TTCT - Buổi sáng đầu tuần, tiếng lẹt phẹt của chiếc xe máy lớn dần lên trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Lương Bằng (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Người đàn ông đậm người, đội mũ phớt, mồ hôi nhễ nhại lụi hụi chằng buộc những thùng hàng chất lên yên xe để ra chợ bỏ mắm. Thầy giáo - giám đốc trẻ Công ty mắm truyền thống Mắm Hồng Hương (phải) học kinh nghiệm từ ông Trần Ngọc Vinh, người đứng đầu làng nghề nước mắm Nam Ô. -Ảnh: B.D. “Thầy giáo hôm nay lại có mối nữa à?” - giọng mấy người hàng cá ở khu chợ cũ vang lên. Mấy người khác thì bật cười vì hình ảnh tươm tất, sạch sẽ, “sơvin đóng thùng” của ông thầy giáo dạy con họ trên trường hằng ngày giờ được “hóa trang” bằng vẻ bươn chải, lam lũ của một người làm mắm. Thầy Phú... mắm Nhà của thầy giáo Bùi Thanh Phú (33 tuổi) nằm sâu trong hẻm 884 Nguyễn Lương Bằng. Bước vào hẻm, một mùi đặc trưng của khu làng nghề sản xuất nước mắm dậy lên các ngõ ngách. Bên hiên các căn nhà, trong các khoảng trống ít ỏi, thậm chí trên gác hai của những căn nhà... đâu cũng có những thùng chưng mắm to tướng, dậy mùi. Thầy Phú khoe mới hoàn thành chuyến tham gia hội chợ ở Quảng Nam từ ngày 26 đến 28-8. Hội chợ đông vui, thành công mỹ mãn, mấy bịch mắm của thầy được bán hết và nhận nhiều phản hồi tích cực, nhiều người nhờ thầy đặt hàng. Thầy Phú đang dạy môn công nghệ thông tin ở Trường THPT Phạm Phú Thứ (Q.Liên Chiểu), vài năm trở lại đây anh có một biệt danh mới: “thầy Phú mắm”. Năm 2009, khi vừa tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Phú được nhiều công ty săn đầu người tìm đến. Nhưng Phú không làm kỹ sư, mà theo nghề giáo để nuôi dưỡng ước mơ lớn hơn: chờ thời cơ thích hợp về mở công ty sản xuất nước mắm truyền thống, tiếp nối nghề gia truyền bốn đời để lại. Trong thời gian đi học, Phú đã chuẩn bị cho mình bằng loại ưu ngành quản trị kinh doanh. Năm 2010, Phú được tuyển dụng giảng dạy bộ môn công nghệ thông tin tại Trường THPT Phạm Phú Thứ. Nhắc đến Nam Ô, nhiều người nghĩ đến hình ảnh những người dân ăn mặn uống chát miệt mài làm ra những giọt nước mắm đi khắp đất nước, nhưng bao năm qua mãi chỉ là một làng nghề nhỏ. Phú vừa dạy vừa tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ. Quãng thời gian ấy, nhiều đồng nghiệp và học trò không lý giải nổi vì sao thầy Phú lúc rảnh rỗi lại chạy xe máy rong ruổi khắp các làng nghề, lọ mọ ở các xó xỉnh để tham quan, tìm hiểu và ghi chép hết các thông tin cần thiết về nghề nước mắm truyền thống. Giấc mơ Nam Ô Trong khi lứa thanh niên lớn lên ở làng mắm Nam Ô chọn cách “thoát ly” gia đình để lập nghiệp, ba anh chị em Phú cũng không chọn con đường trở về làng nghề mà vào các cơ quan nhà nước, thì Phú làm ngược lại. Vào dạy một thời gian ở Trường Phạm Phú Thứ, Phú được cử làm bí thư Đoàn trường, được cất nhắc lên vị trí quan trọng hơn. Nhưng một ngày cuối năm 2010, Phú lên phòng thầy hiệu trưởng và trình bày tâm nguyện muốn thôi làm công tác Đoàn, chỉ lo việc chuyên môn để có thời gian cho ước mơ được nuôi cấy nhiều năm: mở công ty nước mắm truyền thống nối nghiệp gia đình. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Bá Hậu ngạc nhiên, nhưng khi hiểu ra tâm nguyện của người đồng nghiệp lớn lên từ một làng nghề lâu đời nên tôn trọng ý kiến của Phú. “Lúc đó Phú đang làm bí thư Đoàn trường rất tốt, có triển vọng” - thầy Hậu nhớ lại. Ngày về làng, Phú một mình ra trước biển, dạo bộ tới các gia đình để nắm tâm nguyện của người Nam Ô. Ai lớn lên trong môi trường đó mới “thấm” lòng yêu cái nghề mặn mòi, chát đắng của những giọt cốt cá mà cha ông đã để lại cho người làng biển bên kia đèo Hải Vân. “Người Nam Ô coi nước mắm không chỉ là cái nghề, mà là di sản của tổ tiên để lại. Lứa thanh niên lớn lên ít người còn giữ nghề. Thương nhớ mùi mắm, những người lớn tuổi dù không kinh doanh cũng tự mình ủ những chum vại. Mỗi năm cất một lần để tặng người thân, con cháu” - thầy Phú nói. Năm 2014, khi dự án mở rộng nối dài tuyến đường dọc biển Nguyễn Tất Thành, Nam Ô bị xé ra làm đôi. Tuyến đường lớn ăn sát vào từng vách nhà của các hộ gia đình. Làng mắm từ hơn 100 hộ chỉ còn 52 hộ còn cầm cự. Năm 2011, trong bữa cơm tối, Phú thưa chuyện với bố mẹ xin được về nhà học việc, phụ bố mẹ gầy dựng lò mắm để đưa những chum sành của gia đình mình đi xa hơn. Bố Phú bỏ đũa giữa giờ ăn. Ông im lặng. Còn mẹ Phú gay gắt: “Cha mẹ đầu tắt mặt tối cho ăn học, vô được Nhà nước rồi giờ lại đòi về làm mắm, con nghĩ sao mà làm vậy?”. Nhưng trước chí hướng và lòng quyết tâm của con trai, bố mẹ Phú phải gật đầu. Mô hình gầy dựng xưởng nước mắm truyền thống của thầy giáo Phú được sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức hội nghề nghiệp TP Đà Nẵng. -Ảnh: B.D. Làm mắm truyền thống kiểu hiện đại Phú đưa chúng tôi ra lò mắm của gia đình mình. Cả khu vườn, hầu như tất cả các khoảng trống ít ỏi mà gia đình dọn dẹp đều được lấy chỗ để đặt những chum chưng cất nước mắm. Đâu đâu cũng thấy những đống chai lọ, các loại máy chưng cất, những tập tài liệu nghiên cứu về nước mắm truyền thống. Suốt 6 năm nay, sau giờ lên lớp, thầy giáo trẻ gần như dành hẳn thời gian cho những chum sành nước mắm của mình. Mẹ Phú, bà Phạm Thị Ngọc Bích, năm nay 62 tuổi, là người làm mắm lâu năm, nhưng khi kể về Phú bà cũng lắc đầu: “Nó mê làm nước mắm hơn cả bố mẹ nó. Làm ngày 12-16 tiếng, từ tối mịt tới sáng. Đi dạy về là ra chăm mắm, rồi chưng cất, rồi chở hàng đi bán”. Thầy giáo trẻ nói rằng khi gầy dựng lò mắm, việc đầu tiên là đứng ra thành lập công ty. Có tư cách pháp nhân, thừa hưởng bí quyết chưng cất sẵn có và sự giúp sức của hai “quân sư” là bố mẹ, những hũ nước mắm của gia đình được làm ra và đưa đi khắp Quảng Nam, Đà Nẵng, rồi Huế, Quảng Bình... Để có những giọt nước mắm nguyên chất và nếm vào là “quẹo đầu lưỡi” khách hàng, Phú nói tự tay anh phải đi chọn từng mớ cá rồi về tỉ mẩn ủ dưỡng, rồi vào tận làng muối Ninh Thuận mua những hạt muối sạch. Nhưng bí quyết mà anh tốn không ít công sức, tiền của là đi lùng tìm những hũ sành dùng để ủ mắm có từ hàng chục đời để lại. “Những hũ sành đó rất khó kiếm, mình đi xe máy khắp các làng nghề ở miền Trung này, vào tận các hộ gia đình để tìm mua và đưa về. Theo cách giải thích rất khoa học và dễ hiểu, những hũ sành sứ ấy đã có tuổi và giữ được vị mắm rất đặc trưng” - Phú nói. Từ ngày thầy giáo Phú chuyển qua làm giám đốc, vực dậy thương hiệu nước mắm Nam Ô, lũ học trò tìm đến thầy phải báo trước để thầy “sắp lịch”. Lúc thì thầy đi “đánh” hàng ở Quảng Nam, lúc thì lang thang trên xe máy ở một xó xỉnh nào đó mua hũ sành, có lúc lại hớt hải trên từng chuyến hàng để giao nước mắm cho khách. Hết tiếp thị trực tiếp, Phú lại quảng bá những giọt mắm trên Facebook, rồi dùng tên “Phú mắm” để gắn sản phẩm mình làm ra cho bạn bè. Phú còn mua hẳn một tên miền nhận diện làng nghề Nam Ô làm “của để dành” cho bà con mình khi thương hiệu đã lớn mạnh. Mô hình khởi nghiệp, vực dậy làng nghề của thầy giáo trẻ đã được địa phương, Sở Công thương và TP Đà Nẵng biết đến, ghé thăm, hỗ trợ máy móc để mở rộng thêm.■ “Không để nước mắm Nam Ô mang tiếng xấu” Hướng đi của Phú dựa trên giá trị cốt lõi mà người làm mắm Nam Ô để lại: mắm sạch. “Làm mắm truyền thống rất khó, không chỉ đòi hỏi tay nghề mà mình phải trung thực với nghề, không vì lợi nhuận mà làm ẩu, bỏ hóa chất, phẩm màu. Khách hàng dùng khi phát hiện thì người ta sẽ mất niềm tin. Không chỉ cá nhân mình bị ảnh hưởng mà Nam Ô cũng sẽ mang tiếng. Mình sẽ có tội với tiền nhân” - Phú chia sẻ. Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô Trần Ngọc Vinh phấn khởi: “Nước mắm Nam Ô ngon nổi tiếng. Nhưng bà con chúng tôi bao đời nay cũng chỉ làm được tới đó, không “thoát” ra được xa hơn. Giờ phải nhờ đến những thế hệ trẻ như Phú gầy dựng thêm, đưa thương hiệu đi xa hơn. Nước mắm bán được nhiều thì bà con cũng được thơm lây, hưởng lợi”. Bằng lối đi kiên định để vực dậy làng nghề, xưởng mắm của thầy Phú và nhiều lò mắm ở Nam Ô giờ đã nổi tiếng và được nhiều khách hàng lựa chọn. Mỗi năm, làng cá Nam Ô ủ ướp trên dưới 200 tấn cá nguyên liệu, lò mắm của thầy Phú cao điểm mỗi tháng xuất hàng ngàn lít đi khắp cả nước. Tình hình đó đòi hỏi xưởng mắm của Phú phải mở rộng quy mô, tuy nhiên UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương di dời làng nghề này ra khỏi khu dân cư, về khu tập trung. Tags: Giấc mơ nước mắmNước mắm Nam ôThấy giáo nước mắmNước mắm thầy giáo trẻ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.