TTCT- 20 năm đã trôi qua kể từ khi chương trình đánh bắt hải sản xa bờ được triển khai, nguyên bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc không khỏi bồi hồi nhớ về 1.300 con tàu được đóng mới từ vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần thủy sản BV 99999 mang tên "Gia Hân 02", được đóng theo nghị định 67, của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu có trị giá 35 tỉ đồng trong lần xuất bến hạ thủy vào tháng 5-2015-Đông Hà Mục tiêu mới của ngành thủy sản đến năm 2025 sẽ có vài trăm con tàu Việt Nam tham gia hoạt động trên vùng biển quốc tế. Để tàu cá vươn ra khơi Hồi tưởng những ngày xây dựng chương trình đánh bắt hải sản xa bờ, nguyên bộ trưởng Tạ Quang Ngọc cho hay năm 1997 Phó thủ tướng Trần Đức Lương ký quyết định triển khai chương trình, nhưng để có quyết định ấy thì Bộ Thủy sản đã chuẩn bị từ năm 1993. “Lúc đó vừa ra khỏi bao cấp, rất nhiều việc phải làm” - nguyên bộ trưởng nói. Với hai nguồn vốn quan trọng là vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn của chương trình biển và hải đảo, trong vòng bốn năm từ khi có quyết định triển khai (năm 1997) đến khi dừng chương trình năm 2001, ông Ngọc cho hay, có khoảng 1.300 con tàu được xếp vào nhóm tàu đánh bắt xa bờ được đóng mới bằng nguồn vốn gần 1.500 tỉ đồng cho người dân vay ưu đãi. Người dân cũng bỏ thêm nhiều vốn đóng tàu và tổng cộng có khoảng 6.500 con tàu mới sau chương trình. Theo nguyên bộ trưởng Ngọc, chương trình đánh bắt xa bờ có nhược điểm là quản lý vốn chưa tốt (đến khi kết thúc vẫn còn hàng trăm tỉ đồng thuộc diện dây dưa nợ vay). Tuy nhiên với chương trình này, lần đầu tiên có khái niệm thế nào là đánh bắt gần bờ, thế nào là xa bờ, cũng lần đầu tiên Nhà nước đẩy mạnh đầu tư hậu cần nghề cá. “Năm 1990 cả nước chỉ có trên 1.000m cầu cảng thì năm 2005 chúng ta có trên 10.000m với 64 bến cảng, đến nay vẫn phát huy được hiệu quả. Chương trình này kết hợp với nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản đã trở thành mũi nhọn kinh tế quan trọng của đất nước” - ông Ngọc cho hay. Ông Nguyễn Văn Trung, vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho hay sau chương trình đánh bắt hải sản xa bờ kể trên, trong hơn 10 năm từ 2001-2014 không có nguồn vốn nhà nước nào dành cho hoạt động đóng tàu. Đến năm 2014 nghị định 67 của Chính phủ một lần nữa mở ra cơ hội cho ngư dân bằng chương trình hỗ trợ lãi suất để đóng mới tàu cá vỏ thép, vỏ composit công suất từ 400 CV trở lên. Tính đến ngày 31-5 đã có 666 tàu thuộc chương trình này hạ thủy, trong đó trên 620 tàu khai thác hải sản và trên 40 tàu phục vụ hậu cần nghề cá xa bờ. Trao đổi với TTCT, ông Trung nói: “Nghề cá mình đi lên từ nhỏ lẻ, mục tiêu của chương trình 67 là hiện đại hóa đội tàu cá hoạt động ở vùng biển xa, vừa làm kinh tế và vừa giữ chủ quyền. Những vùng biển có nhiều “tàu 67” như Hải Hậu (Nam Định), Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồ Sơn (Hải Phòng)... đời sống ngư dân được cải thiện, chất lượng sống trong những ngày lênh đênh trên biển cũng tốt lên. Trên tàu có trang thiết bị hiện đại tương đương tàu cá các nước Đông Nam Á, có thiết bị thông tin liên lạc như điện thoại vệ tinh, thiết bị theo dõi thời tiết của các trang dự báo quốc tế...”. So với 5 năm trước, đội tàu đánh bắt ở biển xa đã mạnh lên về chất lượng, nhiều hơn về số lượng. “Tới đây trong “chương trình 67 sửa đổi”, chúng tôi sẽ tham mưu theo hướng không đóng tàu đại trà mà đóng tàu có thiết bị chế biến, bảo quản để gia tăng giá trị nghề cá, đồng thời chuẩn bị đội tàu lớn hợp tác với các nước, đưa tàu VN ra khai thác ở các vùng biển chung, đến năm 2025 sẽ có vài trăm tàu VN đánh bắt ở vùng biển Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, phát triển kinh tế biển...” - ông Trung cho hay. Sợ “vết xe đổ” nhưng không chùn bước Hai chương trình hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ đã qua dù đem lại những hiệu quả nhất định, nhưng chương trình nào cũng để lại nhiều khiếm khuyết. Chương trình đánh bắt xa bờ bị dừng “không kèn không trống”. Trả lời TTCT, một chuyên gia về thủy sản nhận định khiếm khuyết lớn của chương trình đánh bắt xa bờ triển khai năm 1997 là cách thức quản lý vốn vay. Cơn bão Linda 1997 đã làm nhiều tàu chìm, cơ chế thu nợ, tài sản bảo đảm... có nhiều trục trặc. Khoảng năm 2003 khi chương trình bị ngưng được hai năm, số nợ quá hạn không có khả năng chi trả lên tới gần 300 tỉ đồng, các địa phương phải thành lập hội đồng xử lý nợ, thậm chí khi chuẩn bị triển khai chương trình 67, nhiều ý kiến lo ngại sẽ đi vào “vết xe đổ” của “đánh bắt xa bờ”. Và, thực tế đang có những dấu hiệu cho thấy lo ngại kia không phải không có cơ sở. Mặc dù đang trong quá trình triển khai nhưng đã có 18 tàu mới hạ thủy đã hỏng. Đây đều là những con tàu vỏ thép có vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng, mới hạ thủy và đi biển vài chuyến thì vỏ thép đã gỉ sét, máy tàu hỏng, gãy trục... buộc phải nằm bờ. Qua thẩm tra, 8/9 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng có động cơ không phải chính hãng, vỏ tàu bằng thép Trung Quốc không phải thép Nhật, Hàn Quốc như hợp đồng. “Điều này đã gây thiệt hại cho chủ tàu và ngư dân, gây bức xúc cho dư luận” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết. Theo ông Trung, do đi lên từ nghề cá nhỏ, dựa vào kinh nghiệm truyền thống là chính, VN chưa có đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm việc trên các tàu cá. Chẳng hạn, hồi tháng 5 tàu đánh bắt xa bờ câu được cá ngừ đại dương có giá trị kinh tế cao, nhưng khi về bờ thương lái không thể mua cá do không được bảo quản đảm bảo yêu cầu. “Thống kê cho thấy nghề cá ở VN bị thất thoát sau thu hoạch khá cao. Nếu không có đội ngũ cán bộ kỹ thuật cao thì không mơ được đội tàu hiện đại đi đánh cá ở nước ngoài” - ông Trung chia sẻ. Ba hướng đi quan trọng của nghề cá hiện nay là khai thác bền vững, vươn ra quốc tế và nâng giá trị gia tăng cho nghề cá bằng công nghệ bảo quản. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ông Trung cho rằng hiệu quả kinh tế của các tàu thuộc đội tàu 67 cao hơn 15-20% so với trước đây. Và điều quan trọng là chương trình đã tạo ra hiệu ứng để nhiều doanh nghiệp tham gia đóng mới tàu và tham gia đánh bắt xa bờ. Hiện nay Tổng cục Thủy sản đang xây dựng dự thảo một chương trình mới thay thế chương trình 67, theo hướng hỗ trợ một lần sau đầu tư cho các con tàu từ 800 CV trở lên. “Người dân tự huy động vốn, tàu nằm trong quy hoạch về nghề khai thác của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn”, khi đóng xong đi đăng ký đăng kiểm, có giấy phép khai thác thủy sản thì dự thảo đề nghị hỗ trợ 35% giá trị con tàu. Nếu Chính phủ chấp thuận, năm 2018 chương trình này sẽ được đưa vào triển khai” - ông Trung cho biết. Theo ông Trung, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đàm phán với Brunei, thống nhất đưa đội tàu làm nghề vây và câu sang khai thác ở vùng biển Brunei. Tới đây VN sẽ làm việc với Papua New Guinea với mục đích tương tự. Nếu dự thảo này được triển khai, sau mỗi chương trình quy mô tàu cá Việt lại càng lớn hơn: chương trình đánh bắt xa bờ tối thiểu từ 250 CV, chương trình 67 tối thiểu là 400 CV và tới đây là dự kiến 800 CV. Mục tiêu là để tàu Việt có thể vươn khơi ở những vùng biển xa, phát huy hiệu quả kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền ở vùng biển VN. “Tuy nhiên, nếu muốn có đội tàu lớn vươn khơi như mơ ước, cơ sở đóng tàu, đăng kiểm, ngư dân... đều phải tự đổi mới mình. Những chính sách hiện tại để kiểm soát chất lượng con tàu, theo Tổng cục Thủy sản, là đã ổn, nhưng kết quả là 18 con tàu đã đăng kiểm nhưng chất lượng tệ hại, chứng tỏ quy trình kiểm soát chất lượng tàu có vấn đề” - ông Trung đánh giá. Chính vì vậy, Tổng cục Thủy sản và các tỉnh, thành ven biển đang phải tổng rà soát các cơ sở đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá. Điểm mới sắp tới là khi chuyển sang triển khai chương trình hỗ trợ một lần sau đầu tư tàu cá, chủ tàu sẽ toàn quyền theo dõi con tàu trong quá trình đóng mới tại cơ sở đóng tàu thay vì có nhiều bên ràng buộc như hiện nay. Điều này lại đặt ra một câu hỏi khác: liệu chủ tàu có đủ kiến thức về máy móc, thiết bị... để giám sát quá trình đóng tàu? Bên cạnh đó là trăn trở về nhân lực, đội tàu cá VN đang thiếu thuyền viên được đào tạo, có kiến thức trong bảo quản sau đánh bắt, chế biến nâng hiệu quả khai thác hay khai thác tiện ích thiết bị trên tàu cá hiện đại. Ông Trung thì lo ngư dân chưa kịp thay đổi được những thói quen cũ, còn nguyên bộ trưởng Ngọc cho rằng tàu to không phải là bảo chứng thành công của nghề cá, mà còn là tổ chức khai thác. “Tàu to mà vẫn đánh bắt nhỏ lẻ thì sẽ khó phát triển” - ông Ngọc chia sẻ.■ Trước năm 1997, chỉ có vài trăm tàu thuộc loại tàu đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên). 2001: Có thêm 1.305 tàu được đóng mới nhờ chương trình đánh bắt xa bờ, cộng với số tàu người dân tự huy động vốn đóng, tổng cộng có 6.500 tàu đánh bắt xa bờ. 2010: Trên 20.000 tàu đánh bắt xa bờ. 2014 (trước khi thực hiện chương trình 67): 28.000 tàu. 2017: Trên 31.000 tàu đánh bắt xa bờ (vốn đầu tư cho chương trình: Phần lớn vốn đầu tư cho số gần 970 tàu được đóng mới, nâng cấp, cải hoán theo chương trình là do các ngân hàng cho vay, trong đó mỗi tàu vỏ thép đóng mới được vay hàng chục tỷ đồng). (Nguồn: Tổng cục Thủy sản) Tags: Tàu cáTàu vỏ thépĐánh bắt xa bờĐánh bắt thủy hải sản
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.