Từ trái qua: tay trống Nguyễn Trọng Nhân, Ku Tin và Hồ Văn Cường - những cái tên đang nổi lên từ các cuộc thi game show nhí - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Không thể phủ nhận một điều rằng nhờ các cuộc thi game show nhí mà showbiz Việt phát hiện nhiều tài năng nhí. Tuy nhiên, game show chỉ là những cuộc chơi đơn thuần. Những người tham gia đều có cái được cái mất khi lao vào sân chơi này, đặc biệt là các em nhỏ.
Siêu nhí: siêu kiếm tiền
Lý do bùng nổ các cuộc thi tài năng nhí rất đơn giản: mang về những khoản thu béo bở cho nhà đài và nhà sản xuất. Năm 2013, truyền hình Việt lên cơn sốt khi giá quảng cáo trong chương trình đêm chung kết của Giọng hát Việt nhí đạt mức kỷ lục: 140 triệu đồng (cho một spot quảng cáo 10 giây) và 280 triệu đồng (cho một spot quảng cáo 30 giây).
Năm nay, Trung tâm quảng cáo truyền hình VTV đưa ra bảng giá quảng cáo đầu tiên cho Giọng hát Việt nhí năm 2016, dao động từ 125 triệu đồng (cho một quảng cáo 10 giây) đến 250 triệu đồng (một quảng cáo 30 giây) - con số này hẳn nhiên sẽ còn tăng khi bước vào những vòng sau.
Trong khi đó, Thần tượng âm nhạc nhí (đang phát sóng trên VTV3) có giá quảng cáo cũng cao ngất ngưởng: 110 triệu đồng (một quảng cáo 10 giây) đến 220 triệu đồng (quảng cáo 30 giây).
Ngay như đài truyền hình địa phương là Truyền hình Vĩnh Long, chương trình Thử tài siêu nhí cũng có giá quảng cáo khá cao từ 48 triệu đồng (một quảng cáo dài 5 giây) đến 120 triệu cho quảng cáo 30 giây.
Nguồn thu từ quảng cáo càng nhiều, áp lực kiếm tiền từ các cuộc thi dành cho trẻ em và các thí sinh nhỏ tuổi hiển nhiên càng tăng.
Và dĩ nhiên, các bé được nhà sản xuất o bế, chăm sóc với mục đích làm sao có nhiều tiết mục hút khán giả và hút quảng cáo.
Không chỉ trong lúc thi, các tài năng nhí sau khi thắng cuộc cũng được muôn vàn ưu đãi bên cạnh giải thưởng tiền mặt lên đến vài trăm triệu đồng.
Bé Bảo An - Ảnh: Ruby Bảo An |
Bé Bảo An (10 tuổi) - “siêu nhí triệu view” của kênh YouTube Việt Nam - là một ví dụ. Sau khi đoạt giải ấn tượng tại cuộc thi Đồ rê mí 2011, bé “vô” không ít hợp đồng quảng cáo, trình diễn và quay clip.
Các clip trên YouTube của Bảo An hiện đạt khoảng 50 triệu lượt view, clip ít nhất cũng đạt 10 triệu view, giúp Bảo An trở thành ngôi sao YouTube mới sau “bé Xuân Mai”.
Với “độ phủ sóng” đó, Bảo An cũng nhận được không chỉ các học bổng học văn hóa, âm nhạc mà còn các học bổng từ trung tâm ngoại ngữ và các kỹ năng khác.
Các quán quân của Giọng hát Việt nhí hay Người hùng tí hon cũng đều có các học bổng tại những trường nghệ thuật, trường trung học quốc tế và được các công ty đào tạo và quản lý tài năng ký hợp đồng.
Dẫu vậy, chị Ái Phương, mẹ Bảo An, cho hay:
“Bé phải dành thời gian cho các sự kiện, thu âm, quay hình... Xót nhất là khi con quay hình, toàn phải phơi mình ngoài nắng nóng mới có những thước phim đẹp.
Gia đình đôi khi cũng không muốn con phải lao động quá nhiều nhưng vì kỳ vọng của công chúng lại phải cùng con thực hiện tiếp những sản phẩm mới hay hơn, ý nghĩa hơn.
Áp lực cho gia đình và bé vì thế cũng ngày một nhiều hơn, đặc biệt là ngày càng có nhiều người thần tượng bé, kỳ vọng bé ngoài việc là một cô bé hát hay còn phải là một học sinh học thật giỏi”.
Tuyển thí sinh từ khi lên 4 Có hơn chục game show nhí đang phát sóng trên màn ảnh nhỏ nhưng con số này vẫn chưa dừng lại. Sắp tới đây truyền hình lại tiếp tục ra mắt Người hùng tí hon mùa 2, Giọng hát Việt nhí mùa 4, Nhí tài năng mùa 3... Một điểm mới là nếu như tuổi của các thí sinh trước đây phải từ 5 tuổi trở lên (game show Đồ rê mí) thì nay nhà sản xuất tuyển sinh các bé chỉ từ 4 tuổi. Những cái tên Ku Tin, Tin Tin, An Khang... mới hơn 4 tuổi đã “nóng hổi” từ cộng đồng mạng đến truyền hình (từ Người hùng tí hon đến Bạn có thực tài, Thách thức danh hài, Thử tài siêu nhí...). |
*Bạn nghĩ gì về game show nhí đang tràn ngập màn ảnh nhỏ và mang về lợi nhuận cao cho nhà sản xuất? Xin vui lòng để lại ý kiến ở phần bình luận bên dưới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận