HCM) đã được dọn sạch rác và lục bình, người dân vui mừng vì đã bớt mùi hôi, thông thoáng hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên